Tình hình thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các điểm khai thác đất phục vụ san lấp mặt bằng các dự án trên địa bàn huyện vân đồn, tỉnh quảng ninh giai đoạn 2016 2019​ (Trang 27 - 30)

2. Mục tiêu và ý nghĩa của nghiên cứu

1.3. Cơ sở thực tiễn

1.3.3. Tình hình thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng ở Việt Nam

1.3.3.1. Phương án bồi thường

Theo báo cáo xã hội học của Viện nghiên cứu Địa chính năm 2003, thì phương án bồi thường bằng tiền cho đến nay vẫn là phương án được áp dụng phổ biến. Vì trên thực tế, quỹ đất phục vụ cho việc bồi thường GPMB và TĐC của mỗi địa phương không giống nhau, quỹ đất công ích còn lại của các địa phương không đáng kể, nên không đáp ứng được yêu cầu bồi thường bằng đất và lập khu TĐC. Mặt khác, số lượng các hộ di chuyển lớn, có những hộ diện tích đất thu hồi lớn nên việc bồi thường diện tích đất có cùng giá trị là rất khó. Hầu hết địa điểm khu TĐC và cơ sở hạ tầng khu TĐC không thỏa mãn yêu cầu của người bị thu hồi đất như cách xa trung tâm, không thể kinh doanh, buôn bán nên rất nhiều trường hợp người bị thu hồi đất lựa chọn phương án bồi thường bằng tiền. Thực tế cho thấy chính sách bồi thường chưa thật công bằng giữa các loại đất với nhau, giữa hộ gia đình với nhau và

giữa 2 địa phương liền kề. Trong cùng một khu vực giải toả nhiều nơi có sự phân biệt giữa hai đối tượng sử dụng đất có ngành nghề khác nhau. Mức bồi thường thấp so với giá chuyển nhượng thực tế tại địa phương, tạo ra sự chênh lệch làm cho người bị thu hồi đất cảm thấy bị thiệt thòi, đòi tăng tiền bồi thường, không bàn giao mặt bằng đúng kế hoạch gây ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án đầu tư [15].

1.3.2.2. Chính sách hỗ trợ và việc làm

Một số địa phương chưa thực hiện chính sách hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo việc làm cho các hộ dân thuộc diện được hưởng chính sách.

Một số dự án đầu tư có thực hiện chính sách đào tạo việc làm cho lao động bị thu hồi đất nông nghiệp song chất lượng đào tạo không đảm bảo trình độ và tay nghề để làm việc ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Tình trạng không có việc làm ở khu vực các hộ dân bị thu hồi đất ngày càng cao, nhất là đối với các dự án đầu tư chiếm dụng đất nông nghiệp có quy mô lớn. Vì vậy, phát sinh tệ nạn xã hội trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, có thể dẫn đến mất ổn định về anh ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội do đó phải có biện pháp giải quyết kịp thời [13].

1.3.2.3. Diện tích đất bồi thường, giá đất bồi thường

Cách xác định hạn mức, diện tích đất ở bồi thường so với quy định còn tuỳ tiện, không thống nhất giữa các địa phương và các dự án với nhau ngay khi cả trên cùng một tỉnh cũng có cách xác định khác nhau.

Bồi thường đất nông nghiệp theo phân hạng đất đến nay quá lạc hậu, không còn phù hợp, nó không chỉ ảnh hưởng đến việc xác định giá bồi thường mà còn làm thất thu thuế nông nghiệp của Nhà nước.

Do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý quan trọng trong việc xác định điều kiện được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các địa phương còn chậm trễ gây không ít khó khăn cho công tác thu hồi, GPMB.

Hiện nay, những quy định về tính hợp pháp của thửa đất đang được điều chỉnh theo xu hướng giảm dần các căn cứ pháp lý. Vì vậy, để GPMB kịp tiến độ, nhiều

địa phương đã phải thừa nhận và thỏa thuận bồi thường cho các trường hợp không có đủ căn cứ pháp lý về quyền sử dụng đất [19].

1.3.2.4. Bồi thường về tài sản, cây cối, hoa màu gắn liền với đất bị thu hồi

Trên cơ sở chính sách bồi thường và TĐC của Nhà nước cách xác định phương án bồi thường tài sản gắn liền với đất của các địa phương được người dân ủng hộ chưa cao ngay từ đầu do đó phải điều chỉnh, bổ sung để cho người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên hiện nay chưa có quy định cụ thể cách tính giá trị thiệt hại thực tế về nhà và vật kiến chúc nên có nhiều nhà xây dựng khác nhau (độ kiên cố, cầu kỳ khác nhau) nhưng mức giá bồi thường lại bằng nhau. Không còn tình trạng có những dự án đền bù một số công trình, vật kiến trúc cao hơn giá thị trường.

Về cây cối hoa màu cơ bản người dân đồng tình ủng hộ phương án bồi thường cây cối hoa màu của các địa phương, nhiều dự án bồi thường cây cối, hoa màu cao hơn giá thị trường. Chưa có quy định cụ thể cách tính cây cảnh, sinh vật cảnh như giá trị của cây cảnh, sinh vật cảnh khác nhau nhưng mức giá bồi thường lại bằng nhau.

1.3.2.5. Tái định cư và cơ sở hạ tầng khu tái định cư

Thực trạng trong những năm qua cho thấy việc xây dựng các khu TĐC của các dự án rất bị động, thiếu đồng bộ nhất là các dự án thuộc nguồn vốn TW, trong đó, tồn tại lớn nhất là cơ sở hạ tầng khu TĐC không được đầu tư theo quy định hoặc đầu tư nửa vời. Các dự án thiếu biện pháp phục hồi thu nhập tại nơi ở mới cho người TĐC. Các công trình khu công nghiệp khu chế xuất phương án bồi thường do các chủ dự án lập, Hội đồng GPMB chỉ tham gia với tư cách tư vấn. Vì vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương thường không cao và là nguyên nhân làm giảm hiệu lực pháp luật của các chính sách bồi thường và TĐC, ảnh hưởng đến tiến độ GPMB [19].

Nguồn đất xây dựng các khu TĐC ở các khu đô thị loại I và loại II rất hiếm, mặc dù có chính sách xây dựng nhà ở ra khu ven đô thị nhưng chưa được người dân chấp nhận do giá căn hộ quá cao, có sự lệch lớn về chế độ xã hội, những hộ sống bằng nghề buôn bán thì hầu hết không lựa chọn phương án đổi đất lấy đất. Còn ở khu dân cư nông thôn, việc thu hồi đất làm ảnh hưởng đến tập quán sinh hoạt của người dân, giao đất mới với quy mô như diện tích hiện nay không đáp ứng được

nhu cầu sinh hoạt và nông nghiệp của người dân như: Nhà phải có sân phơi, gần gũi với họ hàng, đi lại thuận tiện...

Vì vậy, cần quy định rõ thêm dự án nào phải xây dựng các khu TĐC và quy trình thẩm định, xây dựng kế hoạch TĐC có thể giúp cho người dân bị thu hồi đất không bị thiệt thòi sau khi giải tỏa chuyển đến nơi ở mới.

1.3.2.6. Trình độ hiểu biết pháp luật đất đai trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng

Công tác phổ biến pháp Luật Đất đai và chính sách bồi thường, GPMB và TĐC của Hội đồng bồi thường cho người bị thu hồi đất tại các địa phương tính theo mặt bằng chung là chưa sát thực tế. Phần lớn người dân rất quan tâm đến chính sách bồi thường GPMB nhưng công tác tuyên truyền ở các địa phương còn nhiều hạn chế, ở những vùng có trình độ dân trí cao thì kiến thức hiểu biết pháp luật, việc chấp hành các quy định của luật nghiêm minh và công tác GPMB đạt tiến độ và hiệu quả so với kế hoạch. Trái lại, đối với những vùng nông thôn, miền núi, vùng xa, hải đảo, do không có điều kiện tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật, mặt bằng dân trí thấp dẫn đến việc GPMB gặp khó khăn [15].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các điểm khai thác đất phục vụ san lấp mặt bằng các dự án trên địa bàn huyện vân đồn, tỉnh quảng ninh giai đoạn 2016 2019​ (Trang 27 - 30)