Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, vùng nội thủy và lãnh hải rộng 226.000 km2, vùng biển đặc quyền kinh tế rộng hơn 1 triệu km2 với hơn 4.000 hòn đảo, tạo nên 12 vịnh, đầm phá với tổng diện tích 1.160 km2 và được che chắn tốt khiến dễ trú đậu tàu thuyền. Tuy nhiên, điều kiện địa hình và thủy vực của Việt Nam phức tạp, bão lớn, mưa nhiều và thất thường; đặc biệt ở miền Trung, mưa bão thường kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, lượng mưa lớn, trung bình 2.300 - 3.100mm.
Biển Việt Nam có tính đa dạng sinh học khá cao, nguồn lợi hải sản được phân bố như sau (Hồ Thị Hoài Thu, 2018, tr.72-73):
Vùng biển Vịnh Bắc Bộ với trữ lượng khoảng 750.000 tấn thủy sản, hình thức khai thác chủ yếu là ven bờ. Một số nghề chủ yếu như nghề lưới kéo, lưới vây và chụp mực, trong đó nghề lưới kéo hoạt động không ổn định, các tàu chủ yếu hoạt động ở các vùng biển ven bờ và vùng lộng với đối tượng khai thác là các loài cá con và cá tạp. Nghề lưới rê có đối tượng khai thác chọn lọc hơn là các loại hải sản có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ…Đặc biệt là nghề lưới vây phát triển mạnh mẽ; nghề chụp mực phát triển ở các tỉnh như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa.
Vùng biển Trung Bộ với trữ lượng khoảng 712.000 tấn, khai thác thủy sản ở vùng biển này chủ yếu là khai thác xa bờ, nhất là nghề câu cá ngừ đại dương, thường tập trung ở các tỉnh: Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Nghề lưới kéo đạt hiệu quả thấp chủ yếu là do nguồn lợi hải sản tại vùng lộng và vùng biển ven bờ giảm so với các năm trước. Tuy nhiên, tại một số địa phương có tàu công suất lớn di chuyển khai thác ở các ngư trường Vịnh Bắc
Bộ và Đông Tây - Nam Bộ vẫn sản xuất ổn định. Nghề lưới rê có đối tượng khai thác phong phú và đa dạng như cá thu, cá ngừ, cá hố, mực nang…, còn nghề lưới vây, đối tượng khai thác chính là cá nục, cá ngừ ồ, cá ngừ sọc dưa, cá sòng, cá cơm…
Vùng biển Đông Nam Bộ có trữ lượng thủy sản lớn nhất, 1.141.000 tấn. Các nghề khai thác chính là lưới kéo, lưới rê, lưới vây. Nghề cào bay, mặc dù sản lượng khai thác cao và ổn định nhưng hoạt động của nó gây ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi hải sản và hệ sinh thái.
Vùng biển Tây Nam Bộ với trữ lượng thủy sản 610.000 tấn, hoạt động chủ yếu bằng nghề lưới kéo, giã cào bay, lưới vây, khai thác chủ yếu ở vùng biển ven bờ và vùng lộng với đối tượng khai thác là cá nục, cá cơm, cá ngừ sọc dưa, cá ngừ ô…
Vùng giữa biển Đông có trữ lượng thủy sản là 1.036.000 tấn. Khai thác chủ yếu ở vùng biển Đông là nghề câu tay, lưới kéo, lưới rê, lưới vây…với đối tượng khai thác chính là các loại cá xa bờ như cá ngừ, cá thu…
Xét về ngư trường khai thác, theo tài liệu nghiên cứu về “Đặc điểm nguồn lợi cá biển Việt Nam, trữ lượng và khả năng khai thác” (Hồ Thị Hoài Thu, 2018, tr.73-74), vùng biển nước ta có 15 ngư trường khai thác chính. Hầu hết các ngư trường này nằm dọc theo các vùng nước ven bờ, gần các đảo, có độ sâu dưới 200 mét.
Sự đa dạng về nguồn lợi và ngư trường khai thác cộng thêm điều kiện địa hình, thủy vực và thời tiết phức tạp như đã trình bày ở trên ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý khai thác thủy sản nói chung, chống khai thác IUU nói riêng.