3.1. Tôn trọng tính tự nguyện, tự do ý chí của các bên tranh chấp
Để vụ việc được giải quyết bằng hình thức trọng tài, các bên phải có thoả thuận trọng tài trong hợp đồng hoặc một thoả thuận trọng tài riêng biệt bằng văn bản.
Thoả thuận trọng tài phải thể hiện rõ ý chí của các bên là trong trường hợp phát sinh tranh chấp thì sẽ giải quyết tại một tổ chức trọng tài xác định. Quy tắc trọng tài, pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp đều do các bên thoả thuận lựa chọn trong thoả thuận trọng tài. Các bên cũng có thể thoả thuận về địa điểm tiến hành trọng tài, ngôn ngữ sử dụng, quy tắc tố tụng, trọng tài viên... Điều này cũng thể hiện được tính trung lập của tố tụng trọng tài và là một trong những ưu điểm của tố tụng trọng tài so với tố tụng toà án. Trong tố tụng toà án, việc giải quyết tranh chấp thường bao gồm việc áp dụng pháp luật quốc gia của toà án, các bên không thể lựa chọn pháp luật áp dụng, thẩm phán xét xử. Đặc biệt trong các trường hợp có liên quan đến yếu tố nước ngoài, sợ rằng cơ chế “cứng” của tố tụng toà án có thể dẫn đến sự thiếu bình đẳng khi giải quyết tranh chấp.
3.2. Tính bảo mật cao
Các phiên họp giải quyết tranh chấp của trọng tài không tổ chức công khai và quyết định trọng tài chỉ gửi cho các bên tranh chấp. Các quyết định của trọng tài sau khi tuyên cũng được lưu giữ và không được phổ biến cho bất cứ ai. Đây là một ưu điểm của tố tụng trọng tài so với tố tụng toà án, vì việc xét xử và tuyên án của toà án phải được tiến hành công khai.
Nghĩa vụ bảo mật được quy định cho tất cả những người có liên quan như trọng tài viên, thư ký, các bên tranh chấp và cả những người được mời tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp.