Hợp đồng MBHHQT có thể chịu sự điều chỉnh của nhiều nguồn luật khác nhau như các điều ước về MBHHQT, các tập quán quốc tế về thương mại, pháp luật của các quốc gia… Việc nguồn luật nào điều chỉnh còn tuỳ vào từng trường hợp cụ thể.
1.2.3.1. Điều ước quốc tế
Theo Công ước Viên 1969 về Luật Điều ước quốc tế: “Điều ước quốc tế là tất cả các văn bản được ký kết giữa các quốc gia và do Luật quốc tế điều chỉnh”. Vậy có thể nói, điều ước quốc tế về thương mại là sự thoả thuận bằng văn bản giữa hai hoặc nhiều quốc gia ký kết phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế, nhằm ấn định, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ đối với nhau trong quan hệ thương mại quốc tế.
Trong lĩnh vực mua bán hàng hoá quốc tế có một số điều ước quốc tế tiêu biểu:
- Điều kiện chung về giao hàng giữa các tổ chức kinh tế của các nước thành viên Hội đồng tương trợ kinh tế (ĐKCGHSEV 1968/1988) điều chỉnh quyền lợi và nghĩa vụ của các bên ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế. - Một điều ước quốc tế quan trọng trong lĩnh vực MBHHQT là công ước Viên về mua bán hàng hoá quốc tế ngày 1/1/1980. Đến nay đã có 74 nước phê chuẩn công ước này.
- Quy tắc La Hay ngày 15/6/1955 về Luật áp dụng vào hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế.
- Công ước Rôma về luật áp dụng đối với các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng được ký tại Rôma ngày 19/6/1980.
- Công ước Liên Mỹ về luật áp dụng đối với hợp đồng quốc tế được ký ở Mehico City ngày 17/5/1994, được thông qua bởi Hội nghị quốc tế Liên Mỹ về tư pháp quốc tế tổ chức tại Mehico City.
Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết hơn 60 Hiệp định thương mại song phương. Trong đó phải kể đến: Hiệp định Buôn bán hàng dệt may Việt Nam – EU là hiệp định thương mại chứa đựng những điều khoản liên quan đến xuất xứ của hàng hoá, điều khoản liên quan đến hạn ngạch (quota) và quy định danh mục mặt hàng. Việc ký kết các hiệp định thương mại, là thành viên của các công ước quốc tế sẽ tạo cơ sở pháp lý thuận lợi và thống nhất cho hoạt động MBHHQT giữa các thương nhân Việt Nam với các thương nhân nước ngoài.
1.2.3.2. Luật quốc gia
Trong hoạt động thương mại quốc tế, luật quốc gia áp dụng thông thường là luật của nước bên bán, nhưng cũng có thể là luật của nước bên mua, có thể là luật của nước thứ ba, luật nơi ký hợp đồng, luật quốc tịch, luật nơi nghĩa vụ hợp đồng được thực hiện…Luật quốc gia trở thành luật áp dụng cho hợp đồng MBHHQT trong các trường hợp:
- Các bên ký hợp đồng về việc chọn luật của một bên để điều chỉnh hợp đồng. Việc thoả thuận áp dụng luật của một bên để điều chỉnh hợp đồng phải được ghi trong hợp đồng MBHHQT.
- Khi điều khoản về luật áp dụng cho hợp đồng MBHHQT được quy định trong các điều ước quốc tế liên quan xác định luật của một quốc gia đương nhiên trở thành luật áp dụng cho các hợp đồng đó. Thông thường, luật quốc gia áp dụng sẽ là luật của nước bên bán, nhưng cũng có thể là luật của
nước bên mua, có thể là luật của nước thứ ba, luật nơi ký kết hợp đồng, luật của nước mà các bên mang quốc tịch,…
1.2.3.3. Án lệ
Án lệ hay tiền lệ pháp về thương mại cũng được các thương nhân tham gia ký kết hợp đồng thương mại quốc tế coi trọng và lựa chọn, đặc biệt là ở các quốc gia theo hệ thống thông luật (Common law). Trong thương mại quốc tế, việc công nhận và sử dụng các phán quyết của toà án cũng như thừa nhận vai trò tích cực của án lệ đang ngày một gia tăng tại các nước có hệ thống pháp luật khác nhau. Cơ quan xét xử có thể vận dụng án lệ tương tự để giảm nhẹ những khó khăn phức tạp trong việc tra cứu, mà các tranh chấp trong hoạt động thương mại quốc tế thường tập trung vào một số vấn đề và có nhiều trường hợp tương đồng.
1.2.3.4. Tập quán thương mại quốc tế
Các tập quán thương mại quốc tế hình thành từ rất lâu đời. Các tập quán này sẽ trở thành nguồn luật đìều chỉnh các hợp đồng MBHHQT nếu các chủ thể tham gia ký kết hợp đồng chấp nhận các tập quán thương mại quốc tế sẽ là nguồn luật điều chỉnh.
Khi được dẫn chiếu vào hợp đồng MBHHQT, các tập quán thương mại sẽ có hiệu lực bắt buộc áp dụng đối với các chủ thể ký kết, chúng được chia thành nhóm: Các tập quán có tính chất nguyên tắc; các tập quán thương mại quốc tế chung và các tập quán thương mại khu vực. Ví dụ, một tập quán thông dụng trong mua bán quốc tế được Phòng Thương mại quốc tế (The International Chamber of Commerce - ICC) soạn thảo và ban hành một tập quán thông dụng trong mua bán quốc tế là Incoterms.
Chương 2
NỘI DUNG CỦA CÔNG ƯỚC VIÊN 1980 VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN