1.3. Các rủi ro ro trong hoạt động thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ
1.3.1. Khái niệm rủi ro
Rủi ro là một khái niệm phong phú vì có rất nhiều cách khác nhau để định nghĩa cho khái niệm này. Nhìn chung các quan điểm này được chia theo hai trường phái là theo quan điểm truyền thống và theo quan điểm hiện đại.
Theo trường phái truyền thống, người ta coi rủi ro là sự không may mắn, là những tổn thất và mất mát. Có rất nhiều học giả đã đưa ra các định nghĩa khác nhau. Allan H.Willett cho rằng “rủi ro là sự không chắc chắn về tổn thất” trong khi đó Irving Pfeffer đã viết trong sách cùa mình là “rủi ro là khả năng xảy ra tổn thất”. Các định nghĩa này tương đối giống nhau và đều xem rủi ro là những điều không tốt xảy đến một cách bất ngờ. Dưới điểm nhìn của doanh nghiệp thì rủi ro là sự mất mát về tài sản, sự giảm lợi nhuận kỳ vọng. Cụ thể hơn họ nhìn nhận rủi ro là những bất trắc ngoài ý muốn xảy ra trong quá trình kinh doanh, sản xuất, gây tác động xấu đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Theo trường phái hiện đại, rủi ro là sự bất trắc có thể đo lường được và bao hàm cả nghĩa tích cực và tiêu cực. Điều đó có nghĩa là rủi ro theo trường phái này vừa mang đến những tổn thất mất mát nhưng cũng đồng thời có thể mang đến những cơ hội. Như vậy đối với doanh nghiệp, người ta có thể tìm ra những biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro tiêu cực, đồng thời đón nhận những cơ hội mang lại kết quả tốt đẹp cho tương lai. So với trường phái truyền thống, khái niệm rủi ro ở trường phái hiện đại mở rộng hơn về mặt tích cực.
Từ những định nghĩa trên ta có thể tổng kết lại rằng rủi ro là một tình huống khách quan mà khi nó xảy ra sẽ dẫn tới những kết quả sai lệch bất lợi với kỳ vọng ban đầu. Bản chất của rủi ro là sự không chắc chắn, có ít nhất hai kết quả có khả năng xảy ra và có ít nhất một khả năng đưa đến một kết quả không mong muốn. Những sự kiện rủi ro bất lợi xảy ra gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc kinh doanh và buộc doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí để khắc phục và phòng ngừa rủi ro.
Đặc biệt, rủi ro trong trao đổi hàng hóa quốc tế lại càng gây nhiều trở ngại do sự khác biệt, sự ảnh hưởng của môi trường bên ngoài và tính phức tạp của giao dịch đã mở ra nhiều rủi ro mới khó kiểm soát. Chúng ta biết rằng hoạt động kinh doanh quốc tế luôn luôn tồn tại sự khác biệt về điều kiện địa lý, tình hình kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán, pháp luật, chính trị,... mà doanh nghiệp phải tìm cách thích ứng để tồn tại. Lý do các rủi ro trong hoạt động kinh doanh quốc tế thường khó kiểm soát hơn là bởi đặc thù của môi trường kinh doanh quốc tế. Đó là:
- Môi trường đa dạng và phức tạp
- Chịu sự điều tiết của đồng thời nhiều nguồn luật - Đối tác ở các quốc gia khác nhau
- Giao dịch gián tiếp đóng vai trò chủ yếu
- Hàng hóa và chứng từ phải chuyển giao trong thời gian dài và ở khoảng cách địa lý xa
- Thường phải chuyển đổi từ đồng tiền này sang đồng tiền khác
Các doanh nghiệp kinh doanh quốc tế đồng thời vừa phải tìm chiến lược kinh doanh cho phù hợp với môi trường nước ngoài, vừa phải đưa ra các hành động để hạn chế
tối đa tác động của rủi ro. Bởi vì rủi ro trong thương mại quốc tế khi xảy ra sẽ để lại hậu quả rất nghiêm trọng và chi phí để khắc phục không hề nhỏ.