Phân tích thống kê mô tả

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro phá sản của các ngân hàng thương mại tại việt nam (Trang 44)

Nhằm giảm nhanh và mạnh mặt bằng lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định thị trường tiền tệ, NHNN chủ động công bố mục tiêu giảm lãi suất cho vay xuống còn 17-19% vào cuối năm 2011; năm 2012 giảm mặt bằng lãi suất huy động còn 9-10%; năm 2013-2014, tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất; năm 2015 duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đầu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm 1-1,5%. Kỷ cương thị trường được thiếp lập và củng cố, không còn tình trạng vượt trần lãi suất hoặc sử dụng lãi suất để cạnh tranh không lành mạnh giữa các TCTD.

Cơ cấu tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực cho tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực của nền kinh tế được triển khai như gói cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ, cho vay theo Nghị định 67, Chương trình liên kết 4 nhà, cho vay mua tạm trữ lúa gạo,... Nhiều cơ chế, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, trong đó có Chương trình kết nối Ngân hàng – doanh nghiệp được triển khai trên cả 63 tỉnh thành trong cả nước, với trên 440 hội nghị đối thoại được tổ chức. Các chương trình tín dụng chính sách được triển khai tích cực, hiệu quả, góp phần quan trọng giúp Việt Nam hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo của Liên hợp quốc.

Những nỗ lực trên của ngành Ngân hàng đã được Quốc hội ghi nhận, đánh giá là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo.

NHNN đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan và chỉ đạo toàn ngành Ngân hàng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thực hiện Đề án 254 cơ cấu lại hệ thống các TCTD. NHNN đã nhận diện được các TCTD yếu kém nhất cần có biện pháp cơ cấu, chỉ đạo các TCTD xây dựng phương án tái cơ cấu phù hợp, báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai. Để xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém không có phương án cơ cấu lại khả thi hoặc không

thực hiện thành công phương án cơ cấu lại được phê duyệt, NHNN đã tiến hành mua lại bắt buộc 3 ngân hàng với giá 0 đồng phù hợp với quy định của pháp luật. Ba ngân hàng được mua lại vào thời điểm đó là Ngân hàng Xây Dựng (VNCB), Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng Dầu khi Toàn cầu (GP.Bank).

Ngân hàng Xây dựng (VNCB) là ngân hàng đầu tiên bị NHNN mua lại bắt

buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng vào ngày 2/2/2015. VNCB tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (TrustBank). Tại thời điểm cuối năm 2012 khi ngân hàng đã được liệt kê vào danh sách 9 ngân hàng yếu kém và bị kiểm soát, VNCB lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng. Đến cuối năm 2013, con số lỗ lũy kế lên 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng. Đến cuối năm 2014, phần vốn chủ sở hữu âm tới hơn 24.000 tỷ và lỗ lũy kế 27.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) là trường hợp thứ 2 được cơ quan quản

lý mua lại với giá 0 đồng, sau VNCB vào ngày 25/4/2015. OceanBank với tiền thân là Ngân hàng nông thôn Hải Hưng và đến năm 2007 chuyển đổi sang mô hình ngân hàng TMCP đô thị và phát triển nhanh chóng qua các năm đến 2010. Nguyên Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, từ cuối năm 2011, NHNN đã phát hiện ra những bất ổn tại OceanBank. NHNN đã tạo điều kiện và cơ hội để họ khắc phục. Tuy nhiên, qua hai lần thanh tra, các sai phạm tại OceanBank không những không khắc phục được mà lại còn nghiêm trọng hơn. Theo đó, NHNN phải dùng biện pháp quyết liệt để xử lý ngân hàng này, cũng như ngăn chặn khả năng rủi ro lan ra hệ thống. Cũng như VNCB, ngân hàng OceanBank bị âm vốn điều lệ và tự thân họ không thể bù đắp nổi để có được một mức dương trên 0 đồng. Ngày 25/4/2015, NHNN đã mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của cổ đông hiện hữu tại OceanBank, giúp NHNN chủ động trong việc tái cơ cấu OceanBank, bảo đảm việc chi trả tiền gửi, ngăn ngừa sự lây lan yếu kém từ OceanBank đến các ngân hàng khác. NHNN sở hữu 100% vốn điều lệ của OceanBank, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách của các cổ đông hiện hữu ngân hàng này.

Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) là ngân hàng thứ 3 bị NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần giá 0 đồng kể từ ngày 7/7/2015. Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2014 thì tính đến ngày 02/04/2015, tổng số lỗ lũy kế của GPBank lên đến 12.280 tỷ đồng, dẫn tới vốn chủ sở hữu bị âm 9.195 tỷ đồng (vốn điều lệ của GPBank là 3.018 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu của GPBank đạt tới con số cao kỷ lục 45,37%. Đồng thời, dư nợ cho vay khách hàng giảm mạnh, chỉ còn 6.669 tỷ đồng. Do không thể khắc phục được, NHNN đã mua lại bắt buộc GPBank toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng từ ngày 7/7/2015.

Bảng 4.1: Danh sách 3 ngân hàng bị NHNN mua lại với giá 0đ THỜI GIAN BỊ MUA TÊN NGÂN HÀNG BỊ MUA

2/2/2015 Ngân hàng Xây dựng (VNCB) 25/4/2015 Ngân hàng Đại Dương (OceanBank)

7/7/2015 Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank)

Nguồn: Cafef.vn

Trong giai đoạn này, ngoài việc 3 ngân hàng trên bị thu mua với giá 0 đồng thì còn có nhiều vụ sáp nhập, hợp nhất ngân hàng diễn ra. Các vụ sáp nhập, hợp nhất nổi tiếng trong giai đoạn này gồm có:

Bảng 4.2: Các vụ sáp nhập, hợp nhất trong giai đoạn 2013-2015

NĂM SỰ KIỆN

2013

 Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) sáp nhập vào HDBank

 PVFC và Western Bank hợp nhất thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank)

2015

 MHB sáp nhập vào BIDV

 MDB đã chính thức sáp nhập vào Maritime Bank

 Southern Bank sáp nhập vào Sacombank

Ngày 23/11/2013 tại TPHCM, HDBank đã tổ chức lễ công bố hai quyết định của Ngân hàng Nhà nước về sáp nhập Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) vào HDBank và mua lại Công ty TNHH Một thành viên tài chính Việt- Societe (SGVF). HDBank trở thành một trong những ngân hàng lớn tại Việt Nam, có tổng tài sản gần 100.000 tỷ đồng, vốn điều lệ là 8.100 tỷ đồng và mạng lưới hoạt động hơn 210 điểm giao dịch trên cả nước.

Và cũng trong năm 2013, Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Tây (Western Bank) hợp nhất thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam, tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Public Bank, tên viết tắt là PVcomBank. Tại thời điểm hợp nhất, PVcomBank có quy mô tài sản trên 100.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng được duy trì trong 2 năm 2013 và 2014; tiếp tục tăng vốn lên 12.000 tỷ đồng trong năm 2015 để đảm bảo sự phát triển liên tục và đạt tỷ lệ an toàn vốn tối ưu.

Ngày 22/5/2015, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) đã chính thức hoàn thành sáp nhập ngân hàng vào BIDV.Theo đó, thương hiệu MHB đã chính thức xóa tên. BIDV đã chuyển đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu của hội sở chính, 44 chi nhánh, 187 phòng giao dịch của MHB trên toàn quốc theo nhận diện của BIDV chỉ trong thời gian vỏn vẹn có vài ngày.

Tháng 8/2015, Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) đã chính thức sáp nhập vào Maritime Bank. Với sự cộng hưởng từ MDB, Maritime Bank được bổ sung nguồn lực với vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 14.000 tỷ đồng, đội ngũ nhân sự hơn 5.000 người; tổng tài sản là 113.000 tỷ đồng.

Ngày 1/10/2015, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) ký kết biên bản bàn giao chính thức sáp nhập toàn hệ thống Southern Bank vào Sacombank. Sau sáp nhập, Sacombank thuộc Top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt 297.184 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt gần 24.506 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 18.853 tỷ

đồng; mạng lưới hoạt động 563 điểm giao dịch trên toàn quốc và 2 nước Lào, Campuchia; tổng số cán bộ nhân viên là 15.510 người.

Và sau hơn 4 năm NHNN triển khai các kế hoạch, biện pháp, gần 456.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý. Chênh lệch số liệu nợ xấu giữa các TCTD báo cáo và số liệu giám sát của NHNN được thu hẹp và trùng khớp từ tháng 3/2015. Đến cuối tháng 9/2015, nợ xấu toàn hệ thống đã được đưa về mức 2,93%, hoàn thành mục tiêu đề ra. Kết quả xử lý nợ xấu đã góp phần quan trọng khơi thông nguồn vốn, cải thiện tăng trưởng tín dụng và kinh tế một cách vững chắc.

4.1.1.2. Ngành ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2016 - 2018

Về tín dụng, các ngân hàng đã có nhiều nỗ lực cải thiện điều kiện tín dụng theo hướng thuận lợi về thủ tục, áp dụng lãi suất cả huy động và cho vay linh hoạt và giảm dần, phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, hướng mạnh và cân đối hơn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. NHNN cũng đã kết thúc thành công gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng tiền hỗ trợ mua nhà xã hội, bảo đảm giải ngân những khoản vay đã ký theo đúng lãi suất ưu đãi mà người vay đã được hưởng và được cam kết trong hợp đồng vay vốn đã ký.

Chỉ thị 04/CT – NHNN ngày 02/08/2018 đã nêu rõ chủ trương của NHNN trong việc kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng như chất lượng tín dụng của ngành ngân hàng. Chỉ thị 04 được đưa ra để định hướng hoạt động kinh doanh của các TCTD và hoạt động thanh tra giám sát của cơ quan quản lý. Trong đó cơ cấu tín dụng tiếp tục theo hướng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như cho vay bất động sản, cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính... để đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng. Do vậy, dưới tác động của chỉ thị 04, tăng trưởng tín dụng trong năm 2018 không hoàn thành mục tiêu 17% mà NHNN đặt ra từ đầu năm mà chỉ đạt 14%.

Hình 4.1: Tăng trưởng tín dụng (2010-2018)

Nguồn: NHNN, PHS tổng hợp

Dẫn đầu thị phần cho vay của nhóm ngân hàng niêm yết kể từ năm 2015 là nhóm ngân hàng quốc doanh, khi tổng thị phần luôn chiếm trên 50%. Trong đó, tổng dư nợ cho vay khách hàng của BID chiếm 22,2% tổng thị phần cho vay, theo sau là VietinBank chiếm 20,5% và Vietcombank 14,4%. Thứ hạng về thị phần cho vay giữa các ngân hàng không có nhiều thay đổi qua các năm, nhưng với mô hình hoạt động khác biệt nên thứ hạng về lợi nhuận của nhóm ngân hàng niêm yết cũng khác so với thị phần cho vay.

Hình 4.2: Thị phần cho vay ngành ngân hàng (2015 – 2018)

Về huy động vốn, tiền gửi huy động cũng bắt đầu tăng chậm lại theo đà giảm tốc của tăng trưởng tín dụng. Trong năm 2018, tăng trưởng huy động tiền gửi đạt 12,1%. Càng về cuối năm, nhu cầu về vốn của các NHTM càng gia tăng do cần đáp ứng một số tiêu chí an toàn như tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi hay tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần trang bị sẵn vốn cho chu kỳ cấp vốn mới. Tổng vốn huy động từ nguồn tiền gửi các khách hàng trong năm 2018 đạt 4.756.120 tỷ đồng.

Hình 4.3: Tăng trưởng huy động tiền gửi (2012 – 2018)

Nguồn: NHNN, PHS tổng hợp

Dẫn đầu thị phần tiền gửi huy động từ năm 2015 liên tục là nhóm ba ngân hàng quốc doanh (BIDV, Vietinbank và Vietcombank) khi chiếm hơn 50% thị phần tiền gửi trong nhóm ngân hàng niêm yết.

Hình 4.4: Thị phần tiền gửi của một số ngân hàng (2015 – 2018)

Về CASA, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn – CASA toàn ngành có sự suy giảm nhẹ từ mức 18,7% đầu năm về mức 18,2% vào cuối năm 2018, tỷ lệ này hiện vẫn được giữ ổn định và không có nhiều biến động.

Hình 4.5: Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của một số ngân hàng (2017-2018)

Nguồn: NHNN, PHS tổng hợp

Về nợ xấu, năm 2018 là một năm quan trọng trong công tác xử lý nợ xấu khi các NHTM đẩy nhanh tiến độ giải quyết nợ tồn đọng cũng như dứt điểm nợ xấu từ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức Tín dụng Việt Nam - VAMC. Nhờ lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ, các ngân hàng mạnh dạn hơn trong việc trích lập và xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng nhằm giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng. Nợ nhóm 2 cũng có sự suy giảm so với đầu năm và giảm áp lực trích lập trong năm 2019. Đối với nợ tồn đọng tại VAMC, hiện tại đã có 6/10 ngân hàng tham gia thí điểm đề án Basel 2 gồm VCB, ACB, TCB, MBB, VIB và CTG đã sạch nợ, phần lớn được xử lý bằng quỹ dự phòng. Mặc dù vậy, hoạt động xử lý nợ vẫn chưa thực sự sôi nổi do thiếu vắng thị trường mua bán nợ.

Hình 4.6: Tỷ lệ nợ xấu – NPL của ngành ngân hàng (2009 – 2018)

Nguồn: PHS tổng hợp

Hình 4.7: Tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng (2017-2018)

Nguồn: PHS tổng hợp

Về lợi nhuận, năm 2018 là năm tăng trưởng thành công của nền kinh tế Việt Nam khi GDP tăng trưởng 7,08%, cũng là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Trong năm 2018, tổng lợi nhuận trước thuế của 17 ngân hàng niêm yết đạt 85.143 tỷ đồng (+31% yoy). Kết quả đạt được ngoài đến từ tăng trưởng tín dụng, còn nhờ vào sự tích cực trong công tác quản lý và gia tăng hiệu quả công việc, giúp giảm chi phí hoạt động từ mức CIR 48% năm 2016 còn 44,2% năm 2017 và tiếp tục giảm mạnh về mức 42,5% trong năm 2018.

Hình 4.8: Cơ cấu lợi nhuận ngành ngân hàng (2009 – 2018)

Nguồn: PHS tổng hợp

Thu nhập từ lãi duy trì đà tăng trưởng mạnh nhờ cầu tín dụng luôn ở mức cao, ngân hàng dễ dàng đạt được mục tiêu tăng trưởng dư nợ cũng như tái cơ cấu lại danh mục cho vay. Tỷ lệ NIM được duy trì ở mức cao và cải thiện ở các năm gần đây. Bên cạnh đó, khó khăn cho các ngân hàng trong năm 2018 là vẫn đảm bảo nhiệm vụ thắt chặt tăng trưởng tín dụng trong khi nhu cầu về vốn vẫn còn cao đã khiến áp lực nợ xấu gia tăng.

Hình 4.9: Tỷ lệ thu nhập lãi thuần của các ngân hàng niêm yết (2017-2018)

Thu nhập ngoài lãi là nguồn động lực mới để tăng cường lợi nhuận. Nguồn thu của ngành ngân hàng chủ yếu vẫn đến từ các hoạt động cho vay, đem lại gần 80% tổng thu nhập hoạt động. Tuy nhiên tỷ lệ này đang có xu hướng giảm dần qua các năm từ mức 87% năm 2011 nhờ các nguồn thu ngoài lãi. Thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng đến từ hoạt động thu phí dịch vụ, trong đó, hoạt động liên kết bảo hiểm – bancassurance có tiềm năng lớn. Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi cũng đến từ các hoạt động liên quan tới môi giới và đầu tư chứng khoán, giao dịch vàng và hối đoái và thu nhập bất thường đến từ hoạt động thoái vốn đầu tư và thanh lý tài sản ngoại bảng đã khiến thu nhập ngoài lãi tăng trưởng tích cực trong năm 2018. Kỳ vọng trong những năm tiếp theo, thu nhập ngoài lãi sẽ tiếp tục cải thiện và chia sẻ bớt rủi ro đến từ hoạt động tín dụng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro phá sản của các ngân hàng thương mại tại việt nam (Trang 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)