2018.
4.1.2. Nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tại các NHTM Việt Nam
Nguyên nhân từ phía các ngân hàng:
Do các NHTM Việt Nam chỉ chú trọng tăng trưởng tín dụng về mặt quy mô và số lượng chứ chưa thật sự chú trọng về mặt chất lượng. Nhiều ngân hàng vì chạy theo lợi nhuận hoặc chạy theo chỉ tiêu mà bất chấp các quy định của Ngân hàng Nhà Nước, cố ý cho vay những khách hàng không không đạt yêu cầu vay vốn, kéo theo nhiều rủi ro nợ xấu tiềm ẩn.
Do năng lực quản trị của các NHTM Việt Nam còn yếu kém, thể hiện qua việc các ngân hàng chưa xây dựng thước đo lượng hóa rủi ro, còn chủ quan trong quá trình xếp hạng tín dụng nội bộ khách hàng, v.v....
Do một bộ phận cán bộ tín dụng chưa có đạo đức nghề nghiệp, nhận hối lộ từ khách hàng rồi thông đồng với những khách hàng đó trong quá trình xét duyệt hồ sơ xin vay vốn, cố ý làm trái những quy định của ngân hàng.
Do các NHTM Việt Nam chưa thật sự quan tâm đến việc kiểm soát nguồn vốn sau khi giải ngân có thật sự được sử dụng đúng mục đích hay không. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng nợ xấu tăng cao.
Nguyên nhân từ phía khách hàng:
Các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do các nguyên nhân như bị ảnh hưởng từ tình trạng chung của nền kinh tế, năng lực quản lý tài chính yếu kém, bị ảnh hưởng từ thiên tai, v.v...
Các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn không có thiện chí trả nợ mặc dù sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Nguyên nhân khác:
Nợ xấu xảy ra còn là do phát sinh từ tình trạng sở hữu chéo giữa ngân hàng và doanh nghiệp ở Việt Nam. Việc sở hữu chéo sẽ dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp đồng sở hữu hoặc các công ty con của các doanh nghiệp có vốn sở hữu tại ngân hàng được ngân hàng tạo điều kiện để dễ dàng vay vốn. Việc cho vay thiếu kiểm soát như vậy sẽ dẫn đến nợ xấu tăng cao.
Do các quy định của pháp luật về việc hạn chế và giải quyết tình trạng nợ xấu còn chưa hợp lý, chặt chẽ, minh bạch. Hiện nay, chính phủ đã đưa ra rất nhiều bộ luật, thông tư nhằm hạn chế bớt tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, không phải quy định nào đưa vào thực tế đều phù hợp và có thể phát huy mạnh nhất vì vậy tình trạng nợ xấu vẫn còn tồn đọng, chưa giải quyết được triệt để.