3.2.1.1. Hội nhập hệ thống luật quốc tế
Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia nhiều hiệp ước, diễn đàn quốc tế và khu vực, nổi lên là Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS 1982); Hiệp định của FAO về thúc đẩy việc tuân thủ các biện pháp quản lý và bảo tồn các vùng biển cả của tàu cá năm 1993; Hiệp định thực hiện các điều khoản của UNCLOS 1982 về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa (UNSFA) năm 1995; Bộ quy tắc quản lý nghề cá có trách nhiệm của FAO (CCRF) năm 1995; Kế hoạch hành động quốc tế nhằm hạn chế, ngăn chặn và loại bỏ khai thác IUU của FAO (IPOA-IUU) năm 2001; Hiệp định về các biện pháp quản lý cảng nhằm ngăn chặn, phát hiện và xóa bỏ hoạt động khai thác IUU (PSMA), siết chặt hoạt động của các cảng cá với các tàu khai thác kiên quản đến hoạt động khai thác thủy sản IUU.
UNCLOS 1982 quy định các vấn đề liên quan đến nghề cá như quyền đánh cá trên biển; cân bằng lợi ích của các quốc gia; tài nguyên sinh vật biển được chia sẻ cho hai hay nhiều quốc gia; ngăn chặn sự suy giảm tài nguyên thủy sản trên biển và giải quyết tranh chấp quốc tế về khai thác thủy sản.
Mục tiêu của UNFSA là đảm bảo sự bảo tồn lâu dài và sử dụng bền vững nguồn lợi di cư từ vùng đặc quyền kinh tế ra biển cả và nguồn lợi di cư xa thông qua việc thực hiện hiệu quả các quy định của Công ước năm 1982. UNFSA xây dựng và quy định các quyền và nghĩa vụ của quốc gia trong việc bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản. Hiệp định này đề ra quy chế hợp tác
quốc tế đối với các nguồn lợi thủy sản và xác định tổ chức quản lý nghề cá khu vực là cơ chế mà thông qua đó các quốc gia có thể hoàn thành nghĩa vụ của mình để quản lý và bảo tồn nguồn lợi.
Hiệp định thi hành của FAO được hoàn thiện trước UNFSA, có một số quy định trùng nhau. Hiệp định trở thành một phần thống nhất của Quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm. Hiệp định áp dụng “các biện pháp bảo tồn và quản lý quốc tế” và tuân thủ theo Công ước Luật biển năm 1982. Do đó, Hiệp định hạn chế đối với một số loài được quy định bởi UNFSA. Vấn đề tập trung của Hiệp định thi hành là cho phép đánh cá ở biển cả và xây dựng khái niệm về trách nhiệm của quốc gia mà tàu treo cờ và cơ chế đảm bảo dòng thông tin tự do về hoạt động khai thác ở biển cả.
CCRF quy định khung pháp lý về nỗ lực quốc gia và quốc tế nhằm đảm bảo việc thăm dò bền vững nguồn lợi thủy sản, hài hòa với môi trường. Quy tắc gồm các nguyên tắc và tiêu chuẩn áp dụng nhằm bảo tồn, quản lý và phát triển mọi nguồn lợi. Quy tắc quy định nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến, kinh doanh, nghiên cứu thủy sản và thống nhất nghề cá ven biển.
PSMA siết chặt hoạt động của các cảng cá, có thể xem đây là Hiệp định duy nhất có sự tham gia của các quốc gia không treo cờ trong nỗ lực chống lại hoạt động khai thác IUU, sát cánh cùng các quốc gia treo cờ chịu trách nhiệm quản lý các tàu treo cờ của nước mình tại vùng biển cả.
3.2.1.2. Hoàn thiện thể chế, chính sách quốc gia
Ở góc độ quốc gia, từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, quy định pháp luật nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chống khai thác IUU.
Chính phủ đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách để tăng cường năng lực thực thi pháp luật thủy sản ở các cấp như tăng cường quản lý cảng cá, bến cá (Nghị định số 80/2012/NĐ-CP ngày 08/10/2012 của Chính phủ); thành lập lực lượng Kiểm ngư Việt Nam (Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày 29/11/2012 của Chính phủ); thành lập Tổ công tác ngăn chặn tàu cá Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở nước ngoài (Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày
18/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ); thực hiện cơ chế xác nhận sản phẩm khai thác (Thông tư số 50/2015/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2015 của Bộ NN và PTNT); thiết lập hệ thống giám sát tàu cá trên biển; đàm phán thiết lập đường dây nóng để xử lý kịp thời các tình huống khai thác bất hợp pháp trên biển và đàm phán đưa tàu đi khai thác hợp pháp ở các nước trong khu vực,…
Đặc biệt, ngày 21/11/2017, Quốc hội thông qua Luật Thủy sản 2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 với nhiều điểm mới nhằm chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về chống khai thác IUU, trong đó đáng chú ý:
- Quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản: Cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm toàn bộ dữ liệu ngành về nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng, tàu cá… Tất cả các thông tin và dữ liệu sẽ được chuẩn hóa, số hóa bằng khoa học công nghệ, được xây dựng thống nhất từ trung ương đến địa phương, thực hiện theo chủ trương Chính phủ điện tử.
- Quy hoạch về bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản: Nguồn lợi thủy sản là một loại tài nguyên có khả năng tái tạo, do đó để quản lý bền vững nguồn lợi thủy sản, Luật đã làm rõ căn cứ lập quy hoạch; nội dung quy hoạch; việc lập, phê duyệt, điều chỉnh, công bố quy hoạch; mục đích điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản…
- Quy định quyền cấp hạn ngạch khai thác về các địa phương: Để phù hợp với luật pháp quốc tế về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, Luật Thủy sản 2017 đã bổ sung quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác đối với một số loài cá di cư xa và loài thủy sản có tập tính kết đàn. Luật cũng quy định rõ căn cứ vào kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, cụ thể là căn cứ vào trữ lượng, sản lượng cho phép khai thác bền vững để xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, đồng thời phân cấp triệt để việc cấp phép khai thác thủy sản cho UBND cấp tỉnh.
- Quy định về Quản lý tàu cá và quy định về xã hội hóa đăng kiểm tàu cá: Quy định này được đưa ra chi tiết trong Luật Thủy sản 2017 nhằm huy động được các nguồn lực từ xã hội tham gia đầu tư vào hoạt động này để
giảm tải cho cơ quan quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho người dân. Theo đó, việc quản lý tàu cá cũng thay đổi, chuyển quản lý từ công suất sang quản lý theo chiều dài lớn nhất của tàu.
Luật Thủy sản cũng quy định trách nhiệm của thuyền trưởng của tàu khai thác từ vùng lộng trở ra phải cập cảng chỉ định do Bộ NN và PTNT công bố; quy định về kiểm tra, kiểm soát, giám sát tổng hợp tại các chương về khai thác, quản lý tàu cá và tăng cường năng lực thực thi cho lực lượng kiểm ngư và các lực lượng thực thi pháp luật có liên quan. Đồng thời, quy định nghĩa vụ của tổ chức quản lý cảng cá, trong đó, người đứng đầu tổ chức quản lý cảng cá tổ chức thực hiện thống kê sản lượng thủy sản qua cảng, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định, thu nhận nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản của tàu cá vào cảng, tổng hợp báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo định kỳ hoặc đột xuất theo hướng dẫn của Bộ NN và PTNT.
- Chi tiết hóa 14 hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp bao gồm: (1)
Khai thác thủy sản không có giấy phép; (2) Khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm; (3) Khai thác thủy sản trái phép loài thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; (4) Khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác; (5) Khai thác thủy sản vượt sản lượng theo loài, khai thác sai vùng, quá hạn ghi trong giấy phép; (6) Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; (7) Ngăn cản, chống đối người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát sự tuân thủ đối với các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; (8) Chuyển tải hoặc hỗ trợ cho tàu đã được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng; (9)
Không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định; (10) Không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; (11)
Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác thủy sản bất hợp pháp; (12) Không ghi, ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký khai thác thủy sản, không báo cáo theo quy định; (13) Sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực; (14) Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực.
- Tăng chế tài xử lý vi phạm khai thác IUU: Luật quy định các chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm (mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng, tăng lên gấp 10 lần); thu hồi giấy phép khai thác đối với các nhân, tổ chức khai thác trái phép ở vùng biển ngoài Việt Nam; quy định chặt chẽ về điều kiện không cấp lại giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân có tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác IUU hoặc không có thiết bị giám sát hành trình.
- Quy định về xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác: (1) Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận nguyên liệu, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác tại vùng biển Việt Nam không vi phạm quy định khai thác bất hợp pháp cho tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu;
(2) Nguyên liệu thủy sản nhập khẩu được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu chứng nhận có nguồn gốc từ khai thác không vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân nhập khẩu; (3) Sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ nguyên liệu thủy sản nhập khẩu được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân xuất khẩu trên cơ sở nguyên liệu sản xuất sản phẩm thủy sản đó được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu chứng nhận có nguồn gốc không vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp; (4) Bộ trưởng Bộ NN và PTNT quy định về nội dung, thẩm quyền, trình tự, thủ tục
xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; xác nhận nguyên liệu thủy sản nhập khẩu hoặc sản phẩm thủy sản được sản xuất từ nguyên liệu thủy sản nhập khẩu không có nguồn gốc từ khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Ngoài ra, Luật cũng quy định quản lý đối với sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh thủy sản qua lãnh thổ Việt Nam; quy định việc xử lý đối với hành vi sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực.
Để thực hiện hiệu quả Luật Thủy sản 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Thủy sản năm 2017, tập trung quy định, hướng dẫn các nội dung khuyến cáo của EC về khai thác IUU; ban hành Nghị định thay thế Nghị định 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, trong đó có quy định cụ thể các hành vi phạm IUU đã được quy định trong Luật Thủy sản năm 2017; phê duyệt Dự án Hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn 2 để giám sát các tàu cá khai thác hải sản trên các vùng biển, chống khai thác IUU.
3.2.1.3. Xây dựng kế hoạch chống khai thác IUU
Các nội dung liên quan đến chống khai thác IUU đã được các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương đưa vào các chương trình, kế hoạch quản lý khai thác thủy sản định kỳ hoặc đột xuất. Tuy nhiên, đến năm 2018, Chính phủ Việt Nam mới ban hành kế hoạch riêng, chuyên biệt về chống khai thác IUU. Đó là “Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU đến năm 2025” (Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 16/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ), với mục tiêu ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ hoạt động khai thác IUU của tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam; thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, khu vực và hội nhập quốc tế; chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản
trái phép tại vùng biển các nước. Kế hoạch đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm cho từng giai đoạn: Giai đoạn đến tháng 4/2018; giai đoạn tháng 5/2018 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025.
Trên cơ sở Kế hoạch hành động quốc gia, đến nay 28 tỉnh ven biển đã xây dựng Kế hoạch hành động chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh với các nội dung, biện pháp phù hợp với đặc điểm của địa phương.