Lỗi do ngữ âm chính tả

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lỗi viết tiếng việt của học sinh lớp 6 trường THCS tân cương thái nguyên (Trang 45 - 52)

5. Cấu trúc luận văn

2.2.1. Lỗi do ngữ âm chính tả

2.2.1.1. Lỗi phụ âm đầu

a. Phụ âm đầu

Trong âm tiết tiếng Việt, âm đầu là âm đứng ở vị trí thứ nhất của âm tiết. Âm đầu được xác định trong các âm tiết sau: Hà, bà, mẹ, lúa…

Số lượng và phân loại âm vị âm đầu: Phần lớn các nhà nghiên cứu có quan điểm giống nhau về số lượng âm vị âm đầu là 22 âm vị. Có quan điểm cho rằng âm đầu gồm 23 âm khi thêm phụ âm /p/.

Cách phân loại phụ âm đầu: - Dựa vào phương thức phát âm

+ Phương thức tắc: là phương thức phát âm mà theo đó luồng hơi trước khi phát ra bi chặn đứng hoàn toàn hay bế tắc hoàn toàn. Dựa vào luồng hơi thoát ra ngoài người ta phân biệt: Phụ âm tắc mũi: luồng hơi thoát ra đằng mũi, phụ âm tắc: luồng hơi thoát ra đằng miệng.

+ Phương thức xát: Là phương thức phát âm mà luồng hơi trước khi thoát ra ngoài bị chặn đứng không hoàn toàn hay bị cản trở không hoàn toàn.

+ Phương thức rung: theo phương thức này phát âm bị rung lên. - Dựa vào bộ phận cấu âm

+ Phụ âm môi: dùng môi để phát âm + Phụ âm lưỡi

+ Phụ âm họng hay thanh hầu

- Dựa vào thanh tính tức là độ rung của dây thanh: bao gồm phụ âm hữu thành và phụ âm vô thanh.

b. Lỗi phụ âm đầu

+ / c - t/ (ch - tr - th): Trở thành -> chở thành, chống lại -> trống lại, chồng -> trồng, chăn trâu -> trăn trâu, tráng sĩ -> cháng sĩ.

+ / l - n/ (l - n): Liền -> niền, nướng -> lướng, nào -> lào, lấy -> nấy, ốm nặng -> ốm lặng, nói - lói, túp lều -> túp nều, năn nỉ -> lăn nỉ.

+ / ɣ /(g - gh): ghép -> gép, gánh nặng -> ghánh nặng

+ /s - ş /(s - x): xin -> sin; hàng xóm -> hàng sóm, xong -> song, xem -> sem, sắc sảo -> xắc sảo

+ / ŋ / (ng - ngh): ngắt -> nghắt, tội nghiệp -> tội ngiệp, suy nghĩ -> suy ngĩ, nghi ngờ -> ngi nghờ.

+ /z - ʐ /(gi - d - r): gia nhân -> da nhân, bấy giờ -> bấy dờ, rổ rá -> dổ giá, roi sắt-> gioi sắt, dặn dò-> giặn dò, giận dữ -> dận giữ, gian nan -> dan nan, giá rẻ -> giá dẻ.

+ / m - n/ (m - n- nh): nhẫn nhịn -> nhẫn mịn, núi non -> nhúi non, mong muốn -> nhong muốn.

+ /b - v/ (b - v): viết báo -> biết báo, vào nhà -> bào nhà, gốc bàng -> gốc vàng.

+ / d - l - đ/ (d - l - đ): đứt ruột -> dứt ruột, đang -> dang, đúng đắn -> dúng đắn, long lanh -> đong lanh.

2.2.1.2. Lỗi phần vần

a. Âm đệm

- Âm đệm là yếu tố đứng ở vị trí thứ 2, sau âm đầu. Nó tạo nên sự đối tròn môi (toán) và không tròn môi (tán). Trong tiếng Việt, âm đệm được miêu tả gồm âm vị bán nguyên âm /u/ và âm vị “zero”. Âm đệm “zero” có thể tồn tại cùng tất cả các âm đầu, không có ngoại lệ. Âm đệm được ghi bằng chữ viết u hoặc o, trước khi đọc âm chính thì đây là âm tròn môi, làm cho âm tiết có âm sắc trầm tối (gọi là bán âm vì mặt chữ thì giống nguyên âm, nhưng công dụng lại không giống như nguyên âm). Âm đệm /u/ không kết hợp được trong một số trường hợp sau:

+ Nếu âm tiết có phụ âm đầu là âm môi. + Nếu âm tiết có nguyên âm là âm tròn môi.

Ngoài ra, âm đệm /u/ còn được kết hợp với “g” (trừ góa) và “ư”, “ươ”. Đó là quy luật chung của tiếng Việt: các âm có cấu âm như nhau hoặc gần nhau không được kết hợp gần nhau.Trên chữ viết, âm đệm “zero” thể hiện bằng sự vắng mặt của chữ viết, âm đệm /u/ thể hiện bằng con chữ “u” và “o”.

- Lỗi âm đệm

Khi tiến hành khảo sát, chúng tôi nhận thấy lỗi âm đệm của học sinh lớp 6 trường THCS Tân Cương có 40/ 861 lỗi chiếm 4,65%. Học sinh thường mắc phải lỗi âm đệm trong quá trình phát âm không chuẩn dẫn đến hiện tượng sai một số âm như: o, u, ô, â, ă, ơ.

Ví dụ:

+ Lỗi thiếu âm đệm: Tan tính => toan tính, qản giáo => quản giáo, xắn lấy nhau => xoắn lấy, xong nồi => xoong nồi,…

+ Lỗi nhầm /o/ thành u//: uăn tù tì => oẳn tù tì

So với các lỗi chính tả của học sinh lớp 6 trường THCS Tân Cương thì lỗi âm đệm chiếm tỉ lệ thấp nhất vì đại đa số đối tượng được chúng tôi tiến hành khảo sát ở lớp 6, người dân tộc thiểu số chiếm số lượng không đáng kể nên việc tiếp thu và tri nhận tiếng Việt khá tốt. Hơn nữa, ở đây lỗi về âm đệm kết quả khảo sát bài kiểm tra chủ yếu do các em viết cẩu thả. Cách phát âm của giáo viên chuẩn đã giúp các em hạn chế được phần nào lỗi chính tả. Tuy nhiên, còn một bộ phận nhỏ học sinh thuộc dân tộc Nùng và Ngái còn chịu ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ nên vẫn có hiện tượng nhầm lẫn giữa các âm đệm. Thực trạng này đòi hỏi một số giải pháp cụ thể để luyện phát âm cho học sinh, tạo ra môi trường giao tiếp chuẩn tiếng Việt từ đó rèn luyện học sinh phát âm chuẩn, viết đúng chính tả. b. Lỗi âm chính

- Vị trí âm chính do các nguyên âm đảm nhiệm. Nguyên âm là những âm tự nó phát ra âm thanh mà không cần nhờ tới một âm nào khác, làm hơi từ phổi ra qua thanh đới mở - đóng tạo cao độ của âm thanh, còn hình thể các khoang khác nhau.

- Phân loại: Có hai loại nguyên âm chính là nguyên âm đơn (a, ă, â, o, ô, ơ, u, ư, e, ê, i, y) và nguyên âm đôi (ia, ie, ưa (ươ), ua (uô)).

+ Dựa vào vị trí của lưỡi, người ta có thể chia ra: Nguyên âm hàng trước: ê, e, i/y, iê (ia)

Nguyên âm hàng giữa: a (ă), ơ (â), ư, ươ (ua) + Dựa trên độ mở của miệng

+ Nguyên âm rộng:e, a, o + Nguyên âm vừa: ê, ơ, ô + Nguyên âm hẹp: i, ư, u

+ Nguyên âm hẹp mở chuyển qua vừa: ie,ươ, uô

=> Âm chính cùng với thanh điệu là hai yếu tố tối thiểu phải luôn luôn có mặt trong âm tiết, nếu không sẽ không có âm tiết.

- Lỗi âm chính

Có 46/ 861 lỗi, chiếm 5.34%. Thực trạng lỗi âm chính xảy ra với học sinh trường Tân Cương chủ yếu là do các âm chính phát âm và viết gần giống nhau nên xảy ra hiện tượng nhầm lẫn. Trong đó có một số lỗi cụ thể:

+ Lỗi sai các vần ôi/ oi/ uo/ uôi: thổi -> thuổi, muôi -> môi, muốn -> muối, mọi -> mỗi.

+ Lỗi sai các vần iu, êu/iêu: rìu -> riều, rêu -> riêu, diều -> dìu + Lỗi sai các vần ai/ay/ây: thay -> thây, bay -> bây, tai -> tay

+ Lỗi sai các vần ăp/âp/ ap: giáp sắt -> giắp sắt, gặp gỡ -> gạp gỡ, tấp nập -> tặp nập.

+ Lỗi sai các vần ao/ au/ âu: sau -> sâu, cháo -> chấu, quả bầu -> quả bàu. + Lỗi sai các vần ươn, ướt, ưa: con lươn -> con lưa, thướt tha -> thươn tha,. + Lỗi sai vần ua/ uân/ uô/ uât/ oăn/ oan: tuấn -> tuất, tuân -> tuôn, xoăn -> xoan

+ Lỗi sai nguyên âm e/ ie: quen -> quyên, tiến -> tén

Lỗi âm chính là lỗi ít thấy trong bài kiểm tra của các em học sinh lớp 6 trường THCS Tân Cương. Lỗi này chỉ tập trung ở một số bài kiểm tra học sinh viết nhanh, cẩu thả dẫn đến hiện tượng nhầm lẫn giữa các âm gần giống nhau.

Quá trình khảo sát trên bài nghe - viết chính tả giáo viên đọc chậm, phát âm chuẩn thì hầu như không có hiện tượng sai lỗi âm chính.

c. Lỗi âm cuối

Âm vị âm cuối đứng ở vị trí cuối vần và cũng là vị trí cuối âm tiết. Đó là âm kết thúc âm tiết. Âm đảm nhiệm vị trí này là bán nguyên âm cuối hoặc phụ âm cuối. Vị trí âm cuối có thể khuyết.

Âm vị âm cuối có 8 phụ âm (bốn phụ âm tắc vô thanh và bốn phụ âm mũi - hữu thanh), hai bán nguyên âm /-u/ và /-j/. Bán nguyên âm cuối /-u/ có cấu âm gần giống nguyên âm /u/ và bán nguyên âm cuối /-j/ có cấu âm gần giống nguyên âm /i/ (là nguyên âm hàng trước, không tròn môi và độ mở hẹp.

Bán âm cuối có hai loại:

- Bán âm cuối bẹt miệng được ghi bằng i hoặc y: + Được ghi bằng y sau các nguyên âm ngắn: ă, â, âu

+ Được ghi bằng i sau tất cả các nguyên âm còn lại mà không bẹt miệng (tức là bán âm i không đi sau các nguyên âm hàng trước, bẹt miệng): ai,ơi, ưi, ươi, oi, ôi, ui, uôi.

- Bán âm cuối tròn môi được ghi bằng chữ u và o: + Không đi sau các nguyên âm hàng sau

+ Được ghi bằng u sau các âm ngắn: âu,ăn

+ Được ghi bằng u sau các âm vừa và âm hẹp: du, ưu, êu, iêu

+ Được ghi bằng o sau các âm rộng a, e = ao, eo (ao# ău) [Đoàn Thiện Thuật, 1999]

- Lỗi âm cuối

Âm cuối do các nguyên âm và phụ âm cuối đảm nhiệm. Tuy nhiên trong quá trình tiến hành khảo sát chúng tôi nhận thấy học sinh THCS Tân Cương còn mắc nhiều lỗi phát âm khi viết các âm cuối của từ. Trong đó học sinh thường bỏ hoặc nhầm lẫn các âm cuối.

+ Các từ kết thúc bằng các phụ âm / ŋ, c, k, t/ - (ng, ch, c, t)

Ví dụ: Nhanh -> nhang, bách -> bát, bụt -> bục, bức xúc -> bứt xúc, mặc kệ -> mặt kệ, làng -> lành.

+ Các từ kết thúc bằng các phụ âm: /m, n, p, nh/ - (m, n, p, nh)

Ví dụ: nhanh -> nhan, chậm chạp -> chập chạp, xung quanh -> xun quanh, văn bản -> văn bả, lạnh lùng -> lạ lùng, óng ánh -> óng áng.

2.2.1.3. Lỗi thanh điệu

a. Thanh điệu

Thanh điệu tiếng Việt gồm có sáu thanh: ngang, huyền, ngã, hỏi, sắc, nặng được kí hiệu phiên âm bằng số từ 1- 6 theo thứ tự trên.

Thanh điệu là yếu tố thay đổi cao độ của âm tiết. Nó ảnh hưởng lên toàn bộ âm tiết nhưng khi viết nó được ghi trên hoặc dưới âm chính là nguyên âm đơn. Gặp nguyên âm phức không kèm theo âm cuối thì nó được ghi trên yếu tố đầu của âm phức. Nếu nguyên âm phức có kèm theo phụ âm cuối thì thường ghi thanh điệu trên yếu tố thứ 2 của âm phức đó.

- Phân loại dựa trên âm điệu: có hai loại bằng và trắc Âm điệu bằng: thanh ngang, thanh huyền

Âm điệu trắc:

+ Có đổi hướng (gãy): thanh ngã, thanh hỏi + Không đổi hướng: thanh sắc, thanh nặng

- Phân loại dựa theo âm vực: có hai loại cao và thấp + Âm vực cao: thanh ngang, thanh ngã, thanh sắc + Âm vực thấp: thanh huyền,thanh hỏi, thanh nặng. b. Lỗi thanh điệu

Dấu thanh trong mỗi từ (tiếng) là những nét nhỏ nhưng lại có giá trị rất quan trọng quyết định ý nghĩa của mỗi âm tiết. Chữ tiếng Việt gồm 5 thanh: thanh huyền, thanh sắc, thanh hỏi, thanh nặng, thanh ngã và một dấu zero.

Lỗi thanh điệu chiếm số lượng 125/861 lỗi chiếm 14.52%. Cụ thể là: Thanh ngang 10/861 lỗi, chiếm 1,16%; Thanh sắc có 29/861, chiếm 3,37%; Thanh huyền 24/861 lỗi, chiếm 2,79%; Thanh hỏi có 10/861 lỗi, chiếm 1,16%; Thanh ngã 41/861 lỗi, chiếm 4,76%; Thanh nặng 11/861 lỗi, chiếm 1,28%. Từ kết quả khảo sát cho thấy, học sinh lớp 6 trường THCS Tân Cương có khả năng nói và viết thanh ngang, thanh hỏi và thanh nặng tốt hơn so với thanh sắc, thanh

huyền và thanh ngã. Hiện tượng lỗi thanh điệu này tập trung chủ yếu là sự nhầm lẫn trong cách phát âm giữa thanh sắc và thanh hỏi, giữa thanh huyền và thanh sắc.

+ Nhầm lẫn giữa thanh sắc và thanh ngã: Do bị ảnh hưởng của cách phát âm tiếng Việt ở địa phương đã dẫn đến hiện tượng khi viết cũng mắc lỗi như vậy.

Ví dụ: vẫn -> vấn; ngã -> ngá, mũi -> múi; chữ -> chứ, bẽ bàng -> bé bàng, + Nhầm lẫn thanh huyền và thanh sắc: Hầu hết học sinh lớp 6 trường THCS Tân Cương nhầm lẫn giữa hai thanh điệu này do sự cẩu thả và vội vàng của các em khi viết bài.

Ví dụ: mùa -> múa, kì diệu -> kí diệu, thế -> thề, đại bàng -> đại báng, thấy -> thầy

+ Ngoài các lỗi nhầm thanh điệu trên, học sinh THCS Tân Cương còn có sự nhầm lẫn giữa thanh không dấu với thanh huyền và thanh sắc. Tuy nhiên số lượng nhầm lẫn này chiếm tỉ lệ nhỏ trên tổng số.

Ví dụ: thanh -> thành, bán nước -> bàn nước

2.2.1.4. Tổng hợp, nhận xét các lỗi về ngữ âm chính tả

Qua bảng số liệu kết quả khảo sát lỗi chính tả của học sinh lớp 6 trường THCS Tân Cương, kết quả cho thấy học sinh lớp 6 trường THCS Tân Cương - Thái Nguyên mắc khá nhiều lỗi chính tả, khảo sát trên 420 bài tra và 105 bài viết chính tả nghe - viết thì tổng số lỗi học sinh mắc phải là 693 lỗi do ngữ âm - chính tả, trong đó lỗi phụ âm đầu chiếm tỉ lệ cao nhất 65.94% lỗi do ngữ âm chính tả và chiếm 53.08% tổng số lỗi; lỗi phần vần là lỗi có tỉ lệ thấp nhất trong nhóm lỗi do ngữ âm - chính tả chiếm 16.02% và 12.89% tổng số lỗi, cụ thể:

- Lỗi thanh điệu: Học sinh mắc lỗi ít hơn lỗi phụ âm đầu nhưng lại cao hơn so với lỗi phần vần 125/693 lỗi do ngữ âm - chính tả chiếm 18.03% và 125/861 tổng số lỗi chiếm 14.52%. Trong đó lỗi thanh ngã chiếm tỉ lệ cao nhất 4.25% lỗi do ngữa âm - chính tả và 4.76% trên tổng số lỗi; lỗi thanh ngang và lỗi thanh hỏi có tỉ lệ mắc lỗi như nhau và chiếm tỉ lệ thấp nhất 1.03% lỗi do ngữ âm - chính tả và 1.16% trên tổng số lỗi.

- Lỗi phụ âm đầu: Theo kết quả bảng 2.6 Tổng kết lỗi chính tả tiếng Việt của học sinh lớp 6 trường THCS Tân Cương - Thái Nguyên thì học sinh mắc lỗi phụ âm đầu tập trung ở ba cặp phụ âm có tỉ lệ mắc lỗi cao như sau:

+ Cặp phụ âm / l - n/ (l - n): 117/693 lỗi do ngữ âm - chính tả chiếm 16.88% 117/861 tổng số lỗi chiếm 14.52%.

+ Cặp phụ âm /c - t/ (ch - tr - th): 88/693 lỗi do ngữ âm - chính tả chiếm 9.13%; 88/861 tổng số lỗi chiếm 10.22%.

+ Cặp phụ âm /ş - s/(s - x): 72/693 lỗi do ngữ âm -chính tả chiếm 7.48%; 72/861 tổng số lỗi chiếm 8.36%

Cặp phụ âm có tỉ lệ mắc lỗi ít là: /ɣ/(g - gh) ; / ŋ /(ng - ngh) và /b - v/ (b - v) chiếm tỉ lệ dưới 3%.

- Lỗi phần vần có tỉ lệ thấp nhất trong nhóm lỗi do ngữ âm - chính tả: 111/693 lỗi chiếm 16.02%; 111/861 tổng số lỗi chiếm 12.89%. Trong đó học sinh mắc lỗi âm chính nhiều nhất 46/693 lỗi chiếm 6.64%, lỗi âm cuối tỉ lệ mắc lỗi thấp hơn 25/693 lỗi chiếm 3.61%.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lỗi viết tiếng việt của học sinh lớp 6 trường THCS tân cương thái nguyên (Trang 45 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)