Trong giai đoạn vừa qua có khá nhiều ngân hàng được hình thành với quy mô lớn nhỏ khác nhau đánh vào từng đối tượng khách hàng nhau đã tạo ra áp lực cạnh tranh khá gay gắt giữa các ngân hàng. Vì áp lực tăng trưởng dư nợ mà nhiều ngân hàng đã nới lỏng các điều kiện cho vay, sẵn sàng giải ngân cho các đối tượng khách hàng không đủ điều kiện vay vốn, điều này vô tình đã tạo nên những rủi ro rất lớn về tình trạng nợ xấu. Bên cạnh đó, có nhiều ngân hàng ồ ạt lên kế hoạch cho vay trong ngắn hạn một cách chủ quan, chạy theo khuynh hướng mà không đánh giá diễn biến của thị trường và các chính sách của nhà nước tác động lên ngành nghề đó dẫn đến những sai lầm trong công tác quản trị rủi ro. Ví dụ: Khi thị trường bất động sản sôi động, các ngân hàng tập trung cho khách hàng vay dài hạn để đầu tư, mua bán bất động sản; giá cao su và giá lúa gạo tăng thì lại tích cực cho vay đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này với lãi suất ưu đãi. Trong khi những thay đổi của thị trường kinh doanh với những biến động tiêu cực, giá cả lên xuống thất thường sẽ gây nên những rủi ro rất lớn cho ngân hàng, dẫn đến tình trạng nợ quá hạn và nợ xấu phát sinh ngoài dự đoán.
Công tác chấm điểm, xếp hạng tín dụng nội bộ đối với khách hàng chưa được nhiều ngân hàng quan tâm, trong khi đây là một công cụ hữu hiệu để các ngân hàng nâng cao hiệu quả trong việc phòng ngừa rủi ro, đánh giá khách hàng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Trong thực tế, nhiều ngân hàng để che dấu nợ xấu đã có những đánh giá chủ quan về khách hàng, làm sai lệch kết quả chấm điểm, xếp hạng tín dụng nội bộ, điều này tuy lúc đầu sẽ làm giảm tỷ lệ nợ xấu nhưng về lâu dài sẽ khiến cho các ngân hàng mất khả năng kiểm soát các khoản nợ vay tồn đọng, khó đòi và nguy cơ về tỷ lệ nợ xấu tăng cao hơn trong tương lai rất dễ xảy ra.