Tâm lý nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi pháp xây dựng nhân vật phản diện trong một số truyện nôm bình dân (Trang 45 - 51)

8. Cấu trúc luận văn

2.2. Tâm lý nhân vật

Tâm lý nhân vật là những diễn biến cảm xúc, suy nghĩ bên trong của nhân vật trong tác phẩm văn học. Nhìn chung ở văn học phương Đông và văn học Việt Nam trung đại, các tác giả chú trọng khắc họa hành động nhiều hơn là tâm lí nhân vật. Trong các truyện Nôm bình dân Thạch Sanh, Tống Trân - Cúc Hoa,

Phạm Tải - Ngọc Hoa cũng vậy. Mặc dù nhân vật được khắc họa chủ yếu qua

hành động nhưng tâm lý nhân vật cũng được các tác giả truyện Nôm miêu tả trên một số phương diện.

Ở truyện Nôm Thạch Sanh, trong hệ thống đông đảo các nhân vật phản diện, tâm lí nhân vật được khắc họa ở hai nhân vật là mẹ con Lý Thông. Cùng xuất thân làm nghề buôn rượu, cùng mang bản chất con buôn vụ lợi, toan tính cho lợi ích của bản thân mình. Khi nghe tin đến lượt Lý Thông nộp mạng cho Trăn tinh, tâm lý hoảng sợ bao trùm hai nhân vật:

Nghe thôi, bỏ gánh bỏ gồng Vội về tỏ hết đục trong con tường

Lý Thông bán rượu đầu làng Vừa về đến cửa, bàng hoàng sợ thay

Là kẻ vị lợi, làm điều gì cũng vì lợi ích của bản thân nhưng mẹ con Lý Thông lại là những kẻ sợ hãi. Khi nghe tin đến lượt Lý Thông nộp mạng cho Trăn tinh, mẹ con Lý Thông bàng hoàng, than khóc rầm nhà:

Lý Thông nghe nói, tuôn châu Mẹ con lăn lóc cùng nhau rầm nhà

Mẹ con Lý Thông đều là những người vị lợi, vị kỷ, chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân mình mà sẵn sàng chà đạp, làm điều độc ác hãm hại người vô tội. Mẹ con Lý Thông biết nghĩ đến cảnh gia đình mình chỉ có một người con trai, biết lo nghĩ đến mai sau không có người chăm nom phụng dưỡng tuổi già:

Mẹ sinh cây có một cành Lấy ai khuya sớm gia đình mai sau!

Nhưng vì thế mà sẵn sàng hi sinh tính mạng của người khác, bày kế mưu hại Thạch Sanh. Sự độc ác, tàn nhẫn của mẹ con tên buôn rượu là ở chỗ không chỉ mưu hại Thạch Sanh, tìm người thế mạng cho mình mà lại lý giải cho sự tàn độc đó bằng chính điều bất hạnh của cuộc đời chàng trai nghèo mồ côi Thạch Sanh:

Nó nay chỉ có một mình

Dù rằng sống thác cũng đành phận thôi

Sự tàn độc, thâm hiểm, vị lợi của Lý Thông được hắn lý giải, biện minh bằng “lòng hiếu thảo” của mình đối với mẹ:

Mẹ sinh con có một chồi Nếu nay con thác mẹ thời cậy ai?

Tính cách lợi dụng, vì lợi ích của mình mà bất chấp tất cả có lẽ là cơ sở, là tiền đề đưa Lý Thông lún sâu vào vô vàn tội ác. Khi đến lượt Lý Thông nộp mạng cho Trăn tinh, tính cách vị lợi, sự mưu mô thâm hiểm lại càng bộc lộ rõ hơn:

Ai ngờ họ Lý gian tà

Nghĩ ngay một kế phân qua mẹ tường Mẹ ôi! Xin chớ lo lường

Mẹ đừng khóc lóc than van Nữa mà tiết lộ khó toàn mưu con

Thạch Sanh còn ở trong non Nó về mẹ để mặc con điều đình

Bản tính mưu mô, thâm hiểm có lẽ là bản chất của con người Lý Thông. Bản tính đó khiến hắn ngay trong lúc tâm lý hoảng loạn ấy đã nghĩ ngay đến việc đổ vấy mối nguy hại ấy lên người kẻ khác. Nếu mẹ Lý Thông là người còn chút lòng thương hại đối với Thạch Sanh vì đã giúp gia đình “Buôn bán hưng thịnh liền liền/ Cho nên nay có bạc tiền hơn xưa” nên có chút lòng thương, cảm thấy mủi lòng khi nghe Lý Thông bày kế:

Lý bà nghe nói tạm vui Song e ở thế, sợ giời không dung:

“Thạch Sanh nó cũng có công Bấy lâu chăm việc hết lòng cùng ta

Tháng ngày hái củi đường xa Đem về khó nhọc cho ta tiêu dùng”

Nhưng dù được nghe mẹ phân trần, thấy mẹ rủ lòng thương với Thạch Sanh, cũng phần vì biết hành động của mình là độc ác, sợ bị trừng phạt, sợ “giời không dung” nhưng Lý Thông vẫn hoàn toàn không thay đổi ý định độc ác của mình, cũng không run sợ bị quả báo, bị trừng phạt vì sự độc ác đó:

Con rằng: “Thương nó không xong Xưa nay lưỡng lợi khó trông được vào

Mẹ đừng suy nghĩ thấp cao Nó không thế mạng con nào được yên?

Và biện minh cho sự ác độc của mình rằng đó là vì bắt buộc phải làm, được đằng này mất đằng kia, không thể cầu toàn mọi việc được. Nhưng sự lý giải đó không thể chấp nhận được, vì đâu thể mình mạng sống của mình mà hi

sinh mạng sống của người khác, vả lại cho rằng lấy việc cúng giỗ người đã chết để yên ổn, để bù lại những hành động độc ác của mình:

Nó dù hồn có khôn thiêng Thì con cũng giỗ cũng yên một bề

Lý Thông làm gì cũng có tính toán trước sau. Muốn lừa Thạch Sanh đi canh miếu cho mình, đầu tiên hắn lấy cớ đến ngày giỗ cha, muốn cảm ơn Thạch Sanh bấy lâu giúp đỡ gia đình buôn bán mà bày cơm rượu thịnh soạn để khiến Thạch Sanh cảm động, biết ơn, thấy được sự quan tâm ân cần của hắn. Và đối với một chàng trai mồ côi như Thạch Sanh, việc có được sự quan tâm, chăm sóc ấy chắc hẳn khiến chàng biết ơn, cảm thấy mình mang ơn nhà họ Lý. Lợi dụng tâm lý ấy của Thạch Sanh, Lý Thông mới lấy cớ đang bận cất dở mẻ rượu để nhờ Thạch Sanh đi canh miếu giúp. Một người vừa được đối đáp ân cần như vậy, nay hắn chỉ nhờ một việc cỏn con là đi canh miếu cớ gì Thạch Sanh lại chối từ? Mọi hành động của Lý Thông đều khôn ngoan, toan tính, rào trước đón sau để chắc chắn sẽ đạt được mục đích giao tiếp của hắn. Tất nhiên, không quy kết đặc điểm nhân vật theo nguồn gốc xuất thân nhưng chính nghề con buôn ấy của Lý Thông đã chi phối rất sâu sắc đến mọi phương diện của nhân vật này.

Nhìn chung khi miêu tả tâm lý của mẹ con Lý Thông, nét tâm lý bao trùm nhất đó là tâm lý sợ sệt, lo lắng, bất an: lo lắng khi gặp khó khăn, tai họa (khi đến phiên Lý Thông nộp mình cho Trăn tinh), lo lắng (và cả chút phân vân, do dự ở người mẹ Lý Thông) khi bày kế hãm hại Thạch Sanh, sợ sệt khi Thạch Sanh giết được Trăn tinh mang đầu trở về trong đêm. Đó đều là tâm lý điển hình khi có những hành động, những việc làm bất nhân bất nghĩa. Với những hành động gian tà, độc ác mà mẹ con Lý Thông làm, những con người ấy luôn ở trong sự sợ sệt, lo lắng và thực sự cuối cùng đã bị trừng phạt thích đáng. Không chỉ là sự trừng phạt khi bị biến thành bọ hung mà chính đòn tâm lí ấy cũng là sự trừng phạt đối với những kẻ bất nhân bất nghĩa.

Trong truyện Nôm Tống Trân - Cúc Hoa, nguồn gốc xuất thân của nhân vật trưởng giả - kẻ giàu có tiếng tăm trong vùng - đã chi phối đến đặc điểm tâm lý của nhân vật, từ đó hình thành tính cách. Trưởng giả - tên đại địa chủ ấy mang trong người tất cả những tính xấu của giai cấp hắn. Đối với tên trưởng giả giàu có nổi tiếng một vùng ấy, hắn chỉ muốn dùng con gái làm cầu nối để tăng thêm sự giàu có và uy thế của bản thân. Đối với hắn, Cúc Hoa chỉ như là phương tiện kiếm lời, là công cụ để làm nên danh giá cho gia đình, là món hàng để hắn gả bán kiếm lời khi cần. Vì sự giàu sang của mình, hắn sẵn sàng chà đạp lên hạnh phúc của chính con gái. Khi thấy Cúc Hoa nói chuyện cùng Tống Trân khi chàng dắt mẹ đi ăn mày, trưởng giả không cần hỏi con gái mình đầu đuôi câu chuyện là gì mà lập tức thét mắng Cúc Hoa. Đối với lão, hạnh phúc của con gái không quan trọng bằng cái uy thế, địa vị, sự giàu sang của bản thân lão. Đó là tâm lý xuất phát từ sự tham lam khi muốn kết thân với những kẻ giàu có để lão đã giàu lại càng giàu hơn chi phối. Khi thấy con gái không thể trở thành công cụ cho mục đích của mình, trưởng giả sẵn sàng hi sinh cuộc đời Cúc Hoa, gả nàng cho một người ăn mày nghèo khổ mà không hề có sự thương xót với con. Quan hệ cha con mà lạnh lùng, dửng dưng, bạc bẽo hơn cả đối với người dưng. “Gọi là cha có lẽ chỉ ở chỗ con là phương tiện để làm nên danh giá cho nó, là món hàng để nó gả bán kiếm lợi khi cần, dù gả bán mấy lần cũng được. Gọi là cha có lẽ còn ở chỗ quyền hành tuyệt đối với con. Nghĩa là tên cha ấy biểu hiện rất đúng cái gọi là “đấng thần”, cái cương vị cha trong đạo đức nhà nho và quan hệ xã hội gia trưởng. Chả còn gì là nhân tình nhân nghĩa nữa. Gần đúng như một kẻ thù”

[38, tr.127]. Chính nguồn gốc xuất thân của nhân vật trưởng giả, gia thế giàu có đã chi phối sâu sắc đến đặc điểm tâm lý của nhân vật: “Tâm lý thông thường của những kẻ giàu có, hắn muốn dùng con gái để bắc cầu với những nhà quyền thế

đương thời, để làm tăng uy thế chính trị bản thân” [38, tr.54]. Vì vậy, khi thấy

Cúc Hoa yêu quý, trò chuyện cùng “tên ăn mày” Tống Trân, lão trưởng giả nổi giận đùng đùng thét mắng con gái:

Cơn đâu nổi giận đùng đùng Đòi ba con gái vào trong dạy lời:

“Sinh con mong sánh đòi nơi Trao tơ phải lứa chọn người kết hôn

Thiếu gì chức trọng quyền môn Hay đâu chẳng đẹp lòng son cánh bầy

Con nay mộ đứa ăn mày Thôi tao cũng gả cho mày tiếc chi”

Việc Cúc Hoa nói chuyện với Tống Trân vô tình đã trở thành cái gai trong mắt lão phú ông. Vì là một gia đình quyền thế nên lão chỉ muốn con gái mình trở thành cầu nối cho lão kết thân với nhà gia đình quyền thế, giàu sang trong vùng. Sự cảm thông của Cúc Hoa dành cho Tống Trân khi thấy chàng ăn mày đói khổ đã vô tình chạm đến lòng tự trọng, thói kênh kiệu của cha nàng. Lão bắt Cúc Hoa phải lấy Tống Trân bởi vì: “đối với hắn, hành động của Cúc Hoa đã phạm đến uy thế của gia đình hắn. Dĩ nhiên là khi gả ép nàng Cúc Hoa lấy Tống Trân, hắn không hề công nhận Cúc Hoa là con cũng không công nhận Tống Trân là rể”

[38, tr.54].

Trong truyện Phạm Tải - Ngọc Hoa, Biện Điền vốn là tên quan vô lại của triều đình phong kiến Trang Vương. Ngay từ đầu tác phẩm, tác giả truyện Nôm đã giới thiệu hắn là “đứa thời danh” - xu thời, háo danh. Hắn đã từng hỏi cưới Ngọc Hoa nhưng không được nàng ưng thuận nên khi nghe tin nàng lấy chồng hắn sinh ra thù ghét, oán trách nàng. Hơn thế nữa, nàng Ngọc Hoa xinh đẹp mà hắn yêu thích lại từ chối hắn để lấy một người học trò nghèo khó, khiến nỗi căm tức trong lòng hắn càng tăng thêm gấp bội:

Thấy nàng lấy kẻ hàn nho Biện Điền từ đấy oán thù Ngọc Hoa:

“Ta là danh giá con nhà Chê ta lấy đứa khật khù bần nhân!

Tao làm cho Phạm lìa trần Mới cam lòng dạ bõ lần chê tao”

Khi những kẻ Biện Điền sai đi giết Phạm Tải bị trận phong ba làm cho thất bại, hắn tức giận “trong lòng uất thay”. Chưa dừng lại ở đó, hắn tiếp tục bày mưu tính kế để hãm hại nàng Ngọc Hoa. Có thể nói, tâm lý của Biện Điền trong suốt tác phẩm là sự tức giận, uất ức, căm phẫn. Lần hiếm hoi tác giả miêu tả tâm lý hả hê của nhân vật cũng là khi hắn trả thù được Ngọc Hoa. Lúc nhà vua đòi Ngọc Hoa vào cung, Biện Điền được phong thưởng vì là kẻ “có lòng” với vua. Chỉ đến lúc này hắn mới “khấp khởi mừng” vì “Rạng mình và lại giải lao báo thù”.

Hành động trả thù nhỏ nhen, đê tiện của Biện Điền ấy vậy mà hắn gọi đó là “giải lao”. Sự trơ trẽn của nhân vật được đẩy lên đến cùng cực. Tâm lý trả thù nhỏ nhen ấy đã sinh ra oán thù và những hành động độc ác. Căn nguyên của tâm lý đó cũng chỉ vì hắn bị nàng Ngọc Hoa từ chối lời cầu hôn. Từ tâm lý oán thù đã khởi nguồn cho bao hành động độc ác khác, đẩy cuộc hôn nhân Phạm Tải - Ngọc Hoa vào bế tắc và kết thúc bằng cái chết đầy oan ức, đầy căm phẫn của cặp đôi tài tử - giai nhân.

Kẻ đứng đầu triều đình phong kiến là Trang Vương - tên vua chỉ biết đến ham mê sắc đẹp. Hắn sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để có được nàng Ngọc Hoa xinh đẹp, thậm chí đến việc phải đổi một nửa số mỹ nhân trong cung. Tên vua ấy bất nhân ở chỗ coi rẻ, đối xử rẻ rúng với con người, coi con người như món đồ vật trao đi đổi lại vì mục đích riêng của hắn. Triều đình với vua và quan điển hình như Trang Vương và Biện Điền là bộ mặt đại diện cho sự thối nát của triều đình trong kiến.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi pháp xây dựng nhân vật phản diện trong một số truyện nôm bình dân (Trang 45 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)