Sản xuất cây giống: Công ty đã xây dựng ba vườn ươm cố định ở xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Chấp và Vĩnh Hà. Các vườn ươm nằm ở nới có địa hình bằng phẳng, thuận tiện nước tưới, gần đường giao thông, thuận tiện cho chuyên chở cây con trong trồng rừng. Kết quả đánh giá tác động môi trường cho thấy, cả 3 vườn ươm đều không có ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường xung quanh, không gây xói mòn
đất và không thải thuốc trừ sâu ra môi trường. Năng lực sản xuất đạt trên 800.000 cây giống/năm/vườn, với các loài cây Keo lai giâm hom, Keo tai tượng, Keo lá tràm. Hàng năm, 15 lao động thường xuyên và khoảng 30 lao động mùa vụ tham gia vào các hoạt động ươm cây giống. Hàng năm, CLTN Bến Hải cung cấp cho các hộ và cộng đồng trên 550.000 cây giống, số còn lại được Công ty giao cho các hộ gia đình nhận khóan trồng rừng cho Công ty theo hợp đồng và cung cấp dịch vụ giống cho các hộ gia đình liên doanh trồng rừng sản xuất nguyên liệu.
Trồng rừng: Biện pháp kỹ thuật trồng rừng đều tuân thủ đúng quy định của ngành lâm nghiệp từ khâu thiết kế, phê duyệt, trồng và chăm sóc và QLBV. Hàng năm, Công ty tự thiết kế, lập dự toán trồng rừng theo mẫu hồ sơ thiết kế trồng rừng của chi cục LN tỉnh Quảng Trị, trình chi cục LN thẩm định và phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, Công ty cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn xử lý thực bì, cuốc hố và trồng, chăm sóc sau 3 năm đầu, sau đó chuyển sang bảo vệ cho đến khi rừng đạt cấp kính khai thác (7năm cho trồng rừng gỗ nguyên liệu giấy, 12 năm cho trồng rừng sản xuất gỗ đồ mộc gia dụng). Điểm yếu mà Công ty đã gặp phải trong nhiều năm qua là rừng sau khi trồng không được tỉa thưa, những cây ở những lô rừng có mật độ quá dày, không đảm bảo cây trồng đủ ánh sáng và thiếu không gian dinh dưỡng để sinh trưởng, hạn chế sự cạnh tranh của cây phi mục đích, không tạo được năng suất cao nhất/đơn vị diện tích rừng. Điều đó, dẫn đến năng suất rừng trồng thấp, lượng tăng trưởng chỉ đạt 5-8m3/ha/năm;
Trong những năm trước 2002, Công ty trồng rừng bằng nhiều nguồn vốn, trồng với nhiều mục đích khác nhau, trồng rừng quảng canh, mật độ trồng và chất lượng cây giống trồng rừng không được tuyển chọn, nguồn giống không rõ xuất xứ. Do vậy, kết quả năng suất rừng trồng sau 7-10 năm rất thấp (45-70m3/ha), không đáp ứng với yêu cầu sản xuất gỗ nguyên liệu.
Từ năm 2003 đến nay, Công ty đó chú trọng đến chất lượng giống rừng trồng và kỹ thuật trồng rừng thâm canh do vậy năng suất rừng trồng cao hơn, lượng tăng khoảng 10-12m3/năm. Trồng rừng đã thực sự có hiệu quả, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy của CTLN Bến Hải, ngoài ra còn bán cho Cảng Vũng Áng và Hòn La.
Công tác QLBVR trong những năm qua đã có nhiều tiến bộ, đã thu hút người dân địa phương vào QLBVR thông qua các hợp đồng kinh tế, hoặc hợp đồng với chính quyền xã tham gia QLBVR. Kết quả phỏng vấn và trao đổi với các hộ gia đình thấy rằng, với cách làm như hiện nay, vẫn còn nhiều tiềm ẩn bất đồng lợi ích giữa các bên tham gia, một số hộ gia đình không được hợp đồng với Công ty để nhận khóan QLBVR nên họ chưa có được lợi ích từ Công ty. Đây là lực lượng không nhỏ khi có cơ hội sẽ tham gia phá rừng, chặt gỗ để tạo thu nhập, hoặc sử dụng cho nhu cầu gia đình, cá nhân họ. Để khắc phục tình trạng trên, Công ty thảo luận cùng với cộng đồng, thôn, hộ gia đình, xã để xây dựng hương ước QLBVR và đề xuất trách nhiệm và lợi ích rõ ràng giữa các bên tham gia, đồng thời được cấp có thẩm quyền địa phương xã, huyện phê duyệt làm cơ sở pháp lý để thi hành. Có như vậy mới thực sự QLBVR có hiệu quả.
Khai thác gỗ rừng trồng: CTLN Bến Hải đang quản lý 9.463 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 7.012,7 ha rừng đã trồng, có một số ít diện tích rừng trồng Keo đã khai thác và đã trồng lại rừng ngay sau khi khai thác xong. Kỹ thuật khai thác hoàn toàn thủ công, chặt trắng, cắt khúc và vận chuyển bằng máy công nông đưa gỗ tròn từ rừng ra bãi gỗ và được vận chuyển bằng xe tải 5-12 tấn về nhà máy chế biến.Tỷ lệ tận dụng gỗ trong khai thác rất thấp chỉ đạt 60-65%, nhiều đoạn ngọn cây còn bị bỏ lại trong rừng, không vệ sinh rừng sau khai thác. Các hoạt động khai thác và vận chuyển không ảnh hưởng nhiều đến xói mòn đất và kết cấu vật lý cũng như các yếu tố hình thành đất. Công tác duy tu, bảo dưỡng đường trong khai thác vận chuyển gỗ từ rừng ra bãi gỗ chưa được chú trọng, chủ yếu chỉ lợi dụng hệ thống đường dân sinh hiện có để khai thác gỗ, chưa có quy hoạch chi tiết và lâu dài cho mạng lưới đường trong lâm nghiệp.
Trong những năm gần đây Công ty đã thực hiện vệ sinh rừng sau khai thác đúng theo quy trình kỹ thuật khai thác rừng trồng do Bộ NN&PTNT ban hành.