Địa hình karst

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu địa hình cao nguyên đá đồng văn tỉnh hà giang phục vụ phát triển du lịch (Trang 25 - 27)

8. Cấu trúc đề tài

1.3.2. Địa hình karst

* Khái niệm karst

Karst bao hàm tổng thể các dạng địa hình độc đáo và các quá trình tạo ra chúng, chủ yếu là các quá trình rửa trôi, hòa tan của nước trên mặt và nước ngầm đối với những loại đá có nhiều kẽ nứt, lỗ hổng có thể hòa tan được. Hiện tượng karst biểu hiện trong địa hình qua những khía cạnh sau:

Tạo ra hệ thống thủy văn ngầm và hệ thống thủy văn trên mặt độc đáo, khác hẳn với địa hình xâm thực do nước chảy thông thường.

Tạo ra những dạng địa hình rỗng trên mặt và ngầm dưới đất trong khối đá bị karst hóa.

Tạo ra những địa hình âm trên bề mặt và những dạng địa hình rỗng ngầm dưới đất, trong những khối đá không hòa tan nằm bên trên hoặc vây quanh các khối đá bị karst hóa.

Địa hình karst không những là kiểu địa hình độc đáo mà còn là một cảnh quan, một loại môi trường tự nhiên đặc biệt. Tính độc đáo này thể hiện rõ ngay cả khi ta quan sát từ xa.

* Ca rư

Ca rư còn được gọi là đá tai mèo hay ngọn đá, rãnh đá. Là những dạng địa hình lởm chởm thường thấy trên bề mặt đá vôi. Chúng có kích thước to nhỏ khác nhau, phân cách với nhau bởi những rãnh sâu từ một vài centimet đến vài mét. Địa hình ca rư phát triển làm cho bề mặt sườn có hình răng lược và rất hiểm trở.

Các ca rư thường tạo thành những luống sắp xếp hỗn độn không theo quy luật nào cả. Địa hình ca rư phát triển ở mọi độ cao từ dải bờ biển đá vôi cho tới những đỉnh núi cao có băng tuyết bao phủ. Khi ca rư phát triển trên diện tích lớn chúng tạo thành cánh đồng ca rư.

Nhìn chung ca rư là dạng địa hình trên mặt, nhưng cũng có cả loại ca rư ngầm, thường hình thành trong các dòng dông ngầm hoặc hang động hoặc phát triển ngầm bên dưới lớp trầm tích vụn bở.

* Giếng, phễu, đĩa karst, cánh đồng karst

Trong các vùng karst thường gặp rất nhiều các dạng địa hình âm với kích thước và hình dạng khác nhau. Các địa hình này được đặt tên chủ yếu dựa theo hình dạng và kích thước.

- Trước hết phải kể đến lạc thủy động. Đó là những hố sâu những lỗ hút nước, thường nằm ở đáy các hố trũng karst và giữ vai trò là hang tiêu nước. Đầu tiên chúng chỉ là những kẽ nứt được mở rộng dần do tác dụng hòa tan và bào mòn của nước. Vì nước đi xuống thường xoáy mạnh nên chúng bị bào mòn có dạng hình tròn, hình ống.

- Hố karst hình phễu. Đây là dạng hố trũng karst phổ biến nhất trên bề mặt các khối karst. Do hình dạng mặt cắt ngang của mình nên chúng được gọi là phễu karst, thường có dạng hình tròn hoặc hình bầu dục. Nếu lạc thủy động dưới đáy phễu đã ngừng hoạt động và bị trầm tích vụn lấp kín thì phếu karst có thể biến thành hồ.

- Đĩa karst đây là dạng địa hình thường rất nông, đáy rất thoải, hơi lõm, sườn thoải và chuyển tiếp rất từ từ vào bề mặt bao quanh.Trong đại bộ phận trường hợp đáy đĩa karst thường có lớp trầm tích vụn bở bao phủ.

- Giếng karst là dạng địa hình ít gặp hơn so với phễu karst. Đường kính loại địa hình này có thể rộng hàng chục mét, độ sâu lớn, vách dốc đứng, lởm chởm, dưới đáy có nhiều đá tảng chồng chất có lạc thủy động đang hoạt động tích cực. Loại địa hình này do những đoạn hang thẳng đứng đã được mở rộng và sụt nóc tạo thành.

- Cánh đồng karst là những bồn trũng có nguồn gốc karst với kích thước tương đối lớn, thông thường chúng hình thành ở những diện tích đá vôi bị kiến tạo làm biến vị mạnh và dọc theo các đứt gãy. Tuy nhiên chúng cũng có thể gặp cả ở những khu vực đá vôi có cấu trúc khác.Đặc điểm hình thái của cánh đồng karst là có đáy phẳng và rộng, có lớp trầm tích vụn bở bao phủ, vách cao dốc đứng.Đôi khi trên đáy bằng phẳng có thể gặp những dòng sông nhỏ uốn khúc mạnh, và đây đó còn nhô lên những ngọn đá vôi kích thước nhỏ.

* Hang động karst

Hang động là những dạng rỗng có kích thước và hình dáng rất đa dạng. Hình thành bên trong các khối nham gốc, thông với mặt đất bằng một cửa hoặc nhiều cửa.chúng có thể có nguồn gốc khác nhau. Ở các miền đá vôi thì hang động karst là một trong những dạng địa hình phổ biến nhất.

Về nguồn gốc thành tạo thì hang động karst chủ yếu do quá trình hòa tan đá vôi tạo thành. Sự ra đời và sắp xếp của hang động đá vôi được định sẵn bởi các khe nứt, và nước trên bề mặt theo các khe nứt này thấm vào sâu bên trong các khối karst và dần dần mở rộng tạo thành hệ thống kênh ngầm phức tạp, xen lẫn các đoạn mở rộng và nhiều khi sắp xếp thành những tầng cao thấp khác nhau. Thông thường hang động karst chỉ hình thành trong đới lưu thông nước ngầm theo chiều nằm ngang tương ứng với gốc xói mòn địa phương. Như vậy, khi thấy có hiện tượng hang động nhiều tầng thì ta phải phân tích để tìm nguyên nhân mà rất có thể đó là do vận động kiến tạo mới gây ra.

+ Hang động karst được chia làm 3 loại:

- Hang thông gió. Là hang có hai cửa thông với không khí bên ngoài. - Hang nóng. Thuộc nhóm hang cụt, chỉ có một lối thông với bên ngoài ở ngang mực đáy.

- Hang lạnh. Cũng thuộc nhóm hang cụt nhưng có cửa thông với bên ngoài nằm ở vị trí đỉnh hang.

Ngoài ra trong hang động còn có các dạng địa hình như: chuông đá, măng đá, trụ đá...

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu địa hình cao nguyên đá đồng văn tỉnh hà giang phục vụ phát triển du lịch (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)