7. Đóng góp của luận văn
2.1.3. Quan niệm về lẽ sống, chết
Con người ai cũng trải qua sinh, lão, mệnh, tử. Mỗi chúng ta rồi ai cũng sẽ đi về miền tương lai vĩnh viễn – cái chết. Chế Lan Viên đã có một sự chuẩn bị cho cuộc đi ấy. « Ở chặng đường sau 1975, nhà thơ nhận thức lại sâu sắc vấn đề con người và thời gian. Chế Lan Viên thấm thía hơn lúc nào hết ý nghĩa thời gian đời
người trong những năm cuối đời » [1 ; 174]. Mỗi người cũng lại có một cuộc chuẩn bị khác nhau. Với Xuân Diệu, mọi dằn vặt ưu tư đều bỏ lại chỉ một chữ yêu không bỏ. Còn Chế Lan Viên khi hát « Từ thế chi ca » có một mối bận tâm khắc khoải đó là phải hiện diện đúng mặt mình.
Bài « Từ thế chi ca » là một triết lý về sự sống và cái chết nhưng vẫn không từ bỏ khát vọng của một con người thiết tha với cuộc đời, vẫn nhìn về mai sau, về cỏ non, về tình yêu, tình bạn…Cái chết chỉ như một lời từ biệt nhẹ nhàng, thanh thản nhưng đầy xúc động :
« Thiêu xong, anh về các trời khác cũng đày hoa …
Anh tồn tại mãi
Không bằng tuổi tên mà như tro bụi Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên »
Hình ảnh cái chết, cảm giác về sự hủy diệt, sự tiêu tan, cảm giác về ngày tận số làm cho nhiều bài thơ sau 1975 của Chế Lan Viên trở nên buồn thảm hơn. Trong thơ có hàng loạt các bài thơ nói về sự sống, cái chết đặc biệt là sự hiện hữu rất gần của cái chết đối với con người (39 bài thơ chiếm 5,3%). Trong Di cảo thơ tập I là các bài thơ : Lò thiêu ; Từ thế chi ca ; Giờ báo tử …; Trong Di cảo thơ tập II là các bài thơ: Chuyến xe ; Chuẩn bị đi; Con nhặng xan; …; Đến Di cảo thơ tập III có các bài thơ: Đêm chót; Từ thế chi ca (2); Men vực; Xe tang qua nhà; Viết lúc hoàng hôn …Tất cả đều biểu hiện sự cô đơn tăng lên vào những năm tháng cuối đời. (So với Điêu tàn thì nỗi buồn đau cô đơn có cơ sở hiện thực hơn). Nếu như ở Thơ mới, các nhà thơ buồn chung trong tạng cảm xúc của các thi nhân mất nước thì Chế Lan Viên cũng vậy. Nhưng ở đây, cái buồn của nhà thơ là sự đau đớn nảy sinh từ « những điều trông thấy », nghiệm thấy. Chế Lan Viên nghĩ nhiều về cái chết để đừng tuyệt vọng, để sống những ngày còn lại có ích cho mãi sau «Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên » . Đó cũng là sự biểu hiện tâm thế và lẽ sống cao quý của nhà thơ khi viết « Từ thế chi ca » để lại cho đời.
Hình như để động viên, an lòng cho người sống, khi viết về cái chết nhà thơ viết có phần hài hước, làm giảm đi sự đau xót : « Sáng đưa xác vào, trưa lấy xương ra / Đều đặn như bánh vào lò / Mỗi ngày hai suất/ …/ Chiều đến nhặt xương như ta nhặt thóc…» (Lò thiêu - Di cảo thơ tập I). Và hình như mỗi lần cái chết đến gõ cửa Chế Lan Viên thì ông lại có thơ hay. Cái chết như một chất xúc tác kì diệu đối với thơ Chế Lan Viên.
« Gió thổi lá sen hồ lật lại phía bên kia Phía ấy gọi anh về
Chỉ biết hồn anh lật lại cùng với gió Ở trong hồn ai đó ném thia lia »
(Gió lật lá sen hồ -1988)
Cái phía ấy, cái phía bên kia chính là cái chết. Cái chết đối với Chế Lan Viên chính là tên gọi thứ hai của cõi siêu hình. « Ghét của nào trời trao của ấy, dù cố gắng đến cạn sức lực để chống trả lại cuộc chiến tranh không giới tuyến mà đám giặc siêu hình kia luôn luôn mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm, nên Chế Lan Viên cho đến phút lìa đời vẫn không thoát khỏi ám ảnh siêu hình» [1 ; 124].
Đời người chết là hết ! Chế Lan Viên nhìn thẳng vào chung cục. Đây là những câu thơ hiếm có trong thơ Việt Nam :
« Để cho người ta có thể cúi xuống vuốt mắt, tay chân anh lạnh giá Không lợm mửa khi khiêng anh bỏ vào hòm
Hôm nay anh cố gắng tạo mùi hương trí tuệ Viết câu thơ sáng chói tâm hồn. »
Khi giáp mặt với sự ra đi, Chế Lan Viên hiện rõ một niềm xao xuyến, day dứt, tiếc nuối không nguôi. Nhà thơ yêu tha thiết cuộc đời, con người, đến phút cuối vẫn khát khao cháy bỏng viết được « câu thơ sáng chói tâm hồn ». Ông đã đấu tranh kiên cường với bệnh tật. Mỗi bài thơ như một lời nói cuối trước vành móng ngựa của thời gian. Không bi quan, không lạc quan mà nhà thơ chiêm nghiệm.
Những chiêm nghiệm trần trụi, giản dị nhưng vô cùng sâu sắc. Còn một phút còn tồn tại thì ông còn viết. Chế Lan Viên đã trọn đời vì nghệ thuật « khi giọt nến cuối cùng nhỏ giọt thì chữ cuối cùng anh phải viết xong ». Và cái ngày cuối cùng trên chuyến xe thời gian đời người đã được nhà thơ tổng kết bằng một triết lý :
Chuyến xe sau không còn anh nữa Xe vẫn chạy nghìn đời chỉ vắng anh thôi
Nguyễn Trãi, Nguyễn Du…từng đi chuyến trước Những chuyến xe không có khứ hồi…
(Chuyến xe)
Sự ra đi cũng chỉ là lên một chuyến xe chứ không có nghĩa là sự đau đớn, tuyệt vọng. Nhà thơ quan niệm chết đi sẽ thành « dòi bọ » (Giờ anh đã là bọ giòi, là sọ dừa, là cả bộ xương – Đến ngày – Di cảo thơ tập III), thành « thối rữa » với « nàng Nhặng Xanh » hoành hành (Và cả một đời anh, anh làm từng câu thơ là chính để tặng cho Nàng Nhặng đó/Cái Nàng cắt cổ anh và nhân loại – Con nhặng xanh – Di cảo thơ tập II)… những hình ảnh vừa cụ thể, vừa tượng trưng ấy thể hiện đúng tâm trạng của những người sắp rời xa trần thế đến thế giới bên kia, có cái gì đó chống chếnh, tiếc nuối. Nhưng nhà thơ cũng nêu lên một triết lý : cái chết sẽ hồi sinh, lại bắt đầu một chu kỳ khác, một dạng vật thể khác, có ích cho đời : « Hãy để cho người ta quên anh đi, dẫm đạp/Lên tên tuổi anh. Rồi anh lại xanh non/Anh trở lại lúc chả ai chờ đợi nữa/Người ta hái về, nấu bữa canh ngon » (Hồi sinh). Thông điệp cuối cùng mà nhà thơ muốn gửi đến con người là hãy làm việc và sống có ích cho đến những phút giây cuối cùng của đời mình, đừng tuyệt vọng mà hãy luôn phấn chấn, tin tưởng, lạc quan (Từ đây đến mồ/Còn chán thì giờ/Cho anh sống/Miễn anh đừng tuyệt vọng/Hay là vô tâm/…. Đừng tuyệt vọng – Di cảo thơ tập II). Triết lý về cái chết trong thơ ông mang ý nghĩa nhân văn cao cả.