7. Đóng góp của luận văn
3.1. Sự đa dạng trong các thể thơ
Loại và thể là hai phạm trù khác nhau. « Loại rộng hơn, thể nằm trong loại. Bất kỳ tác phẩm nào cũng trong một loại nhất định, và quan trọng hơn là có một hình thức thể nào đó. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng có ba loại : tự sự, trữ tình, kịch » [14].
Sau 1975, xét về thể loại, thơ ca Việt Nam đã có những sự biến đổi. Theo nhận xét của tác giả Nguyễn Đăng Điệp thì đó là « sự nới lỏng cấu trúc các thể thơ truyền thống », « sự hiện diện mang tính áp đảo của thơ tự do và thơ văn xuôi so với các thể thơ khác » [7]. Về mặt này, thơ Chế Lan Viên sau 1975 cũng đã chảy theo mạch dòng riêng giữa nguồn chung ấy.
Chế Lan Viên là một cây bút tự do trong sáng tạo nghệ thuật. Ông không gò mình vào một khung thể loại nào nhất định. Nhà thơ viết nhiều chủ đề bằng nhiều thể loại khác nhau. Có những bài thơ tứ tuyệt chỉ bốn dòng cô đọng nhưng cũng có những bài thơ dài vài trang giấy. Ông có đóng góp về mặt khai phá mở mang thể loại thơ văn xuôi và có những sáng tạo trong những thể loại cũ như tứ tuyệt. Có thể thấy điều đó qua Di cảo thơ theo nhận xét của một nhà nghiên cứu : « Trong Di cảo thơ, thơ 4 chữ có 1 bài, 5 chữ : 44 bài, 6 chữ : 7 bài, 7 chữ : 21 bài, 8 chữ : 27 bài, lục bát : 4 bài, tự do : 464 bài, thơ văn xuôi : 1 bài. Như vậy thể thơ tự do chiếm tỷ
lệ cao (81%). So với trước đây, các bài trong Di cảo thơ đều ngắn, ít bài có nhiều dòng thơ. Chỉ có 18 bài có từ 30 dòng trở lên. Số bài có từ 10 dòng thơ trở lên gồm 221 bài. Trong khi có tới 211 bài thơ chỉ có 4 dòng thơ (31%) » [22 ; 210]. « Trong 210 bài thơ, mỗi bài có bốn câu thì chỉ có 16 bài là mỗi bài có bốn câu, mỗi câu bảy chữ. Còn lại tuy mỗi bài có bốn câu nhưng số lượng chữ trong mỗi câu thơ lại rất đa dạng. Bởi vậy, không thể xếp loại bài này vào loại bài thơ tứ tuyệt được. Có người cho rằng thơ tứ tuyệt chiếm tới trên 40% trong toàn bộ sáng tác thơ Chế Lan Viên là chưa chuẩn xác » [22 ; 213].