8. Cấu trúc luận văn
1.3.1. Nhân vật văn học
Các tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi trong Từ điển
thuật ngữ văn học đưa ra định nghĩa: “Nhân vật văn học là con người cụ thể
được miêu tả trong tác phẩm văn học” [7, tr.235]. Những con người này có thể
được miêu tả tỉ mỉ hay sơ lược, sinh động hay không rõ nét, xuất hiện một hay nhiều lần, thường xuyên hay từng lúc, giữ vai trò quan trọng nhiều hay ít đối với tác phẩm.
“Văn học là nhân học” (Goorki). Trong văn học, nhân vật chính là “hình
thức miêu tả con người một cách tập trung nhất” [34, tr.26]. Hư cấu, sáng tạo ra
nhân vật, nhà văn đã thực hiện nhiệm vụ khái quát hiện thực cuộc sống và thể hiện tư tưởng, tình cảm, thái độ của mình đối với cuộc sống ấy. “Nhân vật văn học là khái niệm dùng để chỉ các cá thể con người trong tác phẩm văn học - cái đã được nhà văn nhận thức, tái tạo, thể hiện bằng các phương tiện riêng của
nghệ thuật ngôn từ” [48, tr.73]. Như vậy, nhân vật là những con người cụ thể
được tác giả miêu tả trong tác phẩm. Sự miêu tả ấy mang tính ước lệ theo ý đồ chủ quan của nhà văn. Nhân vật không thể đồng nhất với những con người có thực trong đời sống thực tế, nó chỉ thể hiện chức năng khái quát tính cách con người và thể hiện quan niệm nghệ thuật, lý tưởng thẩm mĩ của nhà văn về cuộc sống. Từ đó, quan niệm nghệ thuật về con người có thể dẫn dắt độc giả vào các thế giới khác nhau của đời sống muôn màu, muôn vẻ ấy.
Xét về quan hệ tư tưởng, quan hệ đối với lí tưởng là tích cực (chính diện) hay tiêu cực (phản diện), có thể phân chia nhân vật trong tác phẩm văn học thành hai kiểu đối lập là nhân vật chính diện và nhân vật phản diện.
1.3.1.1. Nhân vật chính diện
Nhân vật chính diện, còn gọi là nhân vật tích cực, “là nhân vật thể hiện những giá trị tinh thần, những phẩm chất đẹp đẽ, những hành vi cao cả của con người được nhà văn miêu tả, khẳng định, đề cao trong tác phẩm theo một quan điểm, tư tưởng, một lý tưởng thẩm mĩ - xã hội nhất định… Nhân vật chính diện là một phạm trù lịch sử. Văn học thời nào cũng có những nhân vật chính diện thể hiện lý tưởng
xã hội và lý tưởng thẩm mĩ của thời đại mình” [7, tr. 227]. Nhân vật chính diện
trong tác phẩm văn học không đồng nhất với nhân vật ngoài đời sống nhưng là sự phản ánh lý tưởng xã hội, hiện thực đời sống trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Ví dụ, nhân vật Thạch Sanh là nhân vật chính diện tiêu biểu trong truyện Nôm bình dân Thạch Sanh, phản ánh lý tưởng trong các truyện cổ tích: trong cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác, cái thiện nhất định giành chiến thắng.
1.3.1.2. Nhân vật phản diện
Trong tác phẩm văn học, đối lập với nhân vật chính diện về phương diện quan hệ tư tưởng, quan hệ với lý tưởng là nhân vật phản diện. Nhân vật phản diện hay còn gọi là nhân vật tiêu cực. Trong “Từ điển thuật ngữ văn học”, khái niệm nhân vật phản diện được hiểu là: “Nhân vật văn học mang những phẩm chất xấu xa, trái với đạo lí và lí tưởng của con người, được nhà văn miêu tả trong tác phẩm với thái độ chế giễu, lên án, phủ định… Nhân vật phản diện trong văn học phong kiến lại thường là lũ nịnh thần, bọn tôi bất trung, bọn con bất hiếu,
bất mục,…” [7, tr. 230-231].
Cũng giống như nhân vật chính diện, nhân vật phản diện cũng là một hiện tượng lịch sử nhưng xuất hiện muộn hơn so với nhân vật chính diện. Bởi vì khi xã hội xuất hiện mâu thuẫn đối kháng và con người có ý thức phản ánh mâu thuẫn trong thực tại xã hội, có sự đối lập giai cấp, tư tưởng thì mới xuất hiện
nhân vật phản diện trong văn học. Nhân vật phản diện trong tác phẩm văn học là những con người đi ngược lại lý tưởng thẩm mĩ và tư tưởng của từng thời đại.Ví dụ: nhân vật Lý Thông trong truyện Nôm bình dân Thạch Sanh đại diện cho những con người xấu xa, độc ác, kiểu con người phản diện tiêu biểu trong đời sống, đi ngược lại với lý tưởng thẩm mĩ của thời đại.