Hình ảnh thơ mang tính tượng trưng, biểu tượng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tính triết lý trong thơ chế lan viên sau 1975 (Trang 84 - 87)

7. Đóng góp của luận văn

3.2.2. Hình ảnh thơ mang tính tượng trưng, biểu tượng

Thơ ca Chế Lan Viên sau 1975 đã có những đổi mới song nét thống nhất trong phong cách nghệ thuật của ông để đem lại hiệu quả cao cho thơ, nhằm góp phần tạo nên sức hấp dẫn, bay bổng cho ý tưởng và tình cảm trong thơ ông vẫn là sáng tạo hình ảnh thơ mang tính tượng trưng, biểu tượng. Nhà thơ biết để hồn mình hòa vào cái hồn của sự vật hiện tượng, hiểu được cái triết lý ở bên trong nó. Vì thế hình tượng thơ ông luôn tạo được những phát hiện bất ngờ, thú vị, những liên tưởng đột ngột.

Chế Lan Viên ít khi dùng hình ảnh đơn giản, nguyên dạng từ cuộc sống theo nghĩa thực mà thiên về hình ảnh suy tưởng, liên tưởng, giàu sức gợi. Cái hôn trong cuộc sống đời thường là cách biểu hiện tình cảm, tình yêu giữa con người với nhau nhưng cái hôn trong thời chiến còn hàm chứa nhiều ý nghĩa cao đẹp hơn nữa : “Những cái hôn trầm tích trong bể sâu của nhớ/Những cái hôn đào hang mạch đáy lòng/Giọt, giọt nhỏ nơi hang cùng thạch nhũ/Bỗng bất thần nổi dậy cuồng phong/…/Ta cầm lấy trái tim mình mà bóp chặt/…/Một chiếc hôn cân vạn ngày lửa đạn/Mười năm cái hôn theo người ra trận” ( Kỷ niệm có gì?Hoa trên đá). Kỷ niệm về những cái hôn trở thành tài sản vô giá, nó biểu tượng cho sự thủy chung, cho niềm tin mãnh liệt, cho sức mạnh của con người trong chiến trận.

Trong thơ, các nhà thơ càng sử dụng nhiều kiểu hình ảnh (Hình ảnh hiện thực, hình ảnh ảo, hình ảnh đơn lẻ, hình ảnh xâu chuỗi…hình ảnh vừa hiện thực vừa mở rộng, hình ảnh tượng trưng, hình ảnh ngoa dụ, phóng đại…) thì tác phẩm của họ càng phong phú, sinh động. Nhưng cao tay và hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào mức độ và cách kết hợp nhuần nhuyễn các hình ảnh ấy. Hình ảnh trong thơ Chế Lan Viên quy lại thành hai loại : Một loại hình ảnh có tính chất hiện thực và một loại hình ảnh có tính chất ẩn dụ, tượng trưng. Loại thứ hai mới thực sự tiêu biểu cho nghệ thuật thơ ông. Hầu hết hình ảnh trong suốt hành trình sáng tạo thơ của ông đều cơ bản tồn tại dưới dạng biểu tượng, tượng trưng, khái quát. « Chế Lan Viên đã đưa vào thơ một hệ thống hình ảnh đa thanh, đa sắc hợp thành một bức tranh lung linh, nóng hổi của cuộc sống quanh ta » [22 ; 195].

Trăn trở, nghĩ suy về thơ và nghề thơ là một nội dung lớn trong thơ Chế Lan Viên sau 1975. Nhà thơ đã sử dụng nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng để nói lên nỗi niềm ấy. Mối quan hệ giữa nhà thơ với cuộc đời được ví như Tằm và nhện (Hái theo mùa). Công việc lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ chẳng khác gì người xe sợi “Anh xe dần, xe dần cho câu thơ săn lại/Cho con chỉ bện xe xong, xa cách sợi ban đầu/…/Anh chửa vội dệt đâu, hãy cần cù xe sợi/Cho quấn chặt vào nhau trăm hình ảnh rạc rời”(Thơ bình phương – đời lập phươngHoa trên đá ).

Những hình ảnh trong thơ ông có mối liên hệ rất bất ngờ. Nhà thơ có tài đặt hai sự vật khác lạ kề bên nhau rồi bỗng dưng phát hiện ra, hoặc tạo ra mối liên hệ giữa hai sự vật ấy theo lối liên tưởng tương đồng, liên tưởng tương phản không ai đoán trước được. Hai hình ảnh như đối lập nhau, một bên là hạt sương long lanh, một bên là hiện thực trần trụi – mạng nhện - lại đặt cạnh bên nhau bởi chúng đều biểu tượng cho thời gian “Sương có triết lý của sương và mạng nhện thì triết theo lối nhện/Nhưng cả hai đều có một kẻ thù chung, một giặc dữ: Thời gian” (Hạt sương và mạng nhệnDi cảo thơ tập II ) ; “Ngay hạt sương trên mạng nhện/Ngắm cùng bạn ở góc thành kia/Chả bao giờ ta trở lại/Và bản thân rồi, ta cũng ta

(Không bao giờ- Di cảo thơ tập II). Những hình ảnh thơ mang tính biểu tượng như thế không khó tìm trong thơ Chế Lan Viên.

Chế Lan Viên hay dùng hình ảnh « hoa », « hoa hồng » tượng trưng cho cái đẹp, cái tươi tắn, cao quý. Trong thơ ông ta bắt gặp nhiều những hoa và màu vẻ của nó : màu ngỡ ngàng hoa súng, vẻ tinh khiết mai vàng, sắc cháy bông hoa dại, kỳ lạ với « hoa trên đá », « sen hư tưởng »… ta thấu hiểu những triết lý về hoa của Chế Lan Viên. Khi nói về cuộc chiến âm thầm mà khốc liệt giữa phần thiện và phần ác trong tâm hồn mình, nhà thơ mượn hình ảnh « Tuyết » để biểu đạt nội dung tư tưởng ấy : « Tuyết này đòi tan, tuyết kia tồn tại/Phía chấp nhận hóa bùn, phía kỳ vọng xanh cỏ non » (Cuộc chiến). Nỗi niềm trăn trở của một nhà thơ có cái tâm với cuộc đời luôn thôi thúc ông phải hòa mình vào cuộc sống như con ong đi hút nhụy : « Có những ngày anh thấy mình là ong/ Nhớ hoa, thèm nhụy/Những ngày tâm hồn vang sóng bể/Thèm thủy triều như một cánh hải âu…” (Vơ vẩn). Cuộc đời là bể rộng mênh mông với muôn vàn con sóng khác nhau thôi thúc nhà thơ khám phá và lí giải.

Nhận thức được sự hữu hạn của đời người, ấn tượng về cái chết cứ hiện dần lên trong thơ Chế Lan Viên vào những năm cuối đời. Hai năm 1987, 1988 nhà thơ dường như bị ám ảnh bởi sự hủy diệt khi trong thơ ông bóng đêm nhiều hơn ánh sáng, hoàng hôn nhiều hơn ban mai. Thơ ông giờ đây là những lời độc thoại nội tâm để tự trấn an mình. Tầm vóc nhà thơ cũng được giản lược đi nhiều. Nhưng đáng trân trọng nhất ở những bài thơ cuối đời vẫn là cái tâm của nhà thơ. Khi đặt câu hỏi « Ta là ai ? » Chế Lan Viên lại để cho thơ mình nhuốm màu sắc tư duy siêu hình. Có những bài mang dấu vết của chủ nghĩa tượng trưng hoặc siêu thực. Đó không phải là sự cách tân mà là sự phục hồi cách cảm, cách nghĩ của nhà thơ từ trước Cách mạng tháng Tám (Trong Điêu tàn, ta thấy nhà thơ hay viết về những hình ảnh thiên đường, địa ngục, vạc dầu, địa phủ, tro bụi, xương khô, bến Lú, vùng Quên, sông Ngân Hà…. ). Trong « Từ thế chi ca » (Bài thơ vĩnh biệt cõi đời), nhà thơ thấy mình « thành một nhúm xương gio trong bình ». Những hình ảnh đáy mồ, huyệt tối, đầu lâu, hồn ma, bà tiên, xương gio, dĩ vãng…tượng trưng cho cái chết, cho thế giới bên kia được nhắc tới nhiều trong các tập thơ sau 1975 của ông.

Trở về với quá khứ, hồi tưởng về quá vãng cũng là một phần tâm trạng của Chế Lan Viên sau 1975. Nhà thơ lấy cái xào xạc, bạt ngàn, hiu hắt của « lau » ví với miền xưa, « miền quá vãng » ; « miền nội tâm » nơi chứa « dặm tinh thần », « ngàn kỷ niệm ». Như một ám ảnh khôn nguôi về một « miền quá vãng » đầy nuối tiếc, một cõi « quên » đầy bí ẩn, hình ảnh « ngàn lau » được nhắc đến nhiều lần, gợi sự hoang lạnh, mịt mù, vô định của cõi hư vô :

“Đã lâu ta không nghe hồn lau gọi nữa”

(Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh –Di cảo thơ tập I) Hay:

« Miền nội tâm anh, dặm tinh thần anh là ngàn lau xao xác ấy Bạc trắng ngàn lau cũng là tuổi thơ anh thường nhắn gọi về

(Lau (2) – Di cảo thơ tập III )

Những câu thơ giàu hình ảnh, tài hoa như thế được viết ra từ máu thịt của cuộc sống bao giờ cũng bám rễ sâu trong lòng độc giả. Thơ Chế Lan Viên là như

vây. Ông luôn có sự lựa chọn, chắt lọc kĩ càng từ cuộc sống những chi tiết, hình ảnh giàu tính biểu tượng để nâng lên thành ý nghĩa triết lý trong thơ. « Chế Lan Viên cấu tạo hình tượng thơ theo hướng đa chiều, đa tuyến, nhiều tầng, trùng điệp, đan chéo, đối lập, bổ sung, đầy biến hóa » [1 ; 136].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tính triết lý trong thơ chế lan viên sau 1975 (Trang 84 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)