8. Cấu trúc luận văn
1.2.2. Thi pháp nhân vật
Trong mỗi tác phẩm văn học, nhà văn xây dựng, sáng tạo hình tượng nhân vật để khái quát quy luật về đời sống con người, đồng thời bộc lộ những quan niệm của mình về con người và cuộc sống. Khi tìm hiểu nhân vật, cần phải xác định quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả khi xây dựng hình tượng đó. Thi pháp nhân vật có thể hiểu là sự nghiên cứu nhân vật trên cơ sở tìm hiểu, khám phá quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả. Quan niệm nghệ thuật về con người chính là sự cắt nghĩa, lý giải, sự cảm thấy con người đã được hóa thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp cụ thể để thể hiện hình tượng nhân vật trong tác phẩm văn học.
Quan niệm nghệ thuật là nguyên tắc cắt nghĩa thế giới và con người vốn có của hình thức nghệ thuật, đảm bảo cho nó khả năng thể hiện đời sống với một chiều sâu nào đó. Quan niệm nghệ thuật về con người là sự lý giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con người đã được hóa thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ cho các hình tượng nhân vật trong đó. Như vậy, quan niệm về nghệ thuật con người đòi hỏi chúng ta đi sâu khám phá tính sáng tạo của chủ thể. Đúng là chúng ta không thể gặp những nhân vật văn học như Thúy Kiều, Thạch Sanh... trong thực tế.
Song những nhân vật ấy chính là sự sáng tạo, là bằng chứng sống để tác giả Nguyễn Du và nghệ sĩ dân gian cắt nghĩa về cuộc đời khi nhìn nhận về cuộc sống, con người ở các khía cạnh khác nhau một cách nghệ thuật. Rõ ràng “Vấn đề quan niệm nghệ thuật về con người thực chất là vấn đề tính năng động của nghệ thuật trọng việc phản ánh hiện thực, lý giải con người bằng các phương tiện nghệ thuật là vấn đề giới hạn, phạm vi chiếm lĩnh đời sống của một hệ thống nhân vật, là khả năng thâm nhập của nó vào các miền khác nhau của cuộc đời”
[45, tr.90].
Quan niệm nghệ thuật về con người biểu hiện trong toàn bộ cấu trúc của tác phẩm văn học, nhưng tập trung nhất có lẽ vẫn là ở các nhân vật. Nhân vật văn học chính là mô hình về con người của tác giả, là hình thức cơ bản để miêu tả con người trong văn học. Sự thể hiện nhân vật văn học bao giờ cũng nhằm khái quát một nội dung đời sống xã hội, một quan niệm nhân sinh sâu sắc, một cảm hứng tha thiết với cuộc đời. Chúng ta muốn khám phá sự cảm nhận về con người, thì cần khám phá quan niệm nghệ thuật về con người thể hiện trong hình thức miêu tả nhân vật, nghĩa là khám phá cách cảm nhận con người qua việc tìm hiểu xem nhà văn miêu tả nhân vật như thế nào. Chẳng hạn: Nguyễn Du trong Truyện Kiều là bậc thầy khi thể hiện tâm lý nhân vật Thúy Kiều - một nhân vật cũng có khát khao, có dục vọng, khi thì thể hiện rõ qua ngôn ngữ, hành động, lúc lại qua những suy nghĩ, tâm trạng âm thầm, kín đáo... Như vậy, sẽ không thể thể hiện một cách đầy đủ những đổi thay trong nội dung phản ánh cũng như nghệ thuật biểu hiện của một hệ thống văn học, một quá trình văn học nếu không quan tâm đến vấn đề con người, đặc biệt là vấn đề quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn. “Bỏ qua quan niệm nghệ thuật về con người sẽ dẫn đến hiểu đơn giản bản chất phản của văn nghệ. Hoặc đồng nhất tư tưởng sáng tác với thế giới quan, hạ thấp yêu cầu sáng tạo tư tưởng - nghệ thuật thẩm mĩ của tác giả, cho rằng nhà văn chỉ có tâm hồn là đủ, là rút gọn tiêu chuẩn của tính chân thực vào một điểm là giống hay không giống so với đối tượng. Và như
vậy, kết quả cũng xem nhẹ vai trò sáng tạo nghệ thuật của nhà văn” [45, tr. 90].
Khi tiếp cận hình tượng nhân vật, cần nghiên cứu nhân vật trên các phương diện từ ngoại hình, nội tâm, tính cách, ngôn ngữ, hành vi… Đó là những phương diện cơ bản để xác định hình tượng nhân vật, qua đó thấy được quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả.