Quảng cáo là hình thức tuyên truyền được trả phí hoặc không, để thực hiện việc giới thiệu thông tin về sản phẩm, dịch vụ công ty hay ý tưởng. Quảng cáo là hoạt động truyền thông phi trực tiếp giữa người với người, mà trong đó người muốn truyền thông phải trả tiền cho các đơn vị sản xuất nội dung và các phương tiện truyền thông đại chúng để đưa thông tin đến thuyết phục hay tác động đến người nhận thông tin. Mục tiêu của quảng cáo digital là tác động tới hành vi, thói quen mua hàng của người tiêu dùng hay khách hàng bằng cách truyền tải những thông điệp bán hàng/đặc tính của sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu của khách hàng trên các kênh Digital.
Ngành Quảng cáo là một ngành nghề vốn đã xuất hiện từ lâu trong kinh doanh trên thế giới và cả ở tại Việt Nam, nhưng chỉ khi có sự xuất hiện của các thiết bị nghe nhìn chuyên dụng (Radio, TV) và sau đó là mạng Internet thì hoạt động Quảng cáo Digital mới thực sự nở rộ. Trong 10 năm trở lại đây, những ứng dụng và nền tảng công nghệ, đặc biệt là sự bùng nộ của mạng xã hội và gần đây là các nền tảng mua bán trực tuyến (e-commerce platform) tiếp tục làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế thế giới và số hoá ngành Quảng cáo nói chung và thúc đẩy sự tăng trưởng chung của ngành Quảng Cáo Digital nói riêng.
Tại Việt Nam, ngành Quảng Cáo Digital có thể chia ra gồm các doanh nghiệp:
• Đại lý Quảng cáo Digital ( Digital Advertising Agencies): các đơn vị này phụ trách việc lên kế hoạch và triển khai các hoạt động Quảng cáo - Truyền thông cho các Khách hàng (client) tới người tiêu dùng thông qua tự sản xuất/thực hiện, thuê ngoài hoặc hợp tác với các bên có thể thực hiện một phần trong kế hoạch.
• Các đơn vị phát hành/in ấn (Publishers): nếu như các Nhà Phát hành (báo chí, ứng dụng, game hoặc các sản phẩm giải trí khác) truyền thống lựa chọn việc tìm kiếm doanh thu trên hoạt động của Người dùng (Users/Audiences) thì thời gian gần đây, các Nhà Phát hành mới thường lựa chọn miễn phí các nội
dung với người dùng và sẽ tìm kiếm doanh thu qua hoạt động Quảng cáo từ Khách hàng (Advertisers). Các Nhà Phát hành mới thường có xu hướng hợp tác thông qua với các agency quảng cáo/truyền thông để né tránh áp lực trực tiếp từ khách hàng cũng như hạn chế các vấn đề về giấy tờ/thủ tục, đổi lại một phần kinh phí cho các agency quảng cáo/truyền thông.
• Nền tảng Quảng cáo (Platforms): Chủ yếu là các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Instragram,..) và các diễn đàn. Các nền tảng cung cấp hệ thống quảng cáo theo dạng đấu thầu cho nhà quảng cáo để nội dung/sản phẩm được hiển thị tới người tiêu dùng. Chính mô hình kinh doanh đặc biệt này đã thay đổi hoàn toàn những quan điểm truyền thống về hoạt động Quảng cáo - Truyền thông vốn vô cùng tốn kém và chỉ có những doanh nghiệp lớn mới đủ khả năng thực hiện. Đặc biệt nhờ các nền tảng Quảng cáo này, nhiều cá nhân có kinh nghiệm và uy tính có thể tách khỏi doanh nghiệp và hoạt động độc lập (Freelancers) và tự tạo thu nhập cho chính mình thay vì phải làm việc cố định cho doanh nghiệp như trước.
• Đơn vị Tư vấn Chiến Lược (Consulting firms): Nhiều doanh nghiệp đã hướng tới mở rộng thêm dịch vụ Tư vấn (chiến lược, thương hiệu, xử lý khủng hoảng) để tạo mức biên lợi nhuận lớn hơn và có thể chủ động hơn trong việc định hướng hoạt động Quảng cáo - Truyền thông của Khách hàng thay vì để Khách hàng tự quyết như trước kia. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này hiện vẫn còn mới và yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng những nhu cầu phức tạp và mang tính lâu dài từ khách hàng.
• Đơn vị Nghiên cứu Thị trường (Research firms): các công ty Nghiên cứu Thị trường đóng vai trò quan trọng trong việc thấu hiểu hành vi của khách hàng và đánh giá hiệu quả các hoạt động Marketing từ doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp tiêu biểu tại thị trường Việt Nam có Nielsen trong nghiên cứu định lượng, Kantar WorldPanel trong nghiên cứu ngành bán lẻ/dịch vụ và BuzzMetrics trong phân tích dữ liệu mạng xã hội.