Sự phong phú và đa dạng về dạng sống

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng làm cơ sở đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển tài nguyên cây dược liệu tại khu bảo tồn thiên nhiên đồng sơn kỳ thượng, tỉnh quảng ninh​ (Trang 39 - 40)

Rừng nhiệt đới được coi là nơi có mức độ phong phú và đa dạng cao nhất về thành phần loài, về các dạng sống cũng như về giá trị sử dụng tài nguyên.

Với kết quả phát hiện và ghi nhận được 428 loài có công dụng làm thuốc, thuộc 330 chi, 125 họ, 4 ngành thực vật bậc cao có mạch và Nấm đã khẳng định sự phong phú về thành phần chủng loại và giá trị sử dụng làm thuốc rộng rãi của nhóm tài nguyên này.

Về dạng sống, qua thống kê và phân loại sơ bộ 410 loài cây thuốc đã biết thuộc 2 ngành Thông (Pinophyta) và ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) cho thấy:

- Cây thân thảo / cỏ (T) bao gồm cả cây thân thảo sống bám (Phụ sinh), cây thảo sống 1 năm và cả cây thảo sống nhiều năm: 159 loài (chiếm 38,78%).

- Cây bụi (B) bao gồm cả cây bụi mọc dựa: 124 loài (chiếm 30,24%).

- Dây leo (L) bao gồm cả dây leo gỗ, dây leo hóa gỗ ít và dây leo thảo: 72 loài (chiếm 17,56%).

- Cây thân gỗ (G) bao gồm cây gỗ nhỏ, gỗ trung bình và cây gỗ lớn: 50 loài (chiếm 12,2%).

- Ngoài ra trong lớp Hành (Liliopsida) hay còn gọi là cây Một lá mầm (Monocotyledone) có 5 loài thân cột (C) như các loài Báng, Móc, Đùng đình (chiếm 1,22%).

Các loài thuộc nhóm Nấm (2 loài), ngành Thông đất - Lycopodiophyta (3 loài) và ngành Dương xỉ - Polipodiophyta (13 loài) không nằm trong các nhóm dạng sống kể trên (chiếm 4,39%).

Như vậy cây thuốc mọc tự nhiên ở Khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng cũng rất phong phú về các dạng sống cơ bản của giới thực vật. Trong đó, nhóm cây thảo có nhiều loài nhất (159 loài), sau đó đến nhóm cây bụi (124 loài), nhóm dây leo (72 loài), nhóm cây gỗ (50 loài) và cuối cùng là nhóm cây thân cột (5 loài). Đây cũng là tỷ lệ chung về dạng sống của nguồn tài nguyên cây thuốc ở nước ta. Ngoài ra, các loài cây thảo, cây bụi và dây leo là những nhóm cây thường ở gần nơi sinh sống của con người, nên trong quá trình tìm tòi cây làm thuốc cũng được người ta tiếp cận nhiều hơn so với 2 nhóm cây gỗ và cây thân cột.

Tuy nhiên những nhận xét trên đây chỉ có tính tương đối, khi xem xét về dạng sống của những cây làm thuốc đã biết ở Khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng, tại tỉnh Quảng Ninh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng làm cơ sở đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển tài nguyên cây dược liệu tại khu bảo tồn thiên nhiên đồng sơn kỳ thượng, tỉnh quảng ninh​ (Trang 39 - 40)