Mục đích của việc xây dựng và phân tích mô hình kinh tế lượng sử dụng hàm hồi quy với dữ liệu bảng là nhằm nhận diện và đánh giá mức độ tác động của từng yếu tố ảnh hưởng. Các thông tin thu thập được thực tế sẽ được phân tích bằng phần mềm Eview 8.0.
Trước khi chính thức thực hiện hồi quy, đề tài tiến hành một số kiểm định ban đầu như: Phân tích tương quan để xem xét mối tương quan giữa các biến với nhau, đặc biệt là kiểm định xem có mối tương quan giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập trong mẫu quan sát, hiện tượng đa cộng tuyến để kiểm tra vi phạm các biến độc lập trong mô hình có phụ thuộc lẫn nhau hay không. Khi các kiểm định này thoả, các kiểm định về mức độ phù hợp của mô hình và kiểm định thêm về tính nội sinh của mô hình với các giả thiết về hệ số hồi quy sẽ được tiếp tục tiến hành và phân tích.
Phân tích tương quan
Mục đích chạy tương quan nhằm kiểm tra mối tương quan tuyến tính chặt chẽ giữa biến phụ thuộc với các biến độc lập. Phân tích này dựa trên kết quả hệ số tương quan trong ma trận hệ số tương quan giữa các biến trong mô hình nghiên cứu.
Kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến
Để dò tìm và phát hiện hiện tượng đa cộng tuyến, nghiên cứu sử dụng công cụ hệ số phóng đại phương sai (VIF - Variance Inflation Factor), quy tắc là khi VIF vượt quá 10 thì mô hình có xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến (Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008).
Một biện pháp dò tìm khác cũng khá hiệu quả đó là xem xét các hệ số tương quan tuyến tính giữa các biến giải thích trong ma trận hệ số tương quan. Nếu tồn tại mối quan hệ tương quan mạnh giữa các biến độc lập với nhau thì mô hình có khả năng xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến.
Nếu mô hình nghiên cứu có tồn tại hiện tượng đa cộng tuyến, đề tài sử dụng phương pháp loại bỏ bớt biến giải thích ra khỏi mô hình, cụ thể như sau:
Bước 1: Xem cặp biến giải thích nào có quan hệ chặt chẽ. Giả sử X2, X3, … Xk là các biến độc lập, Y là biến phụ thuộc và X2, X3 có tương quan chặt chẽ với nhau.
Bước 2: Tính R2 đối với các hàm hồi quy: Có mặt cả hai biến; không có mặt một trong hai biến.
Bước 3: Loại biến mà giá trị R2 tính được khi không có mặt biến đó là lớn hơn.
Dùng phương pháp nghiên cứu định lượng để xác định mối quan hệ giữa 9 biến độc lập. Dùng kỹ thuật hồi quy bảng thông qua hồi quy tuyến tính đa biến. Khi chạy trên phần mềm Eview 8.0 ưu tiên dùng phương pháp ước lượng bình phương nhỏ nhất - LS. Sử dụng thuật toán khắc phục hiện tượng ma trận hiệp phương sai của sai số đảm bảo không vi phạm các giả thiết hồi quy. Khi phương pháp ước lượng OLS không đáp ứng được thì sẽ thay bằng phương pháp ước lượng GLS. Sử dụng kiểm định Durbin Watson để kiểm định hiện tượng tự tương quan, kiểm định VIF về hiện tượng đa cộng tuyến. Mô hình ưu tiên hiệu ứng cố định (Fixed Effects) và ngẫu nhiên (Random Effect).
Hình 3.2: Quy trình phân tích và xử lý dữ liệu 3.4. Quy trình phân tích và xử lý dữ liệu
TÓM TẮT CHƯƠNG 3
Dựa vào cơ sở lý luận về rủi ro và các yếu ảnh hưởng đến rủi ro phá sản ngân hàng ở chương 2, tác giả đã đề xuất mô hình nghiên cứu tại chương 3. Mô hình này có sự phù hợp với mục tiêu nghiên cứu của đề tài, bao gồm phương trình hồi qui theo phương pháp ước lượng GLS và các biến trong mô hình nghiên cứu. Ngoài ra, trong chương này cũng đã nêu các phương pháp thu thập dữ liệu nghiên cứu, kích thước mẫu và nêu những phương pháp phân tích sử dụng trong đề tài bao. Từ đó, làm cơ sở cho việc trình bày kết quả nghiên cứu từ việc chạy mô hình hồi qui trong chương 4.
CHƯƠNG 4. PHÂN TÍCH VÀ THẢO LUẬN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Trên cơ sở những lý thuyết và mô hình nghiên cứu đã được giới thiệu ở các chương trước, chương 4 thực hiện thống kê mô tả đối với các biến của mô hình hồi qui. Đề tài sẽ tập trung đi sâu vào phân tích kết quả hồi qui dựa trên các giả thuyết, lý thuyết, thực nghiệm đã trình bày. Qua đó, để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro phá sản ngân hàng tại Việt Nam.
4.1.1. Thực trạng ngành ngân hàng tại Việt Nam
4.1.1.1. Tổng quan về ngành ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2013 – 2015
Theo báo cáo tổng kết của NHNN, giai đoạn 2013-2015, ngành Ngân hàng có sự khởi sắc mạnh mẽ và đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng. Để có được những kết quả trên, ngành Ngân hàng đã phải nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Kể từ năm 2011, kinh tế Việt Nam và hệ thống ngân hàng đứng trước vô vàn gian nan, thử thách do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu và những bất cập nội tại nền kinh tế. Lạm phát tăng cao lên 18,13%, gây khó khăn cho đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo áp lực đối với việc thực hiện các mục tiêu ổn định vĩ mô; lãi suất cho vay lên tới 20-25%/năm, nhiều tổ chức tín dụng vượt trần lãi suất huy động (14%/năm) gây xáo trộn trên thị trường tiền tệ; khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Quy mô của nhiều ngân hàng còn nhỏ, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng cao từ 23-50%/năm, dẫn đến rủi ro tín dụng lớn. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng thiếu hụt nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ hệ thống, các tỷ lệ an toàn vốn của từng ngân hàng và toàn hệ thống sụt giảm. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu toàn hệ thống vào tháng 9/2012 lên tới 17,2%. Nhiều ngân hàng vi phạm nghiêm trọng các quy định về tiền tệ, ngân hàng. Kỷ luật, kỷ cương và lòng tin thị trường giảm sút.
Nhằm giảm nhanh và mạnh mặt bằng lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định thị trường tiền tệ, NHNN chủ động công bố mục tiêu giảm lãi suất cho vay xuống còn 17-19% vào cuối năm 2011; năm 2012 giảm mặt bằng lãi suất huy động còn 9-10%; năm 2013-2014, tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất; năm 2015 duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đầu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm 1-1,5%. Kỷ cương thị trường được thiếp lập và củng cố, không còn tình trạng vượt trần lãi suất hoặc sử dụng lãi suất để cạnh tranh không lành mạnh giữa các TCTD.
Cơ cấu tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực cho tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực của nền kinh tế được triển khai như gói cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ, cho vay theo Nghị định 67, Chương trình liên kết 4 nhà, cho vay mua tạm trữ lúa gạo,... Nhiều cơ chế, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, trong đó có Chương trình kết nối Ngân hàng – doanh nghiệp được triển khai trên cả 63 tỉnh thành trong cả nước, với trên 440 hội nghị đối thoại được tổ chức. Các chương trình tín dụng chính sách được triển khai tích cực, hiệu quả, góp phần quan trọng giúp Việt Nam hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo của Liên hợp quốc.
Những nỗ lực trên của ngành Ngân hàng đã được Quốc hội ghi nhận, đánh giá là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo.
NHNN đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan và chỉ đạo toàn ngành Ngân hàng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thực hiện Đề án 254 cơ cấu lại hệ thống các TCTD. NHNN đã nhận diện được các TCTD yếu kém nhất cần có biện pháp cơ cấu, chỉ đạo các TCTD xây dựng phương án tái cơ cấu phù hợp, báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai. Để xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém không có phương án cơ cấu lại khả thi hoặc không
thực hiện thành công phương án cơ cấu lại được phê duyệt, NHNN đã tiến hành mua lại bắt buộc 3 ngân hàng với giá 0 đồng phù hợp với quy định của pháp luật. Ba ngân hàng được mua lại vào thời điểm đó là Ngân hàng Xây Dựng (VNCB), Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng Dầu khi Toàn cầu (GP.Bank).
Ngân hàng Xây dựng (VNCB) là ngân hàng đầu tiên bị NHNN mua lại bắt
buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng vào ngày 2/2/2015. VNCB tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (TrustBank). Tại thời điểm cuối năm 2012 khi ngân hàng đã được liệt kê vào danh sách 9 ngân hàng yếu kém và bị kiểm soát, VNCB lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng. Đến cuối năm 2013, con số lỗ lũy kế lên 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng. Đến cuối năm 2014, phần vốn chủ sở hữu âm tới hơn 24.000 tỷ và lỗ lũy kế 27.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) là trường hợp thứ 2 được cơ quan quản
lý mua lại với giá 0 đồng, sau VNCB vào ngày 25/4/2015. OceanBank với tiền thân là Ngân hàng nông thôn Hải Hưng và đến năm 2007 chuyển đổi sang mô hình ngân hàng TMCP đô thị và phát triển nhanh chóng qua các năm đến 2010. Nguyên Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, từ cuối năm 2011, NHNN đã phát hiện ra những bất ổn tại OceanBank. NHNN đã tạo điều kiện và cơ hội để họ khắc phục. Tuy nhiên, qua hai lần thanh tra, các sai phạm tại OceanBank không những không khắc phục được mà lại còn nghiêm trọng hơn. Theo đó, NHNN phải dùng biện pháp quyết liệt để xử lý ngân hàng này, cũng như ngăn chặn khả năng rủi ro lan ra hệ thống. Cũng như VNCB, ngân hàng OceanBank bị âm vốn điều lệ và tự thân họ không thể bù đắp nổi để có được một mức dương trên 0 đồng. Ngày 25/4/2015, NHNN đã mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của cổ đông hiện hữu tại OceanBank, giúp NHNN chủ động trong việc tái cơ cấu OceanBank, bảo đảm việc chi trả tiền gửi, ngăn ngừa sự lây lan yếu kém từ OceanBank đến các ngân hàng khác. NHNN sở hữu 100% vốn điều lệ của OceanBank, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách của các cổ đông hiện hữu ngân hàng này.
Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) là ngân hàng thứ 3 bị NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần giá 0 đồng kể từ ngày 7/7/2015. Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2014 thì tính đến ngày 02/04/2015, tổng số lỗ lũy kế của GPBank lên đến 12.280 tỷ đồng, dẫn tới vốn chủ sở hữu bị âm 9.195 tỷ đồng (vốn điều lệ của GPBank là 3.018 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu của GPBank đạt tới con số cao kỷ lục 45,37%. Đồng thời, dư nợ cho vay khách hàng giảm mạnh, chỉ còn 6.669 tỷ đồng. Do không thể khắc phục được, NHNN đã mua lại bắt buộc GPBank toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng từ ngày 7/7/2015.
Bảng 4.1: Danh sách 3 ngân hàng bị NHNN mua lại với giá 0đ THỜI GIAN BỊ MUA TÊN NGÂN HÀNG BỊ MUA
2/2/2015 Ngân hàng Xây dựng (VNCB) 25/4/2015 Ngân hàng Đại Dương (OceanBank)
7/7/2015 Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank)
Nguồn: Cafef.vn
Trong giai đoạn này, ngoài việc 3 ngân hàng trên bị thu mua với giá 0 đồng thì còn có nhiều vụ sáp nhập, hợp nhất ngân hàng diễn ra. Các vụ sáp nhập, hợp nhất nổi tiếng trong giai đoạn này gồm có:
Bảng 4.2: Các vụ sáp nhập, hợp nhất trong giai đoạn 2013-2015
NĂM SỰ KIỆN
2013
Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) sáp nhập vào HDBank
PVFC và Western Bank hợp nhất thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank)
2015
MHB sáp nhập vào BIDV
MDB đã chính thức sáp nhập vào Maritime Bank
Southern Bank sáp nhập vào Sacombank
Ngày 23/11/2013 tại TPHCM, HDBank đã tổ chức lễ công bố hai quyết định của Ngân hàng Nhà nước về sáp nhập Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) vào HDBank và mua lại Công ty TNHH Một thành viên tài chính Việt- Societe (SGVF). HDBank trở thành một trong những ngân hàng lớn tại Việt Nam, có tổng tài sản gần 100.000 tỷ đồng, vốn điều lệ là 8.100 tỷ đồng và mạng lưới hoạt động hơn 210 điểm giao dịch trên cả nước.
Và cũng trong năm 2013, Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Tây (Western Bank) hợp nhất thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam, tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Public Bank, tên viết tắt là PVcomBank. Tại thời điểm hợp nhất, PVcomBank có quy mô tài sản trên 100.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng được duy trì trong 2 năm 2013 và 2014; tiếp tục tăng vốn lên 12.000 tỷ đồng trong năm 2015 để đảm bảo sự phát triển liên tục và đạt tỷ lệ an toàn vốn tối ưu.
Ngày 22/5/2015, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) đã chính thức hoàn thành sáp nhập ngân hàng vào BIDV.Theo đó, thương hiệu MHB đã chính thức xóa tên. BIDV đã chuyển đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu của hội sở chính, 44 chi nhánh, 187 phòng giao dịch của MHB trên toàn quốc theo nhận diện của BIDV chỉ trong thời gian vỏn vẹn có vài ngày.
Tháng 8/2015, Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) đã chính thức sáp nhập vào Maritime Bank. Với sự cộng hưởng từ MDB, Maritime Bank được bổ sung nguồn lực với vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 14.000 tỷ đồng, đội ngũ nhân sự hơn 5.000 người; tổng tài sản là 113.000 tỷ đồng.
Ngày 1/10/2015, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) ký kết biên bản bàn giao chính thức sáp nhập toàn hệ thống Southern Bank vào Sacombank. Sau sáp nhập, Sacombank thuộc Top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt 297.184 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt gần 24.506 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 18.853 tỷ
đồng; mạng lưới hoạt động 563 điểm giao dịch trên toàn quốc và 2 nước Lào, Campuchia; tổng số cán bộ nhân viên là 15.510 người.
Và sau hơn 4 năm NHNN triển khai các kế hoạch, biện pháp, gần 456.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý. Chênh lệch số liệu nợ xấu giữa các TCTD báo cáo và số liệu giám sát của NHNN được thu hẹp và trùng khớp từ tháng 3/2015. Đến cuối tháng 9/2015, nợ xấu toàn hệ thống đã được đưa về mức 2,93%, hoàn thành mục tiêu đề ra. Kết quả xử lý nợ xấu đã góp phần quan trọng khơi thông nguồn vốn, cải thiện tăng trưởng tín dụng và kinh tế một cách vững chắc.
4.1.1.2. Ngành ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2016 - 2018
Về tín dụng, các ngân hàng đã có nhiều nỗ lực cải thiện điều kiện tín dụng theo hướng thuận lợi về thủ tục, áp dụng lãi suất cả huy động và cho vay linh hoạt và giảm dần, phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, hướng mạnh và cân đối hơn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. NHNN cũng đã kết thúc thành công gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng tiền hỗ trợ mua nhà xã hội, bảo đảm giải ngân những khoản vay đã ký theo