Doanh thu là số tiền thu được từ việc tiêu thụ hàng hoá của doanh nghiệp và được xác định một cách đơn giản theo công thức:
Doanh thu = Số lượng sản phẩm tiêu thụ × giá bán sản phẩm
Doanh thu có thể bị tác động bởi các yếu tố cả chủ quan và khách quan như số lượng sản phẩm tiêu thụ, chất lượng sản phẩm, giá bán, thị hiếu ngừơi tiêu dùng,... Dưới đây khoá luận sẽ đi vào tìm hiểu chi tiết về những yếu tố cơ bản nhất ảnh hưởng đến chỉ tiêu doanh thu của doanh nghiệp.
a, Các nhân tố chủ quan
• Số lượng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ
Khối lượng sản phẩm tiêu thụ là yếu tố cơ bản tác động trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Hiểu một cách đơn giản thì số lượng hàng hoá bán ra càng nhiều, số tiền thu về sẽ càng lớn, doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để bù đắp các khoản chi phí phải bỏ ra, nhờ đó góp phần làm tăng lợi nhuận.
Khối lượng sản phẩm sản xuất cũng ảnh hưởng và có mối liên hệ chặt chẽ, phần nào sẽ quyết định số lượng sản phẩm tiêu thụ của doanh nghiệp. Sản xuất được càng nhiều thì doanh nghiệp mới có nguồn sản phẩm để tiêu thụ, nếu DN có quy mô hoạt động nhỏ hoặc năng suất sản xuất kém hiệu quả thì có thể rơi vào tình trạng thiếu nguồn hàng tiêu thụ. Ngược lại nếu DN sản xuất quá ồ ạt trong khi tốc độ tiêu thụ hàng hoá không tương xứng thì có thể gây ứ động, tồn hàng khiến doanh nghiệp dễ bị lỗ. Chính vì vậy, việc quyết định và lên kế hoạch sản xuất phải được cân nhắc kĩ lưỡng dựa trên nhu cầu và khả năng tiêu thụ của DN.
• Chất lượng sản phẩm
Chất lượng sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định xu hướng và khả năng tiêu thụ sản phẩm. Giữa các sản phẩm cùng loại, những sản
phẩm có chất lượng cao hơn sẽ luôn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Hơn nữa, sau khi trải nghiệm sản phẩm, những sản phẩm tốt sau đó sẽ tiếp tục được khách hàng tin tưởng sử dụng. Trong bối cảnh trên thị trường có rất nhiều nhãn hiệu sản phẩm đến từ các doanh nghiệp khác nhau, bên cạnh giá thành thì chất lượng là tiêu chí hàng đầu tạo nên lợi thế cạnh tranh cho DN. Sản phẩm của doanh nghiệp có chất lượng tốt, có thể tạo nên thương hiệu về sản phẩm thì sẽ có giá bán cao, đồng thời gây được hiệu ứng tâm lý và tác động đến hành vi tiêu dùng của khách hàng, luôn nghĩ đến những nhãn hiệu phổ biến trên thị trường đầu tiên. Từ đó thúc đẩy quá trình tiêu thụ hàng hoá của doanh nghiệp.
Như vậy, chất lượng sản phẩm cũng có mối liên hệ chặt chẽ và tác động đến giá bán và khối lượng sản phẩm tiêu thụ, góp phần làm tăng doanh thu của doanh nghiệp.
• Cơ cấu sản phẩm tiêu thụ
DN dù chỉ hoạt động trong một lĩnh vực vẫn có thể có nhiều dòng sản phẩm, nhiều nhãn hiệu sản phẩm khác nhau. Ví dụ như một Công ty hoá mĩ phẩm có thể sản xuất các loại sản phẩm khác nhau như dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt,... Hơn nữa ngày nay, phần lớn các DN đều có xu hướng mở rộng phạm vi hoạt động của mình sang nhiều lĩnh vực khác nhau nên kết cấu sản phẩm của doanh nghiệp cũng trở nên đa dạng hơn rất nhiều. Mỗi dòng sản phẩm sẽ có giá trị khác nhau và tuỳ vào cơ cấu sản phẩm của doanh nghiệp mà doanh thu thu về cũng khác nhau. Trong quá trình sản xuất có thể có những sản phẩm có kích thước lớn nhưng giá trị không cao, nhưng cũng kích thước nhỏ nhưng lại có giá trị cao. Những sản phẩm có giá trị thì giá bán ra sẽ cao hơn và do đó doanh thu từ những sản phẩm đó cũng cao hơn và ngược lại. Nếu DN có thể tăng cường tỷ trọng những sản phẩm có giá trị cao thì có thể góp phần làm tăng doanh thu. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là DN chỉ cần tập trung vào sản xuất và tiêu thụ một loại sản phẩm mà vẫn cần phải cân bằng giữa các loại sản phẩm dựa trên nhu cầu của thị trường cũng như năng lực thực tế của DN. Vì vậy trong quá trình sản xuất, kinh doanh, việc xác định được cơ cấu sản phẩm tối ưu là rất quan trọng.
Giá cả hàng hoá, dịch vụ bán ra tác động trực tiếp đến doanh thu của DN. Với cùng một lượng sản phẩm được tiêu thụ nhưng giá bán đơn vị sản phẩm cao hơn thì doanh thu của DN sẽ cao hơn. Bên cạnh đó giá cả là một trong những yếu tố đầu tiên mà người tiêu dùng cân nhắc khi lựa chọn mua bán sản phẩm. Nếu giá bán sản phẩm quá cao, không phù hợp với người tiêu dùng thì sức tiêu thụ của sản phẩm đó cũng bị sụt giảm, làm giảm doanh thu.
Tuy nhiên DN không thể chỉ định giá sản phẩm quá cao để tăng doanh thu trên mỗi đơn vị sản phẩm hoặc hạ giá thành quá thấp để đẩy mạnh số lượng sản phẩm tiêu thụ. Giá bán ra phải đảm bảo bù đắp các chi phí mà DN phải bỏ ra, tạo ra lợi nhuận để tái sản xuất, mở rộng quy mô nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo phù hợp với điều kiện thị trường. Chính vì vậy, các DN khi tung các sản phẩm ra thị trường phải xây dựng được chính sách giá hợp lý. Tuỳ thuộc vào điều kiện về thời gian, địa lý, kinh tế,... mà điều chỉnh giá bán sản phẩm.
• Phương thức tiêu thụ và thanh toán
Việc lựa chọn phương thức tiêu thụ và thanh toán cũng có ảnh hưởng đến quá trình tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Sử dụng đa dạng các phương thức tiêu thụ vừa giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với khách hàng hơn vừa tạo điều kiện cho khách hàng có thể lựa chọn hình thức mua bán thuận tiện nhất với mình. Điều này sẽ giúp thúc đẩy quá trình tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể lựa chọn cung cấp hàng hoá qua nhiều kênh khác nhau như bán hàng trực tiếp, bán hàng online, bán hàng kí gửi, bán kèm các sản phẩm khác,.
Về phương thức thanh toán, việc thanh toán càng diễn ra thuận tiện thì doanh nghiệp càng nhanh đạt được doanh thu. Do đó để tạo điều kiện cho khách hàng doanh nghiệp cũng cần triển khai các hình thức thanh toán khác nhau như thanh toán qua tiền mặt, chuyển khoản, dùng thẻ, kí séc,.. .Bên cạnh đó việc áp dụng các chính sách khuyến mại, giảm giá, chiết khấu hay trả chậm, trả góp cũng có tác dụng rất lớn thúc đẩy qua trình tiêu thụ hàng hoá. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chú ý cân nhắc và tính toán kĩ lưỡng khi thực hiện chính sách này, tránh làm hao hụt quá lớn đến doanh thu hay ảnh hưởng đến tiềm lực tài chính.
b, Các nhân tố khách quan
Quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp đều diễn ra trong nền kinh tế. Vì vậy tất cả những biến động kinh tế đều ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp. Khi nền kinh tế phát triển ổn định, không gặp phải những biến động bất thường thì hoạt động của các doanh nghiệp cũng ổn định hơn, chất lượng cuộc sống cao giúp gia tăng nhu cầu
Trong đó, thị trường tiêu thụ là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của doanh nghiệp. Nếu các sản phẩm có thị trường tiêu thụ phù hợp, rộng lớn, sức mua cao thì doanh thu của doanh nghiệp sẽ có cơ hội gia tăng nhanh chóng. Ngược lại nếu thị trường tiêu thụ bị bó hẹp hoặc không phù hợp thì sản phẩm sẽ rất khó có thể tiêu thụ được, thậm chí bị ứ đọng, doanh nghiệp không thể thu hồi vốn và có thể bị lỗ. Chính vì vậy việc xác định chính xác thị trường tiêu thụ cho từng loại sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ là vô cùng quan trọng.
• Nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng
Người tiêu dùng là những người trực tiếp tiêu thụ và sử dụng sản phẩm chính vì vậy nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng cũng là một nhân tố quan trọng quyết định doanh thu của doanh nghiệp. Một sản phẩm được tung ra thị trường vào đúng thời điểm khách hàng đamg có nhu cầu chắc chắn sẽ được đón nhận và tiêu thụ một cách nhanh chóng, rút ngắn vòng quay vốn, đem lại thu nhập cho doanh nghiệp. Chưa kể, trong bối cảnh nhu cầu trên thị trường đang lớn thì sản phẩm sẽ “được giá” hơn rất nhiều. Nếu có thể kịp thời nắm bắt và tận dụng được thời cơ đến từ những thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ có cơ hội gia tăng rất nhiều doanh thu của mình.
Bên cạnh nhu cầu thì thị hiếu cũng là một trong những yếu tố sẽ tác động đến hành vi tiêu dùng của khách hàng. Đối với nhu cầu về một loại sản phẩm nào đó, người tiêu dùng có thể có rất nhiều lựa chọn khác nhau trên thị trường. Khi đó, thị hiếu sẽ là yếu tố quyết định lựa chọn của khách hàng. Mỗi người sẽ có thị hiếu khác nhau, có người ưa thích những sản phẩm có mẫu mã bắt mắt, có người lại đề cao chất lượng sản phẩm, có người lại thích những sản phẩm độc đáo, khác biệt,... Việc nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng và có những điều chỉnh phù hợp cho sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp thu hút khách hàng, góp phần gia tăng doanh thu của mình.
• Đặc thù sản xuất, kinh doanh của từng ngành
Mỗi ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có những đặc điểm, đặc thù riêng tác động đến tình hình hoạt động cũng như quá trình tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Điều này xuất phát từ đặc điểm hàng hoá mà doanh nghiệp cung ứng ra thị trường.
Ví dụ đối với ngành công nghiệp, nhờ các tiến bộ khoa học công nghệ, các sản phẩm có thể được sản xuất ra một cách đơn giản, nhanh chóng với chủng loại, mẫu mã đa dạng, đáp ứng được những nhu cầu khác nhau của thị trường. Hơn nữa, qua trình sản xuất ít bị phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài nên việc tiêu thụ hàng hoá được diễn ra nhanh chóng, khối lượng hàng hoá luân chuyển lớn, đem lại doanh thu lớn cho doanh nghiệp.
Đối với ngành nông nghiệp hoạt động sản xuất chịu tác động khá lớn bởi các điều kiện tự nhiên nên thường hay có những biến động thất thường, gây ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất sản phẩm, làm giảm doanh thu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong qua trình tiêu thụ doanh nghiệp cũng gặp khá nhiều khó khăn đối với vấn đề bảo quản, làm giảm hiệu quả tiêu thụ sản phẩm,...
Như vậy mỗi doanh nghiệp cần nắm rõ đặc điểm ngành nghề hoạt động của mình để có kế hoạch sản xuất, tiêu thụ phù hợp và đưa ra những biện pháp cần thiết khi có vấn đề phát sinh.
• Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành
Trong nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp là điều khó tránh khỏi. Sản phẩm của các doanh nghiệp cạnh tranh sẽ tác động đến sức tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp. Nếu như trên thị trường với cùng một loại sản phẩm, có nhiều nhãn hiệu khác nhau với mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt và giá cả hợp lý thì người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn do đó mà cơ hội tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp cũng bị giảm sút đi, làm giảm doanh thu.
Để có thể đứng vững trước những cạnh tranh trong ngành, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt nhu cầu của thị tường, đồng thời tìm hiểu về những điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp đối thủ để phát huy ưu thế của mình.