Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp tại huyện mộc châu, tỉnh sơn la (Trang 28 - 31)

2.1.1.1. Vị trí địa lý

Mộc Châu là huyện miền núi, cao nguyên và biên giới, nằm ở hướng Đông Nam của tỉnh Sơn La, cách Hà Nội 180 km về hướng Tây Bắc, diện tích tự nhiên là 1.081,66 km2, chiếm 7,49% diện tích của tỉnh Sơn La, đứng thứ 8 trong số 12 huyện, thành phố của tỉnh Sơn La. Huyện Mộc Châu có Quốc lộ 6, 43 đi qua.

- Phía Đông và Đông nam giáp tỉnh Hoà Bình.

- Phía Tây và Tây Bắc giáp huyện Yên Châu.

- Phía Nam giáp tỉnh Thanh Hoá và nước CHDCND Lào với đường biên giới chung dài 36 km (cửa khẩu Quốc gia Lóng Sập thông với tỉnh Hủa Phăn và cố đô Luông Phra Bang (Luang Prabang) của nước CHDCND Lào và xa hơn là sang các nước ASEAN như Thái Lan, Myanmar….).

- Phía bắc giáp với huyện Phù Yên. Đường biên giới với Việt Nam - Lào dài 40,6 km.

Toàn huyện có 15 xã, thị trấn gồm 2 thị trấn (thị trấn Mộc Châu và thị trấn Nông Trường Mộc Châu) và 13 xã.

Với vị trí địa lý nằm trên trục QL 6, QL 43 huyện Mộc Châu có nhiều thuận lợi để giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các xã trong huyện cũng như bên ngoài. Đến trung tâm thành phố Sơn La 120km theo đường quốc lộ 6.

Nền kinh tế của thị trấn phụ thuộc vào nông nghiệp, đặc biệt là trồng chè, chăn nuôi bò sữa và trồng hoa. Những đồi chè rộng lớn trên địa bàn thị trấn tạo ra một phong cảnh tươi đẹp .

2.1.1.2. Địa hình và khí hậu thủy văn.

Địa hình:

Huyện mang đặc trưng của một huyện miền núi Tây Bắc, địa hình bị chia cắt mạnh có nhiều núi cao hiểm trở và nhiều thung lũng rộng, độ cao trung bình từ 950 - 1050 m so với mặt nước biển, có cao nguyên rộng lớn và tương đối bằng phẳng.

Cao nguyên Mộc Châu kéo dài 80 km từ Yên Châu đến Suối Rút, bề ngang nơi rộng nhất đạt tới 25 km, có độ cao trung bình so với mặt biển là 1.050 m, các khu vực xung quanh Mộc Châu như Hòa Bình, Sơn La đều có độ cao trung bình thấp hơn so với Mộc Châu.

Khí hậu - thủy văn:

* Khí hậu

Mộc Châu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa đông lạnh khô, mùa hè mát ẩm và mưa nhiều. Mộc Châu có độ cao lớn lại nằm giữa sông Đà và sông Mã do đó khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ không khí trung bình/năm khoảng 18,50C, lượng mưa trung bình/năm khoảng 1.560 mm. Độ ẩm không khí trung bình 85%. Nhiệt độ trung bình hàng năm của Mộc Châu thấp hơn so với các khu vực lân cận như Thành phố Sơn La (21,10 C), Hòa Bình (230 C), Điện Biên (230C). Nền nhiệt độ thấp như vậy được coi là lý tưởng ở đất nước nhiệt đới như Việt Nam, chỉ có ở các khu vực nổi tiếng về du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam như Sa Pa, Tam Đảo, Bà Nà, Đà Lạt, Bạch Mã… mới có những điều kiện khí hậu tương tự.

* Thủy văn

Do địa hình núi đá vôi nên nước mặt ở huyện Mộc Châu rất hạn chế, trên địa bàn huyện có 7 dòng suối chính bao gồm: suối Quanh, suối Sập, suối Tưn... Sông suối ở Mộc Châu có độ dốc lớn, trắc diện hẹp nên có nhiều thuận lợi phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ.

Nhìn chung, tài nguyên nước phân bố không đồng đều, do điều kiện miền núi địa hình chia cắt mạnh nên việc khai thác nguồn nước phục vụ cho

đời sống và phát triển sản xuất mang lại hiệu quả chưa cao. Nước ngầm ở huyện Mộc Châu tương đối ít gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế - xã hội và du lịch. Tuy nhiên, với hồ thủy điện Hòa Bình, tình trạng này đã được cải thiện nhiều.

2.1.1.3. Tài nguyên đất.

Theo tài liệu thổ nhưỡng huyện Mộc Châu, kết hợp với điều tra khảo sát cho thấy. Trong tổng diện tích tự nhiên 10839,41 ha, ngoại trừ đất mặt nước chuyên dùng, ao hồ, phần diện tích còn lại được chia làm các nhóm thổ nhưỡng chính sau:

Nhóm đất feralit: là nhóm đất đặc trưng của vùng đồi núi với 2 loại đất sau loại đất sau:

- Đất feralit đỏ nâu trên đá vôi, thạch sét aglit, silic, hoặc gnai xen lẫn fecmatit (Fa), chiếm diện tích khá lớn với 7324,5 ha chiếm 67,58 % diện tích đất tự nhiên.

- Đất feralit vàng đỏ có mùn hoặc vàng phát triển trên đá sa thạch quăczit, cuội kết và dăm kết (Fs), có diện tích là 3514.91 ha chiếm 32.42 % diện tích đất tự nhiên

2.1.1.4.Tài nguyên rừng

Theo số liệu thống kê của huyện năm 2015 diện tích đất lâm nghiệp (LNP) của huyện có diện tích 3775,42 ha chiếm 34,83% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó diện tích rừng phòng hộ là 2428,62 ha, còn lại 1646,8 ha là rừng sản xuất.

Tài nguyên rừng huyện Mộc Châu khá phong phú với khoảng 456 loài thực vật và 49 loài động vật hoang dã trong đó có nhiều loài quý hiếm. Đất đai huyện Mộc Châu phù hợp với nhiều loại cây, có điều kiện xây dựng hệ thống rừng phòng hộ và tạo các vùng rừng kinh tế hàng hoá có giá trị kinh tế cao.

Tài nguyên rừng của huyện Mộc Châu có giá trị quan trọng đối với phát triển du lịch là khu rừng đặc dụng Xuân Nha với nhiều loại gỗ và động

vật quý hiếm có khả năng tạo thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Tuy nhiên, do nằm ở khu vực giáp biên giới, thủ tục hành chính chặt chẽ và phức tạp nên khả năng tổ chức các hoạt động du lịch ở khu vực này ít thuận lợi.

3.1.1.5. Tài nguyên khoáng sản.

Huyện Mộc Châu có một số loại khoáng sản nhưng trữ lượng nhỏ cụ thể như: - Than: Có mỏ than Suối Bàng với trữ lượng 2,4 triệu tấn và Than bùn ở xã Tân Lập có thể khai thác để sản xuất phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp.

- Bột Tan: Tập trung ở Tà Phù xã Liên Hoà, với trữ lượng khoảng 2,3 triệu tấn, có thể khai thác để phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Đất sét: Có trữ lượng tương đối lớn đang được khai thác phục vụ phát triển sản xuất gạch phục vụ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong Thị trấn và ngoài thị trấn.

Như vậy, có thể thấy huyện Mộc Châu không có nhiều lợi thế về khoáng sản để phát triển công nghiệp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp tại huyện mộc châu, tỉnh sơn la (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)