8. Cấu trúc luận văn
1.4.2. Truyện Tống Trân Cúc Hoa
Ở làng An Cầu, huyện Phù Hoa, có vợ chồng ông lão 60 tuổi mới sinh được một con trai, đặt tên là Tống Trân. Lên 8 tuổi, cha mất, hai mẹ con phải dắt nhau đi ăn mày.
Một hôm, hai mẹ con đến nhà Trưởng giả. Cúc Hoa đem lòng thương xót lấy gạo ra cho. Trưởng giả nổi giận bắt nàng phải lấy Tống Trân và đuổi đi. Từ đây Cúc Hoa vượt mọi gian khổ, nuôi mẹ chồng và chồng ăn học.
Tống Trân đến kỳ thi ứng thí rồi đậu Trạng nguyên. Vua ngỏ ý gả công chúa nhưng chàng từ chối. Công chúa thù ghét xui cha hại Trạng, bắt chàng đi sứ nước Tần mười năm. Đến nước Tần, Tống Trân phải bước vào cuộc đấu trí, thử tài dai dẳng. Chàng đã vượt qua nhiều cuộc thi tài rắc rối. Vua Tần khen ngợi, tỏ ý muốn gả công chúa Bạch Hoa cho Trạng nhưng Trạng vẫn khước từ. Vua nhờ Trạng xử mấy vụ án phức tạp (vụ gái giết chồng, vụ kiện ngành đa...) thì Trạng đều xử đoán tài tình nên uy danh càng lớn. Chàng được vua mến phục, phong lưỡng quốc trạng nguyên.
Trong khi đó ở nhà, Trưởng giả đem lòng phản trắc, ép Cúc Hoa lấy người khác nhưng Cúc Hoa không chịu. Hắn bắt giam mẹ Tống Trân và đánh đập Cúc Hoa. Nàng lên núi gặp cọp chúa sơn lâm, bèn viết thư nhờ mang đến cho chồng. Trưởng giả lại cho người lùng bắt Cúc Hoa, rồi gả ngay nàng cho tên Đình trưởng. Đám cưới tổ chức linh đình.
Tống Trân nhận được thư vợ, đem tâu trình vua Tần. Chàng được vua cho về nước trước kỳ hạn. Chàng đem quân về nước, tạm đóng quân bên bờ sông, rồi cải trang làm người ăn mày vào đám cưới xin ăn. Bị mọi người trong đám đối xử tệ bạc, chàng quay về chỗ đóng quân, dẫn quân vây nhà Trưởng giả. Đám cưới tan vỡ, vợ chồng, mẹ con đoàn tụ, xum họp.
Công chúa Bạch Hoa vì thương nhớ Trạng nên theo tìm. Nàng gặp bão bị trôi dạt vào bờ, được Hươu Nai lấy quả nuôi dưỡng. Trạng đi săn Hươu lấy thuốc,
gặp Bạch Hoa, đưa công chúa về. Cúc Hoa vui lòng cho Tống Trân lấy thêm công chúa. Gia đình từ đó sống hoà thuận vui vẻ.
Truyện Nôm Tống Trân - Cúc Hoa là câu chuyện ca ngợi về tình yêu chung thủy tồn tại ngay trong hiện thực xã hội phong kiến xấu xa. Nghệ sĩ bình dân khéo léo thể hiện phẩm chất, trí tuệ, ý trí của nhân vật thiện (mang đậm tính chất dân dã), đồng thời tố cáo mạnh mẽ xã hội phong kiến mục ruỗng (qua việc miêu tả các nhân vật phản diện). Tác phẩm còn mang nhiều yếu tố thần kỳ song vẫn được nhân dân yêu mến vì nó đã thể hiện được ước mơ, khát vọng muôn đời của quần chúng nhân dân lao động.