8. Cấu trúc đề tài
2.5.5. Các dạng địa hình đặc biệt, đánh giá những tài nguyên địa hình
phát triển du lịch
* Hang động karst
Trên cao nguyên đá chủ yếu là đá vôi chiếm diện tích 55-60% và địa hình cao trên 1000m, đây là khu vực hình thành hang động karst rất điển hình. Trên cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những khu vực thiếu nước trầm
trọng nhất Việt Nam. Nhiều chương trình tìm kiếm nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất đã được triển khai nhưng phần lớn chưa mang lại kết quả khả quan. Từ năm 2003 tới nay, Viện ĐCKS phối hợp với các nhà hang động Bỉ và các cán bộ tỉnh Hà Giang đã tiến hành 3 đợt khảo sát về địa chất karst và hang động ở đây. Kết quả đã phát hiện hàng trăm hang động. Các hệ thống hang này phân thành 3 bậc chính ở các độ cao lần lượt 1150m, 950m, 350m. Nhiều hang xứng đáng là di sản địa chất, vừa có thể khai thác du lịch vừa góp phần cung cấp nước sạch cho nhu cầu trong vùng.
Tại khu vực Đồng Văn thì khác với các vùng đá vôi khác như Ba Bể, Pu Luông, Phong Nha - Kẻ Bàng, Hạ Long v.v. với hang chủ yếu phát triển ngang, nhiều nhũ đá đẹp, nhưng ở cao nguyên đá Đồng Văn hang phát triển mạnh theo phương thẳng đứng, sạch, ít nhũ đá, cuối hang thường có một đoạn ngắn phát triển ngang. Các hang chủ yếu đều phát triển theo phương TB-ĐN và thường kết thúc ở độ cao trong khoảng 950-1050m.
Ở khu vực Mèo Vạc các hang phát hiện đến nay chủ yếu đều ngắn hoặc nông, thường bị tắc, trừ trường hợp một số hang ở khu vực Lũng Chinh khá sâu >300m và Lũng Pù > 100m. Giống như ở Đồng Văn, các hang sâu ở Mèo Vạc cũng khá sạch, ít phát triển nhũ đá, có nhiều hình thái do hoạt động của dòng chảy ngầm tạo nên.
Đến nay vẫn chưa tìm ra các điểm siphone chứa nước phản ánh độ sâu ngừng hoạt động của hang ở khu vực này Điều này cũng chứng tỏ rằng khu vực Mèo Vạc vẫn đang tiếp tục được nâng lên.
Nhiều hang động karst trên cao nguyên đá Đồng Văn rất đẹp và độc đáo, có thể triển khai các hoạt động du lịch khám phá các hang động tự nhiên đồng thời tìm hiểu về quá trình thành tạo chúng nhằm hấp dẫn khách du lịch điển hình là. Hang Khố Mỉ (Quản Bạ), hang Nà Luồng (Yên Minh), hang Ong (Đồng Văn)...
+ Hang Nà Luồng (Yên Minh)
Đặc điểm cửa hang rộng trên 30m được che phủ bởi rừng cây nghiến và dây leo chằng chịt, lòng hang rộng và sâu hàng nghìn mét. Khi đến đây du khách có thể chiêm ngưỡng những nhú đá đẹp ngay từ cửa hang và kéo dài suốt cả chiều dài và chiều rộng của hang. Dọc theo lối đi trong hang là những khối đá được karst được xâm thực mài mòn hòa tan bởi nước có hình thù giống cá, lợn rừng, trâu rừng rất độc đáo. Ngay từ khi được phát hiện hang Nà Luồng đã thu hút hàng ngàn du khách gần xa đến trong khắp cả nước đến để tham quan và khám phá.
+ Hang Khố Mỉ (Quản Bạ)
Là một hang đá vôi nằm ở xã Tùng Vài huyện Quản Bạ, cách thị trấn Tam Sơn 20km. Đây là một hang lớn phát triển theo chiều ngang và có thạch nhũ rất đẹp trên cao nguyên đá Đồng Văn, ngoài ra trong hang còn có di chỉ khảo cỏ rất đặc biệt thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học và cả người dân lẫn du khách đến khám phá vẻ đẹp huyền bí gắn liền với một truyền thuyết của hang động này.
+ Hang Lùng Khúy (Quản Bạ)
Hang nằm ở khu vực xã Quản Bạ gần với thị trấn Tam Sơn. Đây là một hang động rất đẹp, được cho là đẹp hơn các hang động đã có trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói chung và cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng. Hang có ba nhánh gồm một cửa chính và hai cửa phụ, hang mới được phát hiện và đặt tên theo thôn Lùng Khúy. Là một hang động có giá trị rất lớn về mặt địa chất, địa mạo và có tiềm năng rất lớn trong phát triển du lịch. Với vẻ đẹp hoang sơ nhiều nhũ đá lộng lẫy hình thù kì lạ đã tạo thành một vẻ đẹp thiên nhiên hiếm có. Càng đi sâu vào trong hang càng có nhiều loại nhũ đá với nhiều hình dạng khác nhau, tạo nên vẻ đẹp hoang sơ kì thú cho du khách khi đến với hang Lùng khúy.
Ngoài những hang động karst đẹp như trên thì ở cao nguyên đá Đồng Văn còn rất nhiều cảnh quan, các dạng địa hình đặc biệt tô điểm thêm sự hùng vĩ và hoang sơ của tự nhiên trên cao nguyên đá Đồng Văn, các dạng địa hình
này cũng là điểm nhẫn hấp dẫn khách du lịch khiến ai cũng muốn đến để trải nghiệm và khám phá như cụ thể như: đèo Mã Pì Lèng, Hẻm vực Tu Sản, Núi đôi Quản Bạ, tháp kim Pải Lủng, thung lũng Thủy Mặc, Núi Con Cò, hoang mạc đá Sảng Tủng, vườn đá Lũng Chinh, rừng đá Khâu Vai, vách Ảo Ảnh, Vây Rồng...
+ Danh thắng đèo Mã Pì Lèng
Là con đèo hùng vĩ thuộc một trong tứ đại đỉnh đèo của nước ta, đây là đoạn đèo dài 22km là con đường hạnh phúc nối giữa thị trấn Đồng Văn và Mèo Vạc. Đây là một đoạn đường nằm chênh vênh giữa một bên là vách núi cao dựng đứng, một bên là vực thẳm nhìn thẳng xuống dòng dông Nho Quế. Khi đi trên con đường này ta du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác mạo hiểm trước thiên nhiên và chiêm ngưỡng vẻ hùng vĩ của địa hình khi dừng chân bên điểm quan sát cạnh đèo Mã Pì Lèng. Đứng ở đây phóng tầm mắt ra xa là những núi non trùng điệp, những vách đá vôi cao vút trắng xóa, trên sườn thung lũng còn lộ di tích của các dòng sông cổ, các bậc thềm sông, phía bên dưới là dòng sông Nho Quế cuồn cuộn chảy nhìn từ trên cao xuống như một sợi chỉ xanh vắt ngang giữa đại ngàn.
+ Danh thắng Núi đôi Quản Bạ
Đây là một dạng địa hình được hình thành do quá trình phong hóa rất đặc biệt trên nền đá dolomit, khi hoạt động đứt gãy chạy qua khu vực đã làm tầng đá vôi bị dập vỡ dolomit hóa hình thành nên hai quả núi cân đối rất đẹp. từ trên điểm ngắm cổng trời Quản Bạ có thể quan sát rất rõ danh tháng này và thung lũng thị trấn Tam Sơn rất đẹp, đây là điểm quan sát không thể thiếu khi đến cao nguyên đá Đồng Văn.
+ Hẻm vực Tu Sản
Là điểm gần xóm Tu Sản xã Pải Lủng huyện Mèo Vạc, ta có thể quan sát rõ nhất hẻm vực này ở khu vực km 8 hướng từ Mèo Vạc đi Đồng Văn. Tại đây ta sẽ nhìn thấy thung lũng sông Nho Quế hình chữ V hẹp kéo dài chỗ sâu nhất của thung lũng đạt 800-900m. Những nơi dòng sông cắt qua khối đá vôi tạo
nên hẻm vực với hai vách dốc đứng. Đây được coi là hẻm vực hùng vĩ nhất đông dương và mức độ hoành tráng của nó có thể so sánh với hẻm vực lớn Grand Canyon ở bang Arizona(Hoa Kỳ). Địa hình chênh vênh sâu thẳm của hẻm vực luôn mang lại ấn tượng mạnh cuốn hút người xem trên cao nguyên đá.
+ Tháp kim Pải Lủng
Tại xã Pải Lủng huyện Mèo Vạc trên đường tỉnh lộ nối Đồng Văn - Mèo Vạc trên đỉnh quả núi dạng chóp có một tháp đá vôi dạng kim nhọn đầu dựng đứng. Đây là dạng địa hình đá vôi cực hiếm vì thông thường đá vôi không tạo tháp dạng kim trên đỉnh núi, và hiện nay tháp kim Pải Lủng đã góp phần làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ của cảnh quan khu vực đèo Mã Pì Lèng cũng như cảnh quan cao nguyên đá Đồng Văn.
+ Núi Con Cò
Đây là quả núi dạng chóp điển hình trước dinh thự nhà vương tại xã sà phìn huyện Đồng Văn. Quả núi được gọi là núi con Cò vì đỉnh núi nhọn đến mức mà theo dân gian khi đậu lên đỉnh núi này con Cò chỉ đặt xuống đó được một chân và một chân phải co lại. Đây cũng là một trong những nhiều ngọn núi karst dạng chóp rất điển hình trên cao nguyên đá Đồng Văn mà hầu như không thể gặp ở những vùng karst khác. Nó góp phân tạo nên cảnh quan độc đáo cho vùng cao nguyên đá Đồng Văn.
+ Thung lũng Thủy Mặc (xã Mậu Long)
Đây là một thung lũng karst rất đẹp hiện ra ngay bên trái đường trên đoạn đường từ huyện Mèo Vạc đi Yên Minh.Những ngọn núi xa gần mờ ảo ẩn hiện trong sương đã tạo cho nơi đây không khác gì một bức tranh thủy mặc tuyệt vời. Đây sẽ là điểm dừng chân thú vị của du khách và các nhà nhiếp ảnh.
+ Hoang mạc đá Sảng Tủng
Ngay dọc hai bên đường đi xã Sảng Tủng, nhiều ngọn núi đá vôi của vùng cao nguyên đá Đồng Văn có dạng nón, chóp karst xếp nối tiếp nhau, trên bề mặt trơ trụi, chủ yếu là các tảng đá nằm lăn lóc. Đây là dạng địa hình được hình thành trong điều kiện đặc biệt của khí hậu địa phương cũng như thành
phần địa chất, thành phần của đá trên cao nguyên này, đã làm cho khu vực hình thành kiểu hoang mạc đá rất điển hình ít nơi nào có. Dọc khu vực phía bắc nước ta cũng ở cùng độ cao này như một vài nơi ở Cao Bằng, thậm chí còn có khu vực ở độ cao lớn hơn như dãy Hoàng Liên sơn thì vẫn có lớp phủ thực vật trên bề mặt địa hình. Nhưng trên cao nguyên đá thì hoàn toàn không có điều này đã tạo cho nhiều ngọn núi dạng chóp bị nhuốm một màu xám đen rêu phong tạo cảnh quan hoang mạc đá rất đặc biệt chỉ có trên cao nguyên đá Đồng Văn mà không thấy ở những nơi khác.
+ Vườn đá Lũng Chinh
Nằm trên xã Lũng Chinh, đây là dạng địa hình do quá trình phong hóa rửa trôi để lại những cột đá dựng đứng lô xô đa dạng tạo nên những cảnh quan đẹp, khoảng không gian giữa các cột đá khi khép, khi mở tạo ra khoảng không gian thú vị khi du khách dạo chơi trong vườn đá này. Đặc biệt ở đây ta có thể tìm thấy những tảng đá mang hình thù thú vị rất hấp dẫn sự tò mò khám phá của du khách khi đến đây.
+ Rừng đá Khâu Vai
Nằm trong địa phận xã Khâu Vai, trên đoạn đường từ Lũng Pù đi Khâu Vai. Khu vực này có những điểm phát triển địa hình karst dạng ca rư rất độc đáo và đa dạng. khu vườn đá này rộng khoảng 1000m2, gồm nhiều khối đá bị rửa lũa tạo thành hình thù rất đẹp, có những dãy đá bên dưới phình to bên trên rất nhỏ và trên chóp giống như bông hoa đang nở. Đây là điểm dừng chân thú vị trong tuyến đi Khâu Vai - Lũng Pù. Ngoài ra còn có những vườn đá khác cảnh quan rất đẹp như vườn đá ở Lũng Táo, Sáng Ngài, Nậm Sọoc... cột đá thường có chiều cao từ 6-15m, trên đỉnh các cột đá thì các ca ren phát triển khá dày. Mặc dù các cột đá ở đây không cao như ở Côn Minh và Quế Lâm (Trung Quốc), nhưng trên cao nguyên đá Đồng Văn rừng đá cũng tạo nên được cảnh quan đặc sắc không kém cảnh quan hoang mạc đá rất hấp dẫn du khách.
+ Vách đá Ảo Ảnh
Đây là dạng địa hình rất độc đáo và kỳ thú, do địa hình là vách cao dựng đứng ngăn cách bởi một thung lũng nên khi đứng nhìn đã tạo cho ta cảm giác vách đá rất gần, nhưng thật ra không phải vậy. Rất nhiều người đã thử sức ném một hòn đá mà không bao giờ sang đến vách đá bên kia. Nhìn vách đá trước mặt đã tạo cho người nhìn ảo giác " gần mà xa". Khiến bất kì ai đến đây cũng muốn tự mình ném thử.
+ Vây Rồng
Thực chất đây là những đỉnh núi có độ cao đồng đều sắp xếp thành chuỗi, đây là phần còn sót của bề mặt san bằng cổ. Địa hình này luôn gây chú ý và đặt ra nhiều câu hỏi cho những ai ham tìm hiểu về những điều kỳ diệu của thiên nhiên. Đặc biệt liên quan đến các chuyển động kiến tạo ở các thời kỳ khác nhau, điều này luôn thu hút du khách và các nhà khoa học đến tham quan và tìm hiểu về các dạng địa hình đặc biệt này.
+ Mắt Rồng (xã Lúng Cú)
Đây là một hiện tượng karst rất độc đáo, ở hai bên của ngọn núi nơi dựng cột cờ một biểu tượng thiêng liêng của tổ quốc, có hai hố nước sâu. Chế độ nước thất thường. Theo tìm hiểu qua thông tin từ người dân quanh vùng thì hai ao nước này có khi tự dưng tràn nước làm ngập cả một khu vực lớn vào mùa khô. Khi vào mùa mưa thì hai ao nước này lại là nơi hút nước cho cả vùng không bị lũ quét. Đây có thể là hai giếng karst rất đặc biệt cần được nghiên cứu tìm hiểu thêm. Theo truyền thuyết của vùng thì hai ao nước này được vĩ như hai mắt của con Rồng. Ngọn núi nơi dựng cột cờ giống như một đầu Rồng, còn những ngọn núi mờ xa xếp thành từng lớp tựa như vây Rồng, mình Rồng đang uốn lượn ôm trọn lấy vùng cao nguyên đá Đồng Văn.
2.6. Đánh giá các dạng địa hình trên cao nguyên đá đối với việc phát triển du lịch