Kinh nghiệm giảm nghèo của một số huyện ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp giảm nghèo bền vững cho hộ nông dân trên địa bàn xã mỹ hưng huyện phục hòa tỉnh cao bằng​ (Trang 25 - 26)

a. Kinh nghiệm của huyện Quảng Uyên tỉnh Cao Bằng

Huyện Quảng Uyên có 4.233 hộ nghèo, chiếm 43,55% (thời điểm cuối năm 2016), tỷ lệ hộ nghèo tăng so với tiêu chí giảm nghèo cũ. Bộ tiêu chí đánh giá hộ nghèo mới nhằm giúp hộ nghèo tiếp cận đầy đủ hơn dịch vụ xã hội cơ bản, như: Y tế, giáo dục, văn hóa, tín dụng... nhưng cũng là thách thức lớn đối với một huyện còn nhiều khó khăn như Quảng Uyên. Tuy nhiên, với rất nhiều nỗ lực, năm 2017, toàn huyện đã giảm được 4,39% hộ nghèo (từ 43,55% giảm xuống còn 39,16%).

Theo ông Nông Văn Thông- phó chủ tịch UBND huyện Quảng Uyên, muốn giảm nghèo bền vững thì trước hết phải làm thay đổi nhận thức, giúp người dân có ý chí vươn lên thoát nghèo. Cùng đó là phải tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo được tiếp cận các nguồn vốn, tín dụng để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, trong đó có việc đa dạng hóa chương trình cho vay vốn; gắn vay vốn, tín dụng với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo. Năm 2017, hơn 5.400 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trong huyện được Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay tín dụng ưu đãi trên 60 tỷ đồng.

Giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo là thực hiện tốt chính sách đào tạo, dạy nghề cho lao động, tạo việc làm mới và xuất khẩu lao động. Năm 2017, toàn huyện dạy nghề cho 197 lao động nông thôn, giải quyết việc làm mới cho 273 lao động, 8 người được đi xuất khẩu lao động.

Cùng đó, hơn 31.000 người nghèo, người dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế; gần 2.000 hộ nghèo được cấp gạo cứu đói giáp hạt và cứu đói tết, hơn 14.000 người nghèo được hỗ trợ tiền trực tiếp theo Quyết định 102/QĐ-TTg.[22]

b. Xóa đói giảm nghèo tại huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng

Trung tá Lục Văn Thụ là cán bộ biên phòng tăng cường xã Quang Long (huyện Hạ Lang). Trước kia, nơi đây còn là khu đất hoang. Mất bao công sức của cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng Quang Long vừa vận động, vừa trực tiếp lao động cùng bà con, người dân Bản Kiểng mới biết trồng lúa nước. Nơi biên giới Quang Long, đồng bào dân tộc Tày, Nùng lắm nỗi thiệt thòi, bởi giao thông cách trở, khí hậu khắc nghiệt, thiếu cơ hội học tập, tiếp thu các tiến bộ KHKT, người dân mưu sinh vất vả, đói nghèo lại còn nặng tập tục lạc hậu.

Quyết tâm cùng địa phương nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, các chiến sĩ biên phòng phải kiên trì vận động, từ những việc tưởng như rất nhỏ như khi ốm thì không mời thầy cúng mà ra trạm y tế xã để được khám, cho con em đến trường đúng độ tuổi, đến tuyên truyền người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa và tham gia dự án trồng mía xuất khẩu… Nói cách này không được, anh lại dùng cách khác, khi thì lý, khi thì tình, khi thì phải cả lý lẫn tình, để thuyết phục người dân. Giờ đây người dân đã có nhiều tiến bộ trong nếp nghĩ, thực hiện nếp sống mới văn minh hơn.

Hạ Lang đang chuyển mình trong cuộc cách mạng xóa đói giảm nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Ông Hà Đức Nhàn, Chủ tịch UBND huyện Hạ Lang khẳng định: “Những cán bộ biên phòng tăng cường về các xã cũng chính là một trong những chủ trương, giải pháp đồng bộ của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện có hiệu quả công cuộc xoá đói giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương”. [20]

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp giảm nghèo bền vững cho hộ nông dân trên địa bàn xã mỹ hưng huyện phục hòa tỉnh cao bằng​ (Trang 25 - 26)