Điều kiện nghề nghiệp và sự hình thành lối sống nghề nông.

Một phần của tài liệu Giáo trình Xã Hội Học Lối Sống (Trang 36 - 38)

2. LỐI SỐNG NÔNG THÔN.

2.1.Điều kiện nghề nghiệp và sự hình thành lối sống nghề nông.

Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp là nghề cơ bản và lực lượng lao động cơ bản ở nông thôn. Hơn nữa, ở nước ta, nghề nông trồng lúa nước

trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, nhiệt đới, gió mùa, nên những người dân nông thôn nói chung, người nông dân nói riêng trong giao tiếp, ứng xử đã thể hiện đậm nét những ảnh hưởng của các yếu tố đó. Hầu hết những người nông dân nông thôn đều rất cần cù, bền bỉ trong lao động và có nơi, có lúc thể hiện sự thích nghi với các điều kiện lao động và sinh hoạt rất cao. Nghề nông vốn vất vả, lao động thủ công, năng suất bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu. Tuy vậy, nhưng do điều kiện cư trú và điều kiện sản xuất ở nông thôn chưa phát triển nên việc mở mang các sản phẩm khác còn hạn hẹp, lao động sản xuất của họ chủ yếu dồn vào cho nghề nông.

Sản xuất nông nghiệp thường diễn ra theo chu kỳ và dàn trải trên không gian rộng, nên gia đình là đơn vị tổ chức và bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp có ưu trội so với các hình thức tổ chức sản xuất khác. Vì vậy, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nông thôn cũng qui định lối sống và cách ứng xử của họ. Quan hệ gia đình, huyết thống, thân tộc được chú trọng không chỉ trong việc bảo đảm cuộc sống cả đời mà còn được chú trọng trong tổ chức sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề khác ở nông thôn. Cách thức tổ chức trong sản xuất này đáp ứng nhu cầu vượt khỏi ranh giới cá thể. Như vậy, do tác động của các điều kiện sản xuất, do nghề nghiệp, do việc ứng xử thân thiện, gần gũi, quan tâm lẫn nhau trong phạm vi gia đình đã tạo ra đặc trưng của lối sống nông thôn. [PTS chung Á- PTS Nguyễn Đình Tấn.1996.168]

Cũng do điều kiện sản xuất nông nghiệp lúa nước ở vùng nhiệt đới nóng ẩm, gió mùa, nên người dân phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt để bảo vệ cuộc sống và sản xuất. Do vậy, tính cố kết cộng đồng, sự hợp tác không chỉ vượt khỏi giới hạn gia đình, thân tộc mà còn vượt cả giới hạn làng xã. Đồng thời, lối ứng xử còn đặt cá nhân trong tập thể, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân đã là thói quen, là khuôn mẫu hành động của cư dân nông thôn.

Trong điều kiện đổi mới kinh tế – xã hội ở nông thôn hiện nay, những khuôn mẫu ứng xử của người dân nông thôn như trên vẫn còn có ảnh hưởng nhất định. Tất nhiên nó có cả mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực. Mặt tích cực thể hiện khi trả lại sản xuất, ruộng đất, đời sống cho người dân được tự chủ, họ đã biết vận dụng cách ứng xử, đoàn kết trong gia đình, thân tộc, làng xóm để phát triển sản xuất và chăm lo đời sống của mình và cho gia đình mình. Các hình thức hợp tác hình thành và phát triển trên cơ sở quan hệ gia đình, làng xóm, nhanh chóng phát huy tác dụng và đóng góp phần tích cực vào phát triển sản xuất để nâng cao đời sống ở nông thôn. Nhưng những ảnh hưởng tiêu cực của nó cũng còn không ít như tính năng động, tự chủ của mỗi cá nhân nhìn chung chưa cao; người dân còn tư tưởng trông chờ làng nước làm rồi mới làm; hợp tác trong sản xuất trên cơ sở quan hệ tình cảm, tình nghĩa còn nổi trội hơn quan hệ hợp tác, kinh doanh; mọi sáng kiến cá nhân hay ý kiến cá nhân chưa được coi trọng đúng mức; không khí dân chủ, ý tưởng cá nhân được xem xét đánh giá thỏa đáng.

Một phần của tài liệu Giáo trình Xã Hội Học Lối Sống (Trang 36 - 38)