Cơ sở hạ tầng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng làm cơ sở đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển tài nguyên cây dược liệu tại khu bảo tồn thiên nhiên đồng sơn kỳ thượng, tỉnh quảng ninh​ (Trang 30 - 32)

a) Giao thông: Con đường huyết mạch đường tỉnh lộ 326 và 279 nối giữa tỉnh Bắc Giang với Thị xã Cẩm Phả chạy qua phía ngoài KBT là đặc điểm quan trọng hàng đầu góp phần xây dựng, phát triển kinh tế xã hội địa phương. Gần đây được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, mạng lưới giao thông liên thôn, liên bản đã được đầu tư mở mang, tu sửa làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. Tuy nhiên mật độ đầu tư còn hạn chế, cùng các yếu tố bất lợi của thiên nhiên, thời tiết nên các nhánh đường này thường gồ ghề, nhỏ hẹp qua nhiều dốc cao, khe suối nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn.

b) Giáo dục: Các xã trong vùng dự án hầu hết đã có trường học tiểu học, trường phổ thông trung học cơ sở ở trung tâm, phòng học phổ biến là nhà cấp IV, trang thiết bị và đồ dùng học tập còn rất thiếu thốn, tại thôn bản có những lớp học ghép. Tỷ lệ trẻ em đến trường đạt 97 đến 98%. Chất lượng việc dạy và học chưa cao trình độ học sinh thấp hơn so với trung bình khu vực.

c) Y tế: Các xã có trạm y tế tại trung tâm xã, ở các bản có cán bộ y tế thôn bản, tuy nhiên trang thiết bị của các cơ sở y tế còn thiếu, trình độ cán bộ y tế thấp nên không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh của bà con nhân dân. Các bệnh sốt rét, suy dinh dưỡng vẫn chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt ở các xã vùng sâu.

Khu vực Đồng Sơn - Kỳ Thượng là vùng cao của huyện Hoành Bồ nên đời sống văn hoá xã hội của người dân còn thấp. Do nhiều thôn bản chưa có điện lưới quốc gia nên chỉ một số ít gia đình có Ti vi, phương tiện thông tin liên lạc vẫn còn rất ít.

Đánh giá chung về kinh tế xã hội trong khu vực

Có 4 trong 5 xã trong khu vực thuộc diện các xã đặc biệt khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân rất thấp. Tỷ lệ đói nghèo chiếm tới 45% số hộ gia đình.

Cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục đều kém phát triển, trình độ dân trí chưa cao.

Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông lâm nghiệp với tập quán canh tác cũ, trình độ thâm canh không cao nên năng suất cây trồng vật nuôi thấp.

Nền kinh tế còn mang tính tự cung, tự cấp, sản phẩm hàng hoá chủ yếu là các sản phẩm từ rừng tự nhiên như: Gỗ, nhựa trám, động vật hoang dã...Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào tự nhiên, đây là những sức ép lớn đối với môi trường sinh thái. Để bảo vệ rừng cần có các giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân trong khu vực.

Chương 4

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng làm cơ sở đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển tài nguyên cây dược liệu tại khu bảo tồn thiên nhiên đồng sơn kỳ thượng, tỉnh quảng ninh​ (Trang 30 - 32)