Chương 1 TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.4. Cơ sở thực tiễn công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn
1.4.1. Thực trạng công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa
bàn cả nước và tại tỉnh Sơn La
1.4.1. Thực trạng công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn cả nước cả nước
Vai trò của đất đai đối với quá trình phát triển xã hội ngày được nhìn nhận đầy đủ, toàn diện và khoa học, đặc biệt là trong thời kỳ - HĐH đất nước. Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách bồi thường GPMB ở Việt Nam đã và đang đạt được những hiệu quả nhất định. Nhờ những thay đổi hợp lý của quy định pháp luật về phương pháp tổ chức và năng lực cán bộ thực thi
GPMB đã thúc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng trong các dự án đầu tư gần đây, góp phần giảm bớt tác động tiêu cực đối với người dân bị thu hồi đất cũng như đối với dự án. Việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã giúp cho đất nước xây dựng cơ sở vật chất, phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các dự án trọng điểm của Nhà nước cũng như góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, ổn định đời sống sản xuất cho con người có đất bị thu hồi.
Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Luật Đất đai 2013, tổng diện tích đất đã thu hồi là 728 nghìn ha (trong đó có 536 nghìn ha đất nông nghiệp) để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế. Trong đó các tỉnh, thành phố có diện tích đất thu hồi lớn là Đắk Lăk, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Nghệ An, Bình Phước...(Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2016).
Nhìn chung, diện tích đất được thu hồi đã đáp ứng được mục tiêu phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương; các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từng bước được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế thị trường, đảm bảo tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người bị thu hồi đất. Việc tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Trung tâm phát triển quỹ đất bước đầu đã phát huy hiệu quả tốt, góp phần đáp ứng nhu cầu "đất sạch" để thực hiện các dự án đầu tư nhất là các dự án đầu tư nhằm mục đích công cộng.
Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này trong thời gian qua cũng còn những tồn tại, vướng mắc, và hiện nay vấn đề bồi thường thiệt hại, GPMB đang trở thành một trong những vấn đề nổi cộm nhất trong công tác quản lý đất đai, làm phát sinh nhiều khiếu nại của công dân.
- Về chính sách: Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong thời gian trước đây chưa thoả đáng, làm thiệt hại lợi ích chính đáng của người có
đất bị thu hồi. Tuy nhiên hiện nay chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được điều chỉnh ngày càng thoả đáng hơn và về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tế.
- Về tổ chức thực hiện: Trong tổ chức thực hiện đã để xảy ra nhiều sai phạm, là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, đáng chú ý là các sai phạm sau: + Giá đất bồi thường chủ yếu thực hiện theo bảng giá nên trong nhiều trường hợp thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường, đặc biệt là đối với đất nông nghiệp trong khu vực đô thị. Tiền bồi thường đất nông nghiệp thường không đủ để nhận chuyển nhượng diện tích đất nông nghiệp tương tự hoặc không đủ để chuyển sang làm ngành nghề khác. Nhiều trường hợp bị thu hồi đất ở thì tiền bồi thường không đủ để nhận chuyển nhượng đất ở hoặc mua lại nhà ở mới tại khu tái định cư (theo kết quả kiểm tra việc thi hành Luật Đất đai 2013, trong số đơn khiếu nại về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư có tới 70% số trường hợp khiếu nại về giá đất nông nghiệp bồi thường quá thấp so với giá đất chuyển nhượng thực tế trên thị trường, giá đất ở được giao tại nơi tái định cư lại quá cao so với giá đất ở đã được bồi thường tại nơi bị thu hồi). Đa số các tỉnh đã giải quyết tốt công tác khiếu nại, tố cáo, bên cạnh đó cũng có một số địa phương chưa thực sự quan tâm trong công tác giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân về GPMB.
Theo kết quả tổng hợp báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì trong gần 7 năm, các địa phương đã quyết định thu hồi 50.906 ha của 1.481 tổ chức và 598 hộ gia đình, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai. Những tỉnh thu hồi nhiều đất do vi phạm pháp luật về đất đai như: Bình Phước, Phú Yên, Đắk Nông, Quảng Nam, Gia Lai, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hà Nội.
+ Chưa có sự liên kết giữa các quy định trong việc xác nhận tính hợp thức về quyền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và khi tính toán mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Từ đó dẫn đến việc áp dụng pháp luật ở các địa phương để giải quyết vấn đề này cũng khác nhau, nhiều trường hợp
mang tính chủ quan, không công bằng trong xử lý giữa những trường hợp có cùng điều kiện.
+ Tại nhiều dự án, các cơ quan có trách nhiệm thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục từ công khai quy hoạch, thông báo kế hoạch, quyết định thu hồi đất, đề xuất phương án,... cho tới khâu cưỡng chế. Sai phạm chủ yếu về trình tự thực hiện là không thông báo trước cho người có đất bị thu hồi, không có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong thành phần hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng không có sự tham gia của đại diện
những người có đất bị thu hồi.
+ Nhiều dự án chưa có khu tái định cư đã thực hiện thu hồi đất ở. Nhìn chung các địa phương chưa coi trọng việc lập khu tái định cư chung cho các dự án tại địa bàn, một số khu tái định cư đã được lập nhưng không bảo đảm yêu cầu “tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ”.
+ Trong việc thu hồi đất tại một số dự án còn có những biểu hiện tiêu cực như: thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế hoặc xây dựng công trình công cộng nhưng một thời gian sau lại quyết định sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở hoặc phân lô bán nền; trong khu tái định cư bố trí cả những đối tượng không thuộc diện tái định cư, trong đó có cả những trường hợp là người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo trong khi nhiều người thuộc diện tái định cư không được bố trí.
+ Một số địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu rõ quy định của pháp luật hoặc né tránh, thiếu cương quyết, không giải quyết dứt điểm, làm cho việc giải phóng mặt bằng bị kéo dài nhiều năm. Năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp, lúng túng trong việc giải thích chính sách pháp luật cho nhân dân, thậm chí còn làm trái quy định của pháp luật dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2012).