Điều kiện cư trú, văn hóa và sự hình thành lối sống nông thôn.

Một phần của tài liệu Giáo trình Xã Hội Học Lối Sống (Trang 38 - 40)

2. LỐI SỐNG NÔNG THÔN.

2.2.Điều kiện cư trú, văn hóa và sự hình thành lối sống nông thôn.

Điều kiện cư trú, văn hóa ở nông thôn đã qui định cách ứng xử của con người với môi trường tự nhiên xung quanh. Điều kiện cư trú của người dân nông thôn thường xuyên bị tác động và chi phối bởi môi trường tự nhiên. Với công cụ lao động thô sơ, năng lượng dựa vào sức cơ bắp, sức của súc vật nên con người dựa vào thiên nhiên, thích nghi với thiên nhiên hơn là cải tạo nó. Khi xã hội phát triển đã làm thay đổi những điều kiện kinh tế – xã hội ở nông thôn. Thoạt tiên là sự gia tăng dân số và cùng với nó là sự gia tăng nhu cầu về mọi mặt của con người vượt quá khả năng đáp ứng sẵn có của tự nhiên. Trước tình hình đó buộc con người ở nông thôn phải can thiệp vào môi trường tự nhiên xung quanh. Ở vùng đồng bằng, người ta phải tận dụng triệt để đất đai, các yếu tố kỹ thuật,

năng suất cây trồng; không gian cư trú được mở rộng hoặc nâng cao mật độ, Ở những nơi đất rộng, người dân mới di chuyển đến cũng phải tìm ra cách ứng xử mới với thiên nhiên. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, cách thức trồng lúa nước là thích hợp với kiểu cư trú cho cụm đông người. Do vậy, ở nông thôn miền núi, nếu mật độ dân cư tăng lên đột ngột thì hoặc là phải tổ chức trồng lúa nước, hoặc phải du canh, đốt rẫy để có lương thực sinh sống, vì nguồn lương thực không được chu cấp từ bên ngoài. Việc trồng lúa nước ở vùng cao, hay đốt nương làm rẫy có qui mô lớn, không phải là cách ứng xử vốn có của người nông thôn vùng cao.

Ngày nay vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững đã được đặt ra ở nông thôn. Lối ứng xử hài hòa với tự nhiên, lợi dụng các qui luật của tự nhiên, không can thiệp thô bạo vào cảnh quan tự nhiên đều được nêu lại và vận động thực hiện ở nông thôn khắp nơi trên thế giới.

Những điều kiện kinh tế – xã hội của cơ chế mới ra đời đã làm chuyển biến nhiều mặt trong xã hội nông thôn, làm cho lối sống của dân cư có biến đổi khá nhiều cùng với sự biến đổi chung ấy. Tính chủ động của cá nhân, của cộng đồng có được nâng lên, những yếu tố hiện đại của khoa học, kỹ thuật, văn hóa được người dân nông thôn chú trọng hơn. Nhưng về cơ bản trong lối sống của họ vẫn là cần cù, dẻo dai, thích nghi cao với các điều kiện xã hội và tự nhiên. Trong ứng xử với cộng đồng và xã hội, tính tự chủ, tự tin của họ còn hạn chế. Tính cộng đồng, tính tập thể đã được đề cao, có lúc, có nơi còn vượt quá yêu cầu thực tế.

Do điều kiện sản xuất cư trú gắn với đất đai ruộng vườn, quần tụ theo dòng họ, làng xã ổn định từ đời này qua đời khác, cho nên đời sống văn hóa tinh thần cũng rất ổn định và thuần nhất về tập quán phong tục tín ngưỡng, ít có sự pha tạp như ở đô thị.

Cũng do điều kiện sản xuất, cư trú như vậy nên quan hệ xã hội thường hướng nội, có tính đoàn kết xã hội cao và có tính tự tin lớn. Tuy

nhiên mặt trái của điều này là tính cục bộ địa phương, chậm đổi mới, chậm thích ứng.

Một phần của tài liệu Giáo trình Xã Hội Học Lối Sống (Trang 38 - 40)