CHƯƠNG III KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Thực trạng sử dụng Fintech
3.1.2. Thực trạng và xu hướng phát triển Fintech tại Việt Nam
Hiện nay ở Việt Nam, Fintech đã dần trở nên phổ biến đối với xã hội và người sử dụng. Thuật ngữ Fintech dần được xuất hiện nhiều hơn qua lời nói, các mặt báo hay cả trên đài truyền hình và trở thành từ khóa dẫn đầu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, kế toán - kiểm toán. Với dân số Việt Nam lên đến 90 triệu người, trong đó khoảng 85% người dân sử dụng Internet và 70% sử dụng Smartphone, theo công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, đây là lý do chính để các chuyên gia đánh giá Việt Nam là thị trường rất tiềm năng để phát triển và ứng dụng công nghệ Fintech. Trên thực tế, con số sử dụng thẻ ngân hàng chỉ chiếm 30% dân số và 3% trong số đó sử dụng thẻ tín dụng, 70% còn lại sẽ là cơ hội cho nhiều
doanh nghiệp hợp tác nhằm lấp đầy chỗ trống hoặc thay thế ngân hàng phục vụ đối tượng này.
Theo số liệu được Topica Founder Institue thống kê, vào năm 2016, tổng giá trị các thương vụ liên quan đến Fintech đạt con số 129 triệu đô la Mỹ, chiếm 63% tổng giá trị các thương vụ Startup. Trong đó, nổi bật hơn cả là thương vụ đầu tư 28 triệu đô la Mỹ từ Quỹ Standard Charter Private Equity và Ngân hàng Goldman Sachs vào công ty cổ phần M_Service, đơn vị sở hữu ví điện tử MoMo. Thống kê tháng 2 năm 2017, Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho biết, khởi điểm của Fintech bắt đầu từ năm 2007 với 9 đơn vị thử nghiệm dịch vụ thanh toán trung gian thì 8 năm sau (2015), con số này đã lên đến 20. Và chỉ 2 năm sau, tức đến thời điểm hoàn thành bảng thống kê (2017), đã có đến 40 đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực Fintech, tăng gấp đôi so với 2015.
Hình 3.3. Các doanh nghiệp Fintech hiện nay ở Việt Nam
Nguồn: Fintech Meetup Việt Nam
Lợi thế của FinTech là các khoản vay nhỏ (vì ở nhiều nước, ngân hàng thường bỏ qua những người vay nhỏ do e ngại những rủi ro về mặt tín dụng tiêu dùng). Thực tế, hiện nay, thị trường Việt Nam đang phát triển ở mảng thanh toán dịch vụ với những khoản tiền chuyển nhỏ hơn 5 triệu đồng (theo số liệu khảo sát dựa trên các bưu điện, báo cáo của Liên hợp quốc và Smartlink - đơn vị trung gian thanh toán, nay đã nhập vào Banknet).
Tuy nhiên, bất lợi tại thị trường Việt Nam là tính e ngại sử dụng các phương thức thanh toán, chuyển đổi tiền “ảo”, do đó 2 cái tên nổi trội trong ngành FinTech Việt là MoMo và Payoo đã đầu tư mạnh vào hệ thống giao dịch vật lý khi MoMo có hơn 4000 điểm giao dịch trải dài rộng khắp 45 tỉnh thành và Payoo là gần 5000 điểm thanh toán trên toàn quốc.
Mục tiêu của MoMo đạt đến 11000 điểm giao dịch phủ sóng toàn quốc trong khi Payoo vẫn tập trung vào việc thanh toán hóa đơn điện, nước, truyền hình và mở rộng liên kết với các kinh doanh nhà xe, du lịch để đa dạng dịch vụ và đặc biệt là không tập trung vào mảng ứng dụng di động. “Có hai nguyên nhân chính khiến chúng tôi không đẩy mạnh kênh này trong thời điểm hiện tại: Thứ nhất, các dịch vụ trực tuyến chưa đủ để hấp dẫn số đông người sử dụng trên Internet. Thứ hai, bản thân Payoo cũng cung cấp dịch vụ Internet banking và mobile banking cho các doanh nghiệp đối tác, việc tham gia cạnh tranh trong một thị trường chưa đủ lớn không đem lại lợi ích”, ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng Giám đốc VietUnion cho biết.
Hình 3.4. Thiết bị công nghệ Fintech được tập trung đầu tư
■ Large FinTech ■ Large Financial Institutions
Nguồn: Khảo sát toàn cầu của PwC năm 2017
Bên cạnh các công ty Fintech, hàng loạt các tập đoàn, công ty lớn cũng đã nhảy vào cuộc đua áp dụng công nghệ này nhằm tận dụng lượng người sử dụng sẵn có. Điển hình có thể kể đến Zion, công ty con của VNG, đã giới thiệu sản phẩm ZaloPay tới 70 triệu người dùng Zalo, hoạt động đồng thời cùng với cổng thanh toán 123pay trước đó.
Dịch vụ trò chơi trực tuyến Garena hay dịch vụ gọi và đặt xe Grab cũng đã bắt đầu sử dụng công cụ thanh toán trực tuyến. Ví điện tử TopPay được Garena giới thiệu thông qua chi nhánh VietnamEsport tại Việt Nam với hơn 20000 điểm giao dịch trên toàn quốc, đạt số lượt tải ứng dụng trên PlayStore lên đến 100000 lần. Grab cũng tận dụng số lượng khách hàng lên đến 27 triệu người giới thiệu sản phẩm GrabPay đi kèm với các dịch vụ khuyến mãi trên toàn Đông Nam Á nhằm thu hút và tăng độ tin cậy của khách hàng. Đối với hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong TPBank là một ví dụ điển hình của việc áp dụng Fintech vào hệ thống dịch vụ chăm sóc khách hàng thông qua chatbot trả lời tự động.
Tóm lại, Việt Nam vẫn đang là thị trường rất tiềm năng cho sự phát triển của Fintech. “Theo nhận định của một số chuyên gia, thị trường Fintech ở Việt Nam sẽ là sân chơi dành cho các ông lớn trong các lĩnh vực tài chính, công nghệ và dịch vụ Internet. Các start-up hiện có trên thị trường thực tế đang là sân sau của một số ông lớn hoặc được đầu tư nguồn vốn khổng lồ”. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích dễ thấy, để Fintech có thể mở rộng thị trường, buộc ngân hàng nhà nước phải có quy định chặt chẽ về Fintech, đồng thời những công ty đầu tư vào dịch vụ Fintech hay bản thân các công ty Fintech cần phải tìm cách tối thiểu hóa những rủi ro trong quá trình sử dụng. Vì vậy bài nghiên cứu sẽ đưa ra khung mô hình về rủi ro và lợi ích cảm nhận để xác định xem đâu là yếu tố quan trọng để gia tăng quyết định sử dụng Fintech của khách hàng.