3.3.3.1. Nguyên nhân chủ quan
- Nhận thức và ý thức về quản lý khai thác thủy sản theo chuẩn mực quốc tế nói chung, chống khai thác IUU nói riêng của các nhà quản lý, hoạch định chính sách, ngư dân và cộng đồng doanh nghiệp chưa thật sự cao, đầy đủ, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” khá phổ biến, đặc biệt là giai đoạn trước năm 2017. Chỉ sau khi EC đưa ra cảnh báo thẻ vàng mới tạo ra được sự chuyển biến về nhận thức sâu rộng.
- Nguồn lực thực thi các chính sách chống khai thác IUU còn hạn chế và thiếu thốn. Trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa thực sự phát triển, nguồn vốn để tài trợ cho phát triển kinh tế nói chung, ngành thủy sản nói riêng, trong đó có chống khai thác IUU khá eo hẹp. Bên cạnh đó, năng lực quản lý Nhà nước về nhân lực, vật lực, trang thiết bị kỹ thuật, cũng như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các lực lượng, cán bộ địa phương để triển khai giám sát thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế, nhất là thực thi các quy định và xử lý các vi phạm về khai thác IUU.
Đặc biệt, tổ chức, hoạt động của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam còn nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện, nhất là vấn đề tổ chức bộ máy, biên chế và thống nhất trong phân công tổ chức thực hiện ở địa phương. Thứ nhất,
chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về hoạt động thanh tra chuyên ngành thủy sản trên biển của lực lượng Kiểm ngư đối với địa phương còn nhiều khó khăn do không có lực lượng Kiểm ngư tại địa phương, chưa có các văn bản hướng dẫn chuyên môn, chuyên ngành, định mức kinh tế - kỹ thuật giúp cho hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển một cách thống nhất đồng bộ và hiệu quả (không quản lý trực tiếp phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật...).
Thứ hai, tàu Kiểm ngư của Chi cục Thủy sản các địa phương có công suất nhỏ, tốc độ thấp, sức chịu đựng sóng gió hạn chế, ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, kiểm soát cũng như phối hợp khi gặp thời tiết xấu. Hiện nay, Chi cục Thủy sản của 28 tỉnh, thành phố ven biển được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thủy sản (thực chất là thực hiện nhiệm vụ kiểm ngư trên vùng 7 biển ven bờ và vùng lộng theo quy định về phân vùng quản lý khai thác thủy sản trên biển), được hoạt động dưới dạng phòng chức năng, có chức năng tham mưu cho lãnh đạo Chi cục Thủy sản, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh trong việc thực thi nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản (bao gồm cả thanh tra chuyên ngành trên bờ, dưới biển, ở nhiều lĩnh vực như: khai thác thủy sản, nuôi trồng, chế biến…). Lực lượng này vẫn đang hoạt động, tuy nhiên chỉ có một số tỉnh như Kiên Giang, Cà Mau, Bình Thuận có đội tàu mạnh và hoạt động thường xuyên đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ. Phần lớn các tàu thực thi nhiệm vụ trên biển được trang bị công cụ hỗ trợ thô sơ, các tàu phần lớn đã được đưa vào hoạt động trong thời gian dài (trên 10 năm); không có quy định chung về định mức hoạt động và công tác sửa chữa các phương tiện trên phạm vi cả nước để làm căn cứ hoạt động; nguồn kinh phí sửa chữa ít, do vậy phương tiện xuống cấp dẫn đến việc lãng phí trong quá trình khai thác các phương tiện thực hiện nhiệm vụ. Thứ ba, phần lớn các tỉnh được cấp nguồn kinh phí hạn chế, không đủ để hoạt động thường xuyên trên biển nên việc thực thi nhiệm vụ không đảm bảo,
dẫn đến việc buông lỏng trong quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên biển, ngư dân khai thác thủy sản trái phép trên biển vẫn còn diễn ra. Thứ tư, đội ngũ (thuyền viên) và phương tiện (tàu, xuồng) hỗ trợ thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành tại địa phương không có sự thống nhất (trang phục, màu sơn và tên gọi của tàu...) nên không tạo được sự uy nghi, đồng bộ của lực lượng thực thi pháp luật trên biển đã gây khó khăn rất lớn trong quá trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng và giữa các tỉnh trong việc thực thi nhiệm vụ trên biển. Thứ năm, cán bộ kiểm ngư hầu như chỉ được hưởng chế độ đối với công chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản và không được hưởng các chế độ phụ cấp khác của Kiểm ngư. Điều đó cũng làm cho công tác tuyển dụng thuyền viên làm việc trên các tàu kiểm ngư gặp nhiều khó khăn (Trung tâm nghiên cứu khoa học lập pháp, Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 2017, tr 6-7).
3.3.3.1. Nguyên nhân khách quan
- Do biến đổi khí hậu (nhất là hiện tượng El Nino làm nước biển nóng lên, nhiều loài cá di cư xa, có trữ lượng lớn, có giá trị cao di chuyển sang phía Tây của vùng biển Thái Bình Dương), lợi ích kinh tế, ngư trường truyền thống cạn kiệt nguồn lợi, trong khi vùng biển nước ngoài có trữ lượng nguồn lợi phong phú hơn, đặc biệt là các đối tượng có giá trị kinh tế cao, dẫn đến tình trạng ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở các vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, do nhận thức của người dân còn thấp, cùng với những tập quán, thói quen ít thân thiện với môi trường, thiếu sự hợp tác, liên kết trong hoạt động khai thác; trình độ học vấn lại hạn chế nên khó khăn trong việc triển khai và áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cũng như triển khai thực thi các chính sách; nhiều chủ nậu, vựa, người môi giới đã khuyến khích, tiếp tay đưa tàu và ngư dân khai thác trái phép ở các vùng biển các nước.
- Số lượng tàu thuyền khai thác rất lớn, quy mô khai thác nhỏ và rất nhiều ngành nghề khai thác khác nhau, trong khi báo cáo sản lượng và ghi nhật ký khai thác chủ yếu được thực hiện rất thủ công (ghi chép bằng tay), hệ thống ghi nhật ký khai thác điện tử chưa thật sự phổ biến. Bên cạnh đó, nghề
cá của Việt Nam vẫn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, ngư dân khai thác theo tập quán và truyền thống là chủ yếu; chuỗi tiêu thụ sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian. Khai thác thủy sản hoạt động theo mùa vụ và phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mùa trăng… nên việc triển khai các chính sách đến từng chủ tàu cá, thống nhất giữa các tàu, thành viên trong tổ, đội, nghiệp đoàn mất nhiều thời gian.
- Các quy định, quy tắc quốc tế về khai thác IUU khá phức tạp, trong khi quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam mới thực sự được đẩy mạnh thời gian gần đây, còn nhiều khó khăn, trở ngại nên cần có nhiều thời gian để áp dụng. Do có sự khác nhau trong hệ thống pháp luật và điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội giữa các quốc gia, khu vực nên một số quy định quốc tế (chẳng hạn như của EU) khó áp dụng trong thực tiễn đối với Việt Nam, chưa kể một số nước có xu hướng “lợi dụng” vấn đề khai thác IUU làm rào cản thương mại đối với các quốc gia khác. Bên cạnh đó, sự vi phạm, đe dọa, trấn áp của tàu cá nước ngoài đối với các tàu cá của Việt Nam ở các ngư trường truyền thống hết sức phức tạp, việc bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam ở các vùng biển giáp ranh, chồng lấn của lực lượng chấp pháp các nước do đó cũng đang có xu hướng gia tăng.
Chương 4
ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUẢN LÝ KHAI THÁC THỦY SẢN THEO CHUẨN MỰC QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM