Phân loại dị vật

Một phần của tài liệu Đối chiếu đặc điểm lâm sàng, nội soi và chẩn đoán hình ảnh của dị vật đường thở tại bệnh viện tai mũi họng trung ương (Trang 51 - 53)

Bản chất dị vật rất đa dạng, nó phụ thuộc trực tiếp vào thói quen ăn uống, kiều kiện kinh tế - xã hội của đối tượng.

- Phân loại dị vật thực vật

Dị vật hữu cơ chiếm tỷ lệ 77,4% (123/159) trong đó dị vật có nguồn gốc thực vật chiếm tỷ lệ nổi bật với 64,2% (102/159). Kết quả này cũng phù hợp với các nghiên cứu của nhiều tác giả: Nguyễn Thị Hồng Hải [10] 60,5%, Nguyễn Thị Thu Nguyệt [18] 58,8%. Saki N, Nikakhlagh S, Rahim F, Abshirini H. [50] 85,11%.

Trong số 102 dị vật có nguồn gốc thực vật thì dị vật hạt lạc chiếm tỷ lệ cao nhất 49,0% (50/159). Tiếp đó đến hạt na 14,7% (15/159), hạt hồng xiêm 10,8% (11/159) và hạt ngô 7,8% (8/159).

Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Hữu Phẩm [19] tại viện TMH Trung ương với tỷ lệ dị vật hạt lạc là 60%.

Theo Nguyễn Văn Đức, Nhan Trừng Sơn, Đặng Hoàng Sơn, Phạm Ngọc Chất, Nguyễn Thế Huy [9] tại bệnh viện Nhi Đồng I Tp. Hồ Chí Minh, tỷ lệ dị vật hạt lạc là 26,3%.

Theo Saki N, Nikakhlagh S, Rahim F, Abshirini H. [50] tại bệnh viện Apadana, Ahwaz, Iran thì tỷ lệ dị vật hạt lạc chỉ là 11,47% .

Theo Zhijun C, Fugao Z, Niankai Z, Jingjing C. [55] thì tại bệnh viện khoa Y Thanh Đảo, Trung Quốc tỷ lệ dị vật hạt lạc là 87,12%.

Như vậy, tỷ lệ DVĐT là hạt lạc ở viện TMH Trung ương khá cao là do đặc điểm vùng miền.

4.1.5. Thời gian mắc dị vật

Thời gian được tính từ khi xảy ra HCXN đến khi lấy được dị vật.

Thời gian mắc dị vật liên quan đến tiên lượng, đánh giá và giải quyết biến chứng của DVĐT.

Qua nghiên cứu chúng tôi thấy các trường hợp được lấy dị vật ra khỏi đường thở sớm trong vòng 2 ngày chiếm tỷ lệ 65,4% (104/159). Điều này có thể giải thích là do đây là bệnh cảnh cấp tính, HCXN rõ, bệnh nhân biểu hiện khó thở nên người nhà đưa gấp đến bệnh viện. Hơn nữa, với điều kiện cơ sở hạ tầng, giao thông thuận lợi như ngày nay cũng giúp cho bệnh nhân đến bệnh viện sớm.

Tỷ lệ này là phù hợp so với nghiên cứu của Võ Lâm Phước [20] với tỷ lệ bệnh nhân đến viện trong vòng 24h đầu là 75,5%.

Tỷ lệ bệnh nhân đến bệnh viện để xử trí DVĐT muộn giảm dần, từ 3 – 6 ngày chiếm 28,3% (45/159), còn từ 1 tuần trở đi chỉ chiếm 6,3% (10/159).

Như vậy, thời gian dị vật lưu lại trong đường thở từ 3 – 6 ngày có thể là do đã được điều trị ở tuyến dưới không hiệu quả hoặc do sự chần chừ, chủ quan của gia đình khi bệnh nhân đã qua giai đoạn cần cấp cứu.

Tỷ lệ dị vật bỏ qua sau 1 tuần đã giảm nhiều so với các nghiên cứu trước đây. Đan Đình Tước [26]: 19,4%, Nguyễn Hữu Phẩm [19]: 31,3%, Nguyễn Thị Hồng Hải [10]: 26,9%. Điều này cho thấy bệnh cảnh DVĐT đã

được chú ý nhiều hơn và thủ thuật nội soi thanh khí phế quản kiểm tra khi bệnh nhân có HCXN và dấu hiệu khó thở được thực hiện thông dụng đã làm giảm đáng kể tỷ lệ dị vật bỏ qua. Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi cũng gặp nhiều trường hợp hội chứng xâm nhập thoáng qua, không rõ ràng cũng như hình ảnh X-quang phổi bình thường và tiến hành nội soi kiểm tra ngay nên tránh được nhiều trường hợp gây nên DVĐT bỏ qua.

4.1.6. Bối cảnh mắc dị vật

Các trường hợp trẻ em bị mắc DVĐT khi cười đùa, khóc, giật mình chiếm tỷ lệ cao nhất lần lượt là 32,7% (52/159), 22,6% (36/159) và 17,6% (28/159).

Như phần bàn luận ở trên, sự quan tâm săn sóc trẻ và thói quen cho trẻ ăn rất quan trọng. Trẻ có thể nhặt bất cứ hạt gì bỏ vào miệng và rất dễ dàng gây nên DVĐT. Ở nước ta, để trẻ ăn nhanh, ăn nhiều, người ta thường cho trẻ chơi – có thể là với đồ chơi hoặc bạn bè. Do đó, trẻ thường không tập trung ăn hay thậm chí khóc, cười đùa, giật mình… trong khi ăn, đây chính là điều kiện thuận lợi để dị vật rơi vào đường thở.

Ở người lớn thường gặp dị vật sống khi uống nước suối, con đỉa suối hoặc con tắc te sẽ chui vào đường thở và sống trong đó. Trong nghiên cứu chúng tôi cũng có 1 trường hợp do bác sĩ chữa răng làm rơi kim diệt tủy vào đường thở.

Một phần của tài liệu Đối chiếu đặc điểm lâm sàng, nội soi và chẩn đoán hình ảnh của dị vật đường thở tại bệnh viện tai mũi họng trung ương (Trang 51 - 53)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(81 trang)
w