Để việc tham gia Công ước Viên của Việt Nam được thuận lợi và ít gặp trở ngại nhất, Học viên cho rằng Việt Nam cần có một thời gian chuẩn bị phù hợp ít nhất là 2 - 3 năm (với hoàn cảnh của Việt Nam, thời gian có thể nhiều hơn thông lệ của các nước có sẵn nền thương mại quốc tế phát triển như Singapore là 1 năm) trước khi chính thức gia nhập CISG về những vấn đề sau:
Thứ nhất, cần thu hút và khuyến khích thêm nhiều học giả, nhà
chuyên môn về luật kinh tế, thương mại ở Việt Nam nghiên cứu cả chiều rộng và chiều sâu nội dung, về nội dung CISG và ảnh hưởng của CISG đối với hoạt động ngoại thương và pháp luật của Việt Nam. Những nghiên cứu này sẽ giúp ích mổ xẻ, phân tích sâu hơn những vấn để nổi cộm của CISG trong mối liên hệ với Việt Nam, làm tiền đề và dữ liệu thô và tinh cho việc đề xuất kiến nghị chính sách.
Thứ hai, cần thành lập ngay một nhóm nghiên cứu chuyên môn về vấn
đề Việt Nam gia nhập CISG bao gồm các chuyên gia hàng đầu về CISG, về luật thương mại quốc tế Việt Nam nhằm mục đích phân tích, mổ xẻ môi trường pháp lý hiện tại của Việt Nam, những điểm lợi, bất lợi của Việt Nam khi tham gia CISG, để đề xuất lên Chính phủ việc tham gia Công ước, lộ trình tham gia, các bước chuẩn bị và cả những đề nghị bảo lưu, nếu có, đối với các
điều khoản bất thuận trong CISG đối với Việt Nam (vì Công ước không quy định cơ chế điều chỉnh, chỉnh sửa nội dung Công ước nên khá nhiều nước đã chấp thuận phê chuẩn Công ước với những yêu cầu bảo lưu đối với một số điều khoản, Việt Nam có thể cân nhắc thực hiện tương tự đối với những điều khoản quá bất lợi cho mình).
Thứ ba, cần nhanh chóng phổ biến nội dung Công ước sâu rộng trong
giới doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu), trong hệ thống tư pháp và trong giáo dục pháp luật ở các trường đại học và các khóa đào tạo chuyên ngành khác về luật thương mại quốc tế. Công tác này cần được triển khai đồng bộ, có lộ trình rõ ràng thông qua hoạt động của Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Tư pháp, VCCI và thông qua các tổ chức doanh nghiệp, các diễn đàn về CISG. Việc trang bị, cung cấp những kiến thức về CISG sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam giảm thiểu các rủi ro khi ký kết hợp đồng thương mại quốc tế có áp dụng CISG, giúp bảo vệ lợi ích của bên Việt Nam khi có tranh chấp xảy ra.
Về vấn đề này, Ngày 28/12/2012, sau khi hoàn thành nghiên cứu về khả năng Việt Nam gia nhập Công ước Viên 1980 của Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (gọi tắt là Công ước Viên), Bộ Công Thương đã có công văn số 12694/TTr-BCT gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất việc Việt Nam gia nhập Công ước này. Ngày 14/01/2013, Văn phòng Chính phủ đã gửi Công văn số 413/VPCP-QHQT đồng ý với đề xuất trên của Bộ Công Thương, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã đống ý với chủ trương Việt Nam gia nhập Công ước Viên và giao các bộ ngành liên quan thực hiện các thủ tục gia nhập Công ước này. Như vậy, sau hơn hai năm kể từ khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần đầu tiên có đề xuất và thực hiện chiến dịch vận động lớn về việc Việt Nam gia nhập Công ước Viên vì lợi ích chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong giao thương quốc tế,
Chính phủ đã chính thức phê duyệt quyết định Việt Nam gia nhập Công ước quan trọng này.