Trước hết, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức được ra đời vào ngày 11/07/1998, theo Nghị định số 48/CP về Chứng khoán và Thị trường chứng khoán. Cùng
với đó, quá trình phát triển của hai Trung tâm giao dịch chứng khoán (nay là Sở giao dịch chứng khoán) được tóm gọn cụ thể như sau:
a) Giai đoạn từ năm 2000 - 2009
Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành Phố Hồ Chí Minh (HOSE) được thành lập theo Quyết định số 127/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hai năm sau, vào ngày 28/07/2000, phiên giao dịch đầu tiên với 2 mã cổ phiếu niêm yết đã chính thức được tổ chức tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, đánh dấu một bước ngoặt
lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) được thành lập theo Quyết định số 127/1998/QĐ-TTg và khai trương hoạt động vào ngày 08/03/2005. Ngày 24/06/2009,
Sở Giao Dịch Chứng Khoán Hà Nội chính thức ra mắt theo Quyết định số 01/2009/QĐ-
TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở chuyển đổi, tổ chức lại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội, hoạt động với mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước (đại diện là Bộ Tài chính) làm chủ sở hữu.
Giai đoạn 2000 - 2005 là giai đoạn khởi động của thị trường chứng khoán. Nhìn chung, đây là giai đoạn hoạt động khá trầm của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong
suốt thời kỳ từ 2000 - 2005, vốn hóa thị trường chỉ đạt trên dưới 1% GDP.
Kể từ năm 2006, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu khởi sắc và đã có bước
tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng công ty niêm yết lẫn doanh số giao dịch. Thị trường
chứng khoán đã có sự tăng trưởng không chỉ về quy mô niêm yết mà cả về tính thanh khoản của thị trường.
Năm 2008 đánh dấu sự giảm mạnh của thị trường, khủng hoảng tài chính thế giới ảnh hưởng đến sự phát triển toàn cầu. Từ đây, tăng trưởng GDP giảm từ mức 8,46% xuống còn khoảng dưới 6%, CPI tăng ở mức hai con số, chỉ số VN-Index lúc này giảm mạnh từ khoảng 900 điểm tới vùng 300 điểm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) suy giảm lớn về lượng.
Năm 2009, dù kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng là một năm phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam. Cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đã phục hồi mạnh trên 50%. Số lượng công ty mới niêm yết tăng đột biến, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp lớn được niêm yết trên sàn. Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội chuyển đổi thành Sở giao dịch chứng khoán và sàn UPCom được thành lập. Khi nền kinh tế trong nước và thế giới bắt đầu hồi phục nhẹ từ quý II/2009, chỉ số giá chứng khoán đã bắt đầu tăng trở lại cùng với số lượng các công ty niêm yết trên thị trường cũng gia tăng nhanh chóng. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu tính đến cuối năm 2009 đã đạt 37,71% GDP.
b) Giai đoạn 2010 - 2018
Từ năm 2010 đến năm 2012, những bất ổn về vĩ mô như lạm phát, lãi vay và chi phí đầu vào ở mức cao nhất trong nhiều năm trước đó. Cùng với đó là tín dụng bị thắt
chặt làm cho kết quả kinh doanh các doanh nghiệp không khả quan, dòng tiền đổ vào chứng khoán giảm và giá cổ phiếu liên tục đi xuống.
Sang năm 2013, thị trường chứng khoán dần phục hồi sau thời gian dài liên tục giảm mạnh. Các chính sách vĩ mô được Chính phủ ban hành nhằm cải thiện tình hình kinh tế tác động không nhỏ đến tâm lý các nhà đầu tư. VN-Index có bước tăng nhanh khi xuất hiện nhiều giao dịch có phiên khớp lệnh tới cả trăm triệu cổ phiếu.
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2014 có diễn biến rất khả quan xét về các phương diện tốc độ tăng chỉ số, mức độ ổn định, khối lượng giao dịch và phản ánh khá rõ nét những chuyển biến tích cực trong nền kinh tế. Thị trường phát triển theo chiều hướng tăng trưởng, mặc dù xen kẽ những khoảng điều chỉnh giảm.
Năm 2015, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm. Tuy nhiên
thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2015 được đánh giá là điểm sáng thu hút dòng vốn gián tiếp so với các nước trong khu vực.
Năm 2016 là năm có nhiều khởi sắc đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị
trường đã duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt và nằm trong “Top” 5 thị trường có mức tăng trưởng cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Năm 2016, công tác huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Năm 2017, nền kinh tế trong nước có nhiều dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Năm 2017, kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định và có mức phục hồi cao hơn trong năm 2016. Nền kinh tế trong nước với nhiều điều kiện thuận lợi như: Tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam vẫn giữ nhịp tăng trưởng ở mức cao; tiếp tục có nhiều doanh nghiệp
lên sàn; Đà tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tích cực; Lạm phát được
kiểm soát ở mức hợp lý; Tín dụng tăng trưởng tốt, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện... là những động lực cho thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng
và thu hút các nhà đầu tư.
Năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một khởi đầu triển vọng với thanh khoản của toàn thị trường tiếp được cải thiện và chỉ số trung bình chứng khoán cũng đồng thời tăng mạnh. Tăng trưởng của VN-Index trong quý I đã được công nhận là chỉ số tăng tốt nhất trên thị trường thế giới với mức tăng gần 22%. Tuy nhiên, những
biến động về kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước đã có ảnh hưởng tiêu cực mạnh đến thị trường ở các quý tiếp theo. Mặc dù trong bối cảnh như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đạt được nhiều thành tích tích cực. Trong đó, thị trường chứng khoán Việt
Nam đã được lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE và cùng với đó là sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô của thị trường chứng khoán phái sinh sau 1 năm hoạt động.
Có thể thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng lên thành thị trường mới nổi. Đây sẽ là một bước thay đổi rất quan trọng về chất lượng và vị thế thị trường Việt Nam. Mục tiêu đặt ra đối với thị trường chứng khoán Việt Nam Việt Nam đến năm 2020 là quy mô thị trường cổ phiếu sẽ tăng gấp đôi hiện nay, đạt khoảng 60% GDP. Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ ngày càng khẳng định một cách vững chắc hơn về vai trò huy động, phân bổ vốn trong nền kinh tế.
1.4.2. Tính hiệu quả của thị trường chứng khoán Việt Nam
Qua bài nghiên cứu của Nguyễn Hà My (2018) với chủ đề “Kiểm định tính hiệu quả dạng yếu của thị trường chứng khoán Việt Nam dựa trên cơ sở lý thuyết thị trường hiệu quả”, tác giả đã chứng minh được thị trường trường chứng khoán Việt Nam tính đến thời điểm năm 2018 không đạt mức hiệu quả dạng yếu. Trong đó, bằng phương pháp kiểm định tương quan, kiểm định hồi quy và kiểm định đoạn mạch (run test), Nguyễn Hà My (2018) đã bác bỏ giả thiết thị trường chứng khoán Việt Nam đạt hiệu quả dạng yếu. Nói cách khác, kết quả kiểm định thị trường chứng khoán Việt Nam không
đạt hiệu quả dạng yếu giúp cho nhà đầu tư có thể sử dụng những phương pháp nghiên cứu, phân tích thị trường nhằm lựa chọn đầu tư, kiếm được lợi nhuận bất thường từ thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam không đạt hiệu quả dạng yếu, tức là nhà đầu tư có thể dự đoán được giá hay tỷ suất sinh lời của chứng khoán bằng giá hay tỷ suất sinh lời trong quá khứ. Trong đó, những yếu tố có thể làm thay đổi giá chứng khoán trong thị trường không đạt hiệu quả dạng yếu là thông tin trong quá khứ, thông tin mới xuất hiện và thông tin nội bộ.
Có thể nói, phát hiện này của tác giả Nguyễn Hà My (2018) đã đóng góp một phần
quan trọng đối với các nghiên cứu sau này đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này giúp cho các nhà phân tích nói chung có thể sử dụng dữ liệu quá khứ để áp 19
dụng phương pháp phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản và quản trị danh mục đầu tư một
cách linh hoạt để tìm kiếm lợi nhuận bất thường từ việc đầu tư chứng khoán. Mặt khác, đối với bài khóa luận của tác giả nói riêng, phát hiện này có tác dụng rút ngắn quá trình kiểm định nghiên cứu và là cơ sở để tiếp tục thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu hơn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
1.5. Ket quả các nghiên cứu liên quan đến đề tài
Bài khóa luận với đề tài “Bất thường trong hành vi đầu tư theo các chu kỳ mặt trăng và ý nghĩa hiệu quả của thị trường chứng khoán Việt Nam” là một trong những đề tài thuộc lĩnh vực nghiên cứu về các tác động của yếu tố khách quan mà cụ thể là yếu tố
mặt trăng đến thị trường chứng khoán và giá cả của một số công cụ đầu tư khác. Có thể thấy, đây là đề tài có số lượng các bài nghiên cứu không nhiều bởi đa số các nhà đầu tư thường không chú ý đến ảnh hưởng của mặt trăng có thể tác động một cách gián tiếp đến hành vi đầu tư của mình. Do đó, hiệu ứng của các chu kỳ mặt trăng chỉ mới được ghi nhận trong khoảng thời gian gần đây với các kết quả nghiên cứu còn hạn chế.
Cụ thể, một trong những phát hiện đầu tiên có thể kể đến bài nghiên cứu của Dichev
và Janes (2003) khi đã chỉ ra dấu hiệu tồn tại của hiệu ứng mặt trăng trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. Trong đó, các bằng chứng thực nghiệm từ quá trình phân tích của
họ đã cho thấy tỷ suất lợi nhuận của cổ phiếu có xu hướng giảm trong những ngày gần ngày trăng tròn so với trong những ngày gần ngày trăng non. Dựa vào đó, họ kết luận rằng mặt trăng có thể chi phối hành vi đầu tư của con người, đặc biệt trong thời điểm trăng tròn.
Tương tự, Yuan và các cộng sự (2006) cũng một lần nữa kiểm định lại sự tồn tại của hiệu ứng và công nhận với kết quả thu được cho thấy thị trường chứng khoán có phản ứng lại với các chu kỳ của mặt trăng. Cụ thể, bằng phương pháp sử dụng mô hình hồi quy gộp để kiểm định sự tương quan giữa các chu kỳ mặt trăng và tỷ suất sinh lời trung bình cổ phiếu của 48 quốc gia, họ đã một lần nữa chứng minh được tỷ suất lợi nhuận của cổ phiếu vào những ngày quanh ngày trăng tròn thường thấp hơn so với tỷ suất thu được vào những ngày trăng non. Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hiệu ứng chu kỳ mặt trăng nhìn chung có ảnh hưởng một cách đồng đều đối với hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới và tồn tại một cách độc lập.
Một bài nghiên cứu khác của Dowling và Lucey (2008) còn sử dụng cái yếu tố như
thời tiết và nhịp sinh học (bao gồm cả chu kỳ Mặt Trăng) để nghiên cứu về mối quan hệ giữa tâm trạng con người và việc định giá vốn chủ sở hữu. Trong đó, các đối tượng thực hiện nghiên cứu bao gồm các chỉ số chính và chỉ số của nhóm doanh nghiệp có vốn
hóa nhỏ tại nước Anh trong giai đoạn từ ngày 12 tháng 12 năm 1994 đến ngày 10 tháng 11 năm 2004. Để thực hiện xử lý dữ liệu nghiên cứu, hai nhà nghiên cứu đã sử dụng mô
hình ARMA (1,1) và Leveraged-GARCH(1,1) với phân phối Error được khái quát hóa (giả định với các chỉ số chính của nước Anh), mô hình ARMA (1,1) - EGARCH (1,1) và mô hình ARCH lấy trung bình và kết hợp phân phối t-Error (giả định với chỉ số của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ của nước Anh). Tuy nhiên, Dowling và Lucey (2008) đã gặp phải vấn đề trong việc diễn giải kết quả nghiên cứu của họ về hiệu ứng chu kỳ Mặt Trăng khi mà các nghiên cứu đối với chỉ số chính có tính thống kê cao hơn và áp đảo các nghiên cứu đối với chỉ số của nhóm vốn hóa nhỏ.
Bên cạnh đó, một bài nghiên cứu khác của Lucey (2010) khi mở rộng đối tượng nghiên cứu đối với các tài sản tài chính khác đã chứng minh được sự ảnh hưởng của chu
kỳ Mặt Trăng đến tỷ suất lợi nhuận thu được trên hai loại kim loại quý là Bạc và Bạch Kim với số quan sát được thu thập trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 1998 đến tháng 9 năm 2007. Đồng thời, họ cũng tiếp tục ghi nhận khoảng chu kỳ trăng tròn thường
mang lại những tin tức xấu đối với tỷ suất lợi nhuận của nhóm các loại kim loại quý. Không chỉ dừng lại ở đó, Keef và Khaled (2011) sau khi áp dụng phương pháp bình phương tối thiểu đơn giản (OSL) đã xác nhận rằng biến “Trăng Tròn” bị mất đi tính thống kê khi được xét cùng với tỷ suất lợi nhuận theo ngày của 62 chỉ số trung bình
chứng khoán trên thế giới. Đồng thời, họ đã phát hiện rằng hiệu ứng Chu kỳ Mặt Trăng có dấu hiệu bị ảnh hưởng nhẹ bởi hiệu ứng Niên lịch như hiệu ứng tháng Giêng và hiệu ứng giữa các ngày chuyển giao từ tháng này sang tháng tiếp theo.
Cuối cùng, bài nghiên cứu gần đây của Floros và Tan (2013) lại chỉ ra rằng tại các thị trường chứng khoán khác nhau sẽ chịu ảnh hưởng của hiệu ứng chu kỳ mặt trăng với
một mức độ khác nhau. Ngoài ra, hai nhà nghiên cứu còn cân nhắc sự tồn tại song song và ảnh hưởng lẫn nhau của các hiệu ứng Niên Lịch khác đối với hiệu ứng chu kỳ mặt trăng. Kết quả từ công trình nghiên cứu của họ đã cho thấy ảnh hưởng của các hiệu ứng
Niên Lịch như hiệu ứng Thứ Hai và hiệu ứng Tháng Giêng có thể lấn át ảnh hưởng của các hiệu ứng chu kỳ mặt trăng. Cụ thể, thông qua việc xử lý dữ liệu là các chỉ số trung bình chứng khoán tại 59 thị trường quốc tế bao gồm cả thị trường thuộc nhóm phát triển
và nhóm thị trường mới nổi, kết quả chỉ tìm thấy tác động của trăng tròn lên 6 thị trường
và hiệu ứng trăng non trên 8 thị trường. Tuy nhiên, trong đó chỉ có duy nhất 5 thị trường
có phản ứng tích cực đối trong giai đoạn trăng non và chỉ có 1 trường hợp duy nhất được
tìm thấy có sự phản ứng tiêu cực trong chu kỳ trăng tròn.
Có thể thấy, các kết quả liên quan đến đề tài nhìn chung đều đồng thuận trong việc
ghi nhận sự tồn tại của các hiệu ứng chu kỳ mặt trăng trên thị trường tài chính. Bên cạnh
đó, các kết quả cũng cho thấy hành vi đầu tư của các cá thể tham gia vào thị trường có thể bị ảnh hưởng nhất trong giai đoạn chu kỳ trăng non. Như vậy, tham khảo từ các kết quả nghiên cứu của công trình trước, bài khóa luận sẽ tiếp tục thực hiện kiểm chứng lại sự tồn tại của những bất thường này đối với một số thị trường cụ thể và với một số công
cụ đầu tư khác. Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, kết quả của bài khóa luận được kỳ vọng sẽ có sự thống nhất với nhận định của những bài nghiên cứu trước và có thể có thêm những đóng góp tích cực khác.
1.6. Hạn chế của các nghiên cứu trước và khoảng trống tri thức
Có thể nói, đề tài mà bài khóa luận lựa chọn để thực hiện tính đến thời điểm năm 2019 vẫn còn số lượng các bài nghiên cứu còn giới hạn. Mặc dù các công trình nghiên cứu trước có cùng đề tài đều để lại nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế thế giới nhưng, thực tế cho thấy những nghiên cứu này vẫn còn tồn đọng một số hạn chế nhất định.
Xét tới thời điểm năm 2019, những bài viết chứng minh sự ảnh hưởng của mặt trăng thường được thực hiện kiểm định chủ yếu đối với thị trường chứng khoán thông qua chỉ số chứng khoán trung bình của các quốc gia trên thế giới. Điều này gặp phải hạn
chế khi các hiệu ứng của chu kỳ mặt trăng được ghi nhận trên thị trường chứng khoán chỉ mang thời điểm và khu vực nhất định. Nói cách khác, do chứng khoán trên thị