Những nghiên cứu về các loài thực vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm cấu trúc và tính đa dạng thực vật có mạch trong một số trạng thái thảm thực vật tại xã thanh định, huyện định hóa, tỉnh thái nguyên​ (Trang 30 - 31)

Chương 1 : TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1.3. Những nghiên cứu về các loài thực vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng

Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, do những nguyên nhân khác nhau, nhiều loài thực vật đã bị tuyệt chủng hoặc bị đe doạ tuyệt chủng, các nguồn tài nguyên sinh học không ngừng bị suy giảm. Để nâng cao nhận thức trong xã hội và toàn cộng đồng về tính cấp thiết của việc bảo tồn đa dạng sinh học và tạo cứ liệu quan cho công tác bảo tồn, từ năm 1964, hiệp hội bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đã cho xuất bản các Bộ sách đỏ nhằm cung cấp một cách khoa học và có hệ thống danh sách về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động vật và thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới. Năm 1994, IUCN [58], đã đề xuất những thứ hạng và tiêu chuẩn mới cho việc phân hạng tình trạng các loài động vật, thực vật bị đe doạ trên thế giới. Các thứ hạng và tiêu chuẩn của IUCN được cụ thể hoá như sau: loài tuyệt chủng (EX), loài rất nguy cấp (CR), loài nguy cấp (EN), loài sẽ nguy cấp (VU)…

Ở Việt Nam, tuyển tập “Sách đỏ Việt Nam (phần thực vật)” của tập thể tác giả thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia, nay là Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam là tài liệu duy nhất công bố một cách đầy đủ các loài thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam. Cuốn sách được xuất bản vào các năm 1992, 1996 và mới nhất là năm 2007. Trong cuốn

“sách đỏ Việt Nam (phần thực vật)” năm 2007 đã công bố 847 loài (thuộc 201 họ) quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ.

Theo nghị định 32/2006/NĐ-CP [7], về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đã chia thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thành 2 nhóm:

- Nhóm I: nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, gồm những loài thực vật rừng, động vật rừng có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số lượng quần thể còn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng cao. Thực vật rừng, động vật rừng nhóm I được phân thành: nhóm IA gồm các loài thực vật rừng thuộc 2 ngành là: ngành Thông với 7 loài và ngành Mộc lan với 8 loài, nhóm IB gồm các loài động vật rừng.

- Nhóm II: hạn chế khai thác sử dụng vì mục đích thương mại, gồm những loài thực vật rừng, động vật rừng có giá trị khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số lượng quần thể còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Thực vật rừng, động vật rừng nhóm II cũng được chia thành: nhóm IIA gồm các loài thực vật rừng thuộc 2 ngành: ngành Thông với 10 loài và ngành Mộc lan với 27 loài, nhóm IIB gồm các loài động vật rừng.

Ngoài tập Sách đỏ Việt Nam (phần thực vật) thống kê số loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng của cả nước, thì các công trình nghiên cứu về các loài có nguy cơ tuyệt chủng ở từng vùng và khu vực cụ thể còn rất ít. Một số công trình đáng chú ý là:

Nguyễn Thị Yến (2003) [56] khi nghiên cứu đặc điểm cấu trúc và tính đa dạng nguồn tài nguyên cây thuốc ở một số kiểu thảm thực vật tại xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, đã thống kê được 20 loài thực vật quý hiếm, trong đó có 15 loài ở mức sẽ nguy cấp (VU) và 5 loài ở mức nguy cấp dựa theo những thứ hạng và tiêu chuẩn của Sách đỏ Việt Nam (2007) và IUCN.

Tóm lại, những nghiên cứu về các loài thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở nước ta còn rất ít. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà số lượng loài thực vật có giá trị đang bị giảm sút, bị đe doạ và có nguy cơ tuyệt chủng. Tuỳ từng thời điểm, một loài có thể đang ở cấp này có thể chuyển sang cấp khác (do nhiều nguyên nhân). Vì vậy, cần có nhiều nghiên cứu đầy đủ hơn để đánh giá số loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng ở từng vùng cụ thể và phải đánh giá thường xuyên nhằm có thể bảo tồn các loài thực vật quý hiếm có giá trị ở nước ta.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm cấu trúc và tính đa dạng thực vật có mạch trong một số trạng thái thảm thực vật tại xã thanh định, huyện định hóa, tỉnh thái nguyên​ (Trang 30 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)