Bất lợi của Việt Nam khi tham gia Công ước Viên

Một phần của tài liệu Tài liệu Công ước Viên năm 1980 (CISG) về hợp đồng mua bán hàng hóa (Trang 78 - 81)

Ngoài những lợi ích mà CISG mang lại như trên, khi tham gia CISG Việt Nam cũng sẽ gặp những bất lợi như sau:

- Những bất lợi về mặt kinh tế: Những bất lợi về kinh tế do CISG mang lại không đáng kể, các quốc gia thành viên không có nghĩa vụ đóng góp về tài chính, không phải thành lập một cơ quan riêng để thực thi Công ước, cũng không có bất kỳ nghĩa vụ báo cáo định kỳ nào. Nhìn chung, các nguyên tắc của Công ước cũng phù hợp với các nguyên tắc chung của pháp luật hợp đồng Việt Nam. Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Thương mại năm 2005 đã được ban hành trên cơ sở tham khảo các văn bản luật quốc tế, trong đó có Công ước Viên, và vì vậy, nhìn chung là tương thích với các nguyên tắc của Công ước này. Với lý do đó, khi gia nhập Công ước Viên, Việt Nam không phải sửa đổi nhiều pháp luật hiện hành và không phát sinh nhiều chi phí cho việc sửa đổi luật.

Tuy nhiên, trong giao dịch buôn bán quốc tế, mỗi ngành mỗi lĩnh vực đều có những điều khoản hợp đồng chuẩn đặc thù ví dụ mua bán dầu, gạo, hoa quả tươi… và các doanh nghiệp không muốn từ bỏ những điều khoản đã được sử dụng rộng rãi và quen thuộc này. Do đó cho dù Việt Nam có gia nhập CISG thì Công ước này cũng không thể điều chỉnh tất cả các hợp đồng mua bán quốc tế trong đó có Việt Nam tham gia. Hơn nữa việc áp dụng CISG cũng còn hạn chế trong quan hệ buôn bán giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp của các nước chưa tham gia công ước.

- Bất lợi về pháp lý: Khi tham gia Công ước Viên, Việt Nam có thể

gặp một số trở ngại về pháp lý sau:

Thứ nhất, nội dung Công ước Viên còn khá mới mẻ đối với hệ thống

xây dựng pháp luật, tư pháp và trọng tài ở Việt Nam, vì vậy các bên Việt Nam (doanh nghiệp, tòa án, trọng tài) cần có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, hiểu rõ khi áp dụng CISG trong các quan hệ giao dịch thương mại quốc tế. Hiện nay tại Việt Nam có rất ít nghiên cứu chuyên sâu về nội dung CISG

cũng như thực tiễn áp dụng CISG trên thế giới để áp dụng tại Việt Nam. Điều này khiến việc diễn giải, áp dụng CISG trong thực tế của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, trong hệ thống giáo dục pháp luật của Việt Nam nói chung

(ngoại trừ một số rất ít trường đại học chuyên ngành luật, hợp tác với nước ngoài) cũng chưa có nội dung nào giới thiệu, đào tạo chuyên sâu về CISG. Các doanh nghiệp, nhà thực hành luật Việt Nam cũng chưa có diễn đàn nào riêng để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về CISG như tại nhiều nước khác trên thế giới. Điều này cũng sẽ làm giảm sức mạnh, tiếng nói của các doanh nghiệp Việt Nam, và khả năng xét xử tòa án, trọng tài tại Việt Nam khi có tranh chấp liên quan đến CISG.

Thứ ba, một số chỉ trích của các nước đối với Công ước Viên ít nhiều

đều đúng trong trường hợp Việt Nam. Là kết quả của sự thỏa hiệp giữa quá nhiều bên, các điều khoản của CISG thường không cụ thể, vì vậy được áp dụng không thống nhất tại các nước khác nhau, thậm chí các tòa án khác nhau (tuy nhiên điều này có thể được giải quyết nếu nhận thức về CISG được thống nhất giữa các nước). Trong quá trình soạn thảo, phê duyệt CISG, Việt Nam không có cơ hội tham gia đóng góp ý kiến. Việc Công ước đề cao tính quốc tế, tránh áp dụng các cách hiểu, hay sử dụng luật nội địa của các nước sẽ làm giảm ảnh hưởng của luật pháp Việt Nam đối với việc bảo vệ lợi ích của bên Việt Nam trong giao dịch thương mại quốc tế (tuy nhiên riêng về vấn đề này bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng không mặn mà lắm với việc áp dụng luật pháp Việt Nam vì pháp luật Việt Nam về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế còn chưa đầy đủ, nhiều quy định chưa phù hợp với tập quán thương mại quốc tế và vì vậy, khó bảo vệ một cách hiệu quả lợi ích của chính bên Việt Nam trong quan hệ hợp đồng). Khác với WTO, Công ước Viên không có cơ chế sửa đổi, điều chỉnh thường xuyên để phù hợp với sự thay đổi

cán cân lợi ích của các thành viên (mỗi thay đổi trong Công ước sẽ phải được sự đồng ý, phê chuẩn của tất cả các thành viên). Công ước hiện chưa có bản chính thức bằng tiếng Việt, việc bất đồng ngôn ngữ có thể sẽ dẫn đến cách hiểu khác nhau khi áp dụng Công ước, v.v.

Một phần của tài liệu Tài liệu Công ước Viên năm 1980 (CISG) về hợp đồng mua bán hàng hóa (Trang 78 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)