Thời gian dành cho công việc gia đình

Một phần của tài liệu Phân tích cơ cấu quỹ thời gian của vợ và chồng trong gia đình so sánh nông thôn đô thị (Trang 42 - 45)

4. Tổng quan vấn đề nghiên cứu

2.1.2. Thời gian dành cho công việc gia đình

Nhìn vào bảng số liệu so sánh thời gian dành cho công việc gia đình, chúng ta nhận thấy có sự khác biệt khá rõ trong việc dành thời gian cho công việc gia đình giữa vợ và chồng. Trong một ngày làm việc bình thường, ở gia đình nông thôn, người vợ dành 2,3 giờ cho các công việc gia đình nhiều hơn người chồng 1,6 giờ. Tương tự, khoảng cách này ở gia đình đô thị là 2,8 giờ. Xét về mặt thống kê, sự khác nhau giữa thời gian dành cho công việc gia đình của vợ và chồng ở cả nông thôn và đô thị đều có ý nghĩa (p = 0,001).

Như vậy, vẫn tồn tại một khoảng cách khá lớn trong việc dành thời gian cho công việc gia đình giữa vợ và chồng trong cả gia đình nông thôn và đô thị. Chúng tôi cũng tìm thấy kết quả tương tự ở một số nghiên cứu khác. Ở lứa tuổi 25- 64, tính trung bình, một phụ nữ mất 13,6 giờ một tuần cho việc nội trợ, trong khi nam giới chỉ dành có 6 tiếng một tuần cho việc nhà. [14, tr8]. Theo Hoàng Bá Thịnh (2002) thì tính trung bình một phụ nữ mỗi ngày làm việc 15 -16h. Khi gia đình có người đau ốm, họ phải làm việc nhiều hơn và thường phải thức khuya để chăm sóc. Phân tích về phương thức phân chia lao động và sử dụng thời gian đã cho thấy nhìn chung phụ nữ phải gánh vác trách nhiệm lớn hơn so với nam giới trong công việc gia đình, chăm sóc con và tham gia sản xuất. Trung bình một phụ nữ chỉ có khoảng 3 giờ cho các hoạt động cá nhân. Còn theo Đỗ Thị Bình và cộng sự (2002) cho rằng những người đàn ông đã chia sẻ công việc gia đình với vợ con ở mức độ nhiều ít khác nhau nhưng chỉ tập trung trong khoảng 30 phút đến 3h trở lại/ngày. Còn phụ nữ bao giờ cũng chiếm phần lớn trong số những người dành hơn 3 giờ trong ngày cho công việc gia đình cụ thể là 61% ở đô thị và 60,6% ở nông thôn, trung du và miền núi.[2,tr24]. Tóm lại, bức tranh chung ở các gia đình Việt Nam ở cả nông thôn và thành thị đều cho thấy người phụ nữ phải dành khá nhiều thời gian cho công việc gia đình. Điều này sẽ là một bất lợi cho họ trong việc sắp xếp quỹ thời gian của mình cho công việc và các hoạt động giải trí nghỉ ngơi.

Công việc gia đình bao gồm các công việc như nội trợ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc và giáo dục con cái v. v…Có thể thấy, công việc gia đình tiêu tốn thời

gian, sức lực của người phụ nữ được các nhà nghiên cứu gọi là “ca hai” của người vợ trong gia đình. Tuy nhiên, những công việc đó từ xưa đến nay lại được coi là “đặc quyền” của người vợ. Ngày nay, mặc dù người chồng có chia sẻ, giúp đỡ công việc gia đình với người vợ nhưng đó chỉ là giúp “đỡ phần nào” còn phần lớn những công việc gia đình vẫn do người vợ đảm nhận. Nguyên nhân của thực trạng này một phần là do quan niệm của xã hội cho rằng người phụ nữ phải chăm lo, chăm sóc cho gia đình, đó là trách nhiệm, bổn phận của người phụ nữ. Quan niệm này dường như đã “đóng đinh” hình ảnh người phụ nữ gắn liền với các công việc gia đình, từ bếp núc, nội trợ, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc chồng con.

Trong khi người phụ nữ ngày càng tham gia vào rất nhiều hoạt động khác nhau bên ngoài xã hội, đảm nhận nhiều vị trí, công việc khác nhau thậm chí là người đóng góp thu nhập chính cho gia đình thì quan niệm công việc gia đình là trách nhiệm của người phụ nữ thật sự là một bất lợi với họ. Công việc gia đình với rất nhiều việc không tên không những tăng thêm áp lực mà còn là một nguyên nhân hạn chế sự cống hiến của người phụ nữ cho công việc bên ngoài xã hội. Còn nếu để hoàn thành xuất sắc công việc ngoài xã hội vừa làm tròn bổn phận với gia đình thì quả là một thách thức với những vợ. Điều đó rất có thể dẫn đến hiện tượng xung đột, căng thẳng vai trò mà người ta vẫn thường nói đến trong xã hội hiện đại. Vậy vấn đề đặt ra ở đây là gì? Đó là xã hội kêu gọi và yêu cầu người phụ nữ cống hiến và đóng góp cho xã hội, giao cho họ nhiều công việc, vị trí khác nhau thì cũng cần tạo điều kiện để làm sao giảm áp lực về công việc gia đình với họ. Trước hết, đó là dần thay đổi quan niệm lạc hậu công việc gia đình là trách nhiệm của riêng người phụ nữ, sau đó các thành viên trong gia đình đặc biệt là người chồng cần chia sẻ, giúp đỡ người vợ hoàn thành những công việc dành cho gia đình.

So sánh giữa nông thôn và đô thị, thời gian dành cho công việc gia đình của cả phụ nữ và nam giới ở đô thị nhiều hơn phụ nữ và nam giới ở nông thôn. Người phụ nữ ở đô thị dành thời gian cho công việc gia đình nhiều hơn người phụ nữ ở nông thôn 2,2 giờ, khoảng cách này ở nam giới là 1,0 giờ. Cùng với

quan điểm này, Lê Thái Thị Băng Tâm (2008) cũng cho rằng trong gia đình đô thị có sự tham gia công việc nhà nhiều hơn gia đình nông thôn mặc dù sư khác biệt không lớn. Có thể nói, công việc gia đình bao gồm cả việc chăm sóc và giáo dục con cái cần có kiến thức và kỹ năng nhưng những cặp vợ chồng ở gia đình nông thôn do hạn chế về trình độ học vấn nên họ sẽ ít tham gia vào công việc này hơn.

2.1.3. Thời gian dành cho hoạt động kiếm thu nhập

So sánh thời gian dành cho việc kiếm thu nhập của vợ và chồng trong gia đình, chúng ta cũng nhận thấy có sự khác nhau trong việc dành thời gian kiếm thu nhập giữa vợ và chồng của gia đình ở hai khu vục nông thôn và thành thị. Theo đó, trong gia đình nông thôn người vợ dành thời gian cho việc kiếm thu nhập nhiều hơn người chồng 1,2 giờ. Hoạt động kiếm thu nhập trong gia đình nông thôn như: trồng lúa, trồng hoa màu, chăn nuôi, buôn bán, làm thuê … v..v.công việc nào người phụ nữ cũng tham gia thậm chí tham gia với lượng thời gian nhiều hơn nam giới. Số liệu điều tra mức sống dân cư Việt Nam năm 2002 cho biết phụ nữ chiếm đa số trong số những người làm việc từ 51- 60 giờ mỗi tuần và thậm chí còn đông hơn trong số những người làm việc trên 61 giờ mỗi tuần. Những nghiên cứu sâu hơn cho thấy phụ nữ nông thôn thường làm việc từ 16 – 18 giờ mỗi ngày, nhiều hơn nam giới từ 6 – 8 giờ (Nhóm công tác Nghèo đói của chính phủ - Nhà tài trợ - Tổ chức phi chính phủ; 2000).

Ngược lại, với gia đình đô thị, người chồng dành thời gian cho việc kiếm thu nhập nhiều hơn người vợ của mình 1,3 giờ. Mặc dù trên thực tế có sự chênh lệch thời gian cho hoạt động kiếm thu nhập nhưng về mặt thống kê sự khác nhau về thời gian kiếm thu nhập của vợ và chồng ở nông thôn và đô thị không có ý nghĩa.

Một phần của tài liệu Phân tích cơ cấu quỹ thời gian của vợ và chồng trong gia đình so sánh nông thôn đô thị (Trang 42 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(78 trang)
w