Đề tài nghiên cứu được tác giả sử dụng phương pháp tổng hợp, kế thừa để thu thập dữ liệu, tài liệu thứ cấp liên quan đến quản lý khai thác thủy sản, cụ thể qua các bước như sau:
Bước 1: Nghiên cứu tài liệu nhằm xác định khung lý thuyết, lý luận cơ bản và thực tiễn về quản lý khai thác thủy sản theo chuẩn mực quốc tế. Trong bước này, tác giả thu thập tài liệu từ các Giáo trình chuyên ngành về Kinh tế chính trị, Quản lý kinh tế, Khai thác thủy sản dùng cho Đại học và sau Đại học có đề cập đến chuẩn mực quốc tế về khai thác thủy sản, đặc biệt là chống khai thác thủy sản và công tác quản lý trong lĩnh vực này. Song song với đó, tác giả thu thập các văn bản, chính sách, quy định của một số tổ chức quốc tế, quốc gia trên thế giới quy định về chống khai thác IUU. Về phần tổng quan tình hình nghiên cứu, tác giả thu thập thông tin từ các tài liệu, các bài nghiên cứu, các bài viết, các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ có cùng hướng nghiên cứu thông qua thư viện luận văn hoặc trên các website chuyên ngành.
Bước hai: Thu thập tài liệu, dữ liệu phục vụ phân tích thực trạng quản lý khai thác thủy sản theo chuẩn mực quốc tế tại Việt Nam giai đoạn 2012 - 2018. Trong bước này ngoài việc thu thập các văn bản của Đảng, chính sách quản lý nhà nước liên quan đến ngành Thủy sản và lĩnh vực khai thác thủy sản của Trung ương và các địa phương, tác giả còn thu thập dữ liệu thứ cấp từ các báo cáo chuyên đề, thống kê của Bộ NN và PTNT, Tổng cục Thống kê, VASEP, Sở NN và PTNT một số tỉnh ven biển; các sách, báo, tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước nước.
Bước ba: Trên cơ sở thực trạng quản lý khai thác thủy sản theo chuẩn mực quốc tế về chống khai thác IUU tại Việt Nam giai đoạn 2012-2018, tác giả đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này thời gian tới.