HÌNH ẢNH CỦA DỊ VẬT ĐƯỜNG THỞ
4.1.1. Phân bố theo giới
Trẻ trai có tỷ lệ mắc DVĐT 68,5% (109/159) cao hơn tỷ lệ mắc ở trẻ gái 31,5% (50/159). Với tỷ lệ giữa nam và nữ là 2,2:1 trong nghiên cứu cũng phù hợp với các tác giả khác như Lương Sỹ Cần và Nguyễn Văn Đức [7] tỷ lệ gặp DVĐT ở trẻ trai là 68% và trẻ gái là 32%, Võ Lâm Phước [20] tỷ lệ gặp DVĐT ở trẻ trai là 64,4% và trẻ gái là 35,6%, Nguyễn Thị Thanh [23]cũng ghi nhận ở trẻ trai là 67,60% và trẻ gái là 32,40%.
Lê Xuân Cành [3], Lương Sỹ Cần và cộng tác viên [8] đều xác định trẻ trai bị mắc DVĐT nhiều hơn hẳn trẻ gái. Nghiên cứu gần đây nhất của Saki N, Nikakhlagh S, Rahim F, Abshirini H. vào năm 2009 cũng cho tỷ lệ mắc DVĐT ở nam là 63,5% và ở nữ là 36,5%.
Sự khác biệt ở trẻ trai và gái có thể là do trẻ trai hiếu động, nghịch ngợm và háu ăn hơn trẻ gái nhiều.
4.1.2. Phân bố theo lứa tuổi
Dị vật đường thở gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng gặp rất nhiều ở trẻ 1 – 3 tuổi với tỷ lệ nổi trội 66,67% (74/159). Kết quả nghiên cứu này cũng phù hợp với các kết quả nghiên cứu của các tác giả khác.
Tại Viện TMH Trung ương, theo Lương Sỹ Cần [6] trẻ dưới 4 tuổi chiếm 75%, Đan Đình Tước [26] trẻ dưới 4 tuổi chiếm 61%, Nguyễn Đình Khang [14] trẻ 1-3 tuổi chiếm 69,3%, Nguyễn Hữu Phẩm [19] trẻ 1 – 3 tuổi chiếm 75,3%. Theo Võ Lâm Phước [20], tại khoa TMH bệnh viện Trung ương Huế, trẻ 1 – 3 tuổi chiếm 53,3%. Tại Khoa Nhi Đồng I, Tp. Hồ Chí Minh, theo Nguyễn Văn Đức và cộng tác viên [9], tỷ lệ trẻ mắc DVĐT từ 1 – 3 tuổi là 76,37%.
Thực vậy, ở lứa tuổi này trẻ thường có thói quen cho bất cứ thứ gì mà chúng nhặt được cho vào miệng. Và đó cũng chính là yếu tố thuận lợi để gây nên DVĐT khi có điều kiện như khóc, cười, giật mình… Điều quan trọng khác góp phần cho bệnh lý DVĐT xảy ra nhiều rõ rệt ở lứa tuổi này là phản xạ đường hô hấp của trẻ dưới 3 tuổi chưa hoàn chỉnh nên dễ bị mắc DVĐT.
Ở lứa tuổi lớn hơn, tỷ lệ mắc DVĐT giảm dần, từ 4 – 6 tuổi chiếm 10,69% (17/159), từ 7 – 14 tuổi chiếm 6,29% (10/159). Sau 3 tuổi trẻ đã bắt đầu ý thức được các hành vi của mình nên tỷ lệ mắc đã giảm dần. Khi trẻ trên 6 tuổi, hệ thống cơ nhai, cơ cắn hoạt động hiệu quả hơn, các phản xạ bảo vệ đường hô hấp hoàn chỉnh hơn nên khả năng dị vật lọt vào đường thở cũng giảm đi nhiều. Điều này cũng phù hợp với các nghiên cứu của Nguyễn Đình Khang [14], Võ Lâm Phước [20], Đan Đình Tước [26].
4.1.3 Phân bố theo địa dư và các tháng trong năm
Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ mắc DVĐT ở nông thôn rất cao 80,5% (128/159) cao hơn ở thành phố gấp 4 lần 19,5% (31/159).
Ở đây chúng tôi không điều tra trình độ học vấn của các bà mẹ hoặc khả năng tự chủ hành vi của trẻ nhưng rõ ràng việc quan tâm, chăm sóc trẻ em ở nông thôn không thể nào chu đáo, đầy đủ như ở thành phố. Điều này có thể là do tỷ lệ sinh con thứ 3 trở đi ở nông thôn cao hơn thành phố. Vì điều kiện
xã hội cũng như điều kiện kinh tế mà trẻ em nông thôn ít được chăm sóc ở nhà trẻ, mẫu giáo dưới sự giám sát thường xuyên của cô giáo. Ngoài ra, ở nông thôn ít được tuyên truyền về vấn đề chăm sóc trẻ em một cách khoa học, các tập quán, thói quen cho trẻ em nông thôn với nguy cơ mắc DVĐT cao khá phổ biến như bịt mũi để trẻ há miệng ăn, uống thuốc… Vả lại đặc trưng ở nông thôn là có nhiều cây trái, đặc biệt là nhiều đậu, lạc nên trẻ có nhiều điều kiện tiếp xúc và từ đó dễ dàng mắc phải dị vật.