hàng hóa xuất, nhập khẩu
Hoạt động thu thuế đối với hàng hóa XNK chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, nhưng có thể khái quát ở những nhân tố cơ bản sau đây:
1.2.6.1 Nhân tố chủ quan
Các nhân tố nội tại này góp phần tạo nên hiệu quả trong thu thuế đối với hàng hóa XNK; tác động trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của mỗi cơ quan hải quan. Về cơ bản thu thuế đối với hàng hóa XNK đều chịu tác động của những nhân tố chủ quan sau:
Thứ nhất: Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ hải quan
Con người luôn đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và thực thi chính sách. Trình độ, năng lực của cán bộ hải quan không chỉ ảnh hưởng
đến việc tham mưu, xây dựng và hoạch định chính sách thuế quyết định hiệu quả thực hiện chính sách thuế. Trong thời đại ngày nay, việc xây dựng chính sách thuế không những phải đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế mà còn phải phù hợp với điều kiện trong nước. Cán bộ thu thuế đối với hàng hóa XNK vừa là người tiếp xúc trực tiếp với đối tượng nộp thuế (những người có nhiều thủ đoạn trốn thuế) vừa phải triển khai thực hiện các nội dung của chính sách thuế đối với hàng hóa XNK, phải giải quyết trực tiếp các vướng mắc của đối tượng nộp thuế. Chính vì thế, đội ngũ cán bộ nếu không có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn cao thì mọi chính sách dù có tốt đến đâu cũng bị vô hiệu hoá và chính sách ban hành sẽ không phát huy được tác dụng, bị lợi dụng, trốn thuế gây thất thu cho Ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, việc xây dựng, thực thi chính sách còn phụ thuộc vào trình độ của đối tượng nộp thuế. Nếu chính sách ban hành không phù hợp với trình độ của đối tượng nộp thuế thì chính sách không thể đi vào cuộc sống.
Thứ hai: Tổ chức và giám sát thực hiện quy trình, thủ tục hải quan
Cơ quan hải quan là nơi triển khai các quy trình, thủ tục hải quan cho hàng hoá XNK. Do vậy, hoạt động thu thuế đối với hàng hóa XNK luôn phải hướng tớí đổi mới trong việc tổ chức thực hiện và có sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên để tạo nên sự thuận lợi cho DN làm thủ tục hải quan, hạn chế tối đa tình trạng gian lận thuế đối với hàng hóa XNK.
Đồng thời, cơ quan hải quan phải tổ chức thực hiện sao cho thủ tục hành chính ít cửa nhất, ít giấy tờ nhất, rút ngắn thời gian làm thủ tục và thông quan hàng hoá, chi phí làm thủ tục hải quan thấp nhất, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN trong hoạt động thương mại. Hiện nay, ngành Hải quan đã áp dụng hình thức người khai hải quan phải tự khai báo, tính thuế và tự chịu trách nhiệm pháp lý đã góp phần rút ngắn thời gian thông quan hàng hoá quy trình, thủ tục hải quan.
Thứ ba: Mức độ trang bị phương tiện kỹ thuật của cơ quan hải quan
Mức độ trang bị phương tiện kỹ thuật của cơ quan hải quan ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu thuế đối với hàng hóa XNK của cán bộ hải quan. Do vậy, yêu cầu đối với phương tiện kỹ thuật của cán bộ hải quan hiện nay là: (i) Nâng cao tính năng, tác dụng của trang thiết bị kỹ thuật trong giám sát, kiểm tra hải quan; (ii) Tăng cường trang thiết bị phục vụ cho việc kiểm tra hàng hoá XNK, hành lý của khách xuất nhập cảnh phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa bàn; (iii) Trang bị kỹ thuật đầy đủ cho cán bộ kiểm hoá; (iv) Trang bị đồng bộ máy soi hiện đại, quy trình nghiệp vụ hoàn chỉnh cho các điểm thông quan; (v) Hiện đại hóa các trang thiết bị phục vụ hoạt động kiểm soát chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm và các loại tội phạm mới.
Thứ tư: Sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan
Thu thuế đối với hàng hóa XNK liên quan đến nhiều lĩnh vực nên ngoài việc phối hợp trong nội bộ ngành đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng như: Thuế, Kho bạc, Ngân hàng, Công an, các Hiệp hội ngành nghề... Mối liên hệ khăng khít giữa cơ quan hải quan với các cơ quan, tổ chức này tạo nên sự ràng buộc không thể thiếu trong thu thuế đối với hàng hóa XNK. Ngoài ra, sự phối hợp này không chỉ nằm trong biên giới quốc gia mà phải kể đến Hải quan các nước, Tổ chức Hải quan Thế giới... nhằm trao đổi thông tin nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong thương mại quốc tế.
Như vậy, các nhân tố đã nêu trên sẽ là những nhân tố chủ yếu quyết định đến sự thành công của cơ quan hải quan trong việc đạt mục tiêu tạo một môi trường thuế minh bạch, lành mạnh.
1.2.6.2 Nhân tố khách quan
Đây là những nhân tố được coi là mang tính khách quan ở tầm vĩ mô thuộc về cơ chế, chính sách của Nhà nước có liên quan tới hoạt động thu thuế
đối với hàng hóa XNK của cơ quan hải quan.
Thứ nhất: Hệ thống thuế đối với hàng hóa XNK của quốc gia
Hệ thống thuế đối với hàng hóa XNK là tổng hợp các văn bản pháp luật quy định về các sắc thuế khác nhau mà giữa chúng có mối liên hệ mật thiết với nhau nhằm vào hàng hoá XNK và hệ thống cơ quan thu thuế đối với hàng hóa XNK (Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh, thành phố; Chi cục Hải quan trực thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố).
Hệ thống thuế đối với hàng hóa XNK của quốc gia phải trải qua thời gian và nhiều lần cải cách thì mới hoàn thiện, đầy đủ và đảm bảo những nguyên tắc của hệ thống thuế tối ưu, thực hiện những mục tiêu mà Nhà nước đặt ra. Đi cùng với quá trình đổi mới hệ thống thuế đối với hàng hóa XNK, hoạt động quản lý của cơ quan Hải quan cũng cần được cải tiến cho phù hợp với yêu cầu của Tổ chức Hải quan Thế giới và tiến trình tự do hoá thương mại trên thế giới.
Thứ hai: Chính sách bảo hộ sản xuất trong nước
Chính sách bảo hộ là những biện pháp của Chính phủ nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh với nước ngoài. Mục tiêu bảo hộ giữa các quốc gia là rất đa dạng. Đối với các nước phát triển thì mục tiêu chính của việc bảo hộ là nhằm duy trì việc làm cho những nhóm lớn người lao động có kỹ năng tương đối thấp. Trong khi đó, đối với các nước có trình độ phát triển trung bình và thấp, gặp khó khăn trong cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng như nội địa mà nguyên nhân sâu xa là thiếu vốn, nhân lực, quản lý không hiệu quả... Chính sách bảo hộ nhằm mục tiêu duy trì và phát triển một số ngành sản xuất quan trọng và có nhiều tiềm năng trở thành ngành cạnh tranh trong tương lai. Chẳng hạn, Malaysia bảo hộ ngành sản xuất ô tô; Thái Lan duy trì bảo hộ ở mức cao một số ngành điện tử, cơ khí, đường; Trung Quốc lại theo đuổi mục tiêu bảo hộ sản xuất ô tô, thép, thuốc lá...
Một lý do riêng đối với việc bảo hộ của các nước đang phát triển là việc các nước này phải thường xuyên duy trì cán cân thanh toán có lợi và cải thiện nguồn ngân sách. Các nước đang phát triển và chậm phát triển thường bị thâm hụt cán cân thanh toán, nguồn ngân sách hạn hẹp, để tránh tình trạng này các quốc gia có thể áp dụng nhiều hình thức bảo hộ khác nhau nhằm phát triển những ngành hàng thay thế NK hoặc hướng về XK, hạn chế NK những mặt hàng không cần thiết, các hình thức bao gồm: Hàng rào thuế quan (Tariff Barriers); Hàng rào phi thuế quan (Non-Tariff Barriers).
Hàng rào thuế quan: Đây là biện pháp mà Tổ chức thương mại thế giới cho phép sử dụng để bảo hộ thị trường trong nước nhưng phải cam kết ràng buộc với một mức thuế trần nhất định và có lịch trình cắt giảm. Sự tự do hoá biểu hiện thông qua các chính sách về quy chế tối huệ quốc, chế độ thuế quan ưu đãi phổ cập, hiệp định thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung của các khối liên kết kinh tế như Liên minh Châu Âu (EU), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái bình Dương (APEC)... Các biện pháp thuế quan thường được áp dụng để bảo hộ sản xuất trong nước là: Thuế NK, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ thương mại, hạn ngạch thuế quan.
Hàng rào phi thuế quan: Các biện pháp phi thuế quan cũng được áp dụng để hạn chế NK trong những trường hợp cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia, văn hoá truyền thống, môi trường, sức khoẻ con người... Có thể phân chia thành các nhóm lớn sau:
+ Các biện pháp hạn chế định lượng như: cấm XK, NK; hạn ngạch; giấy phép.
+ Các biện pháp quản lý giá như: trị giá hải quan bao gồm trị giá giao dịch của hàng NK tương tự, trị giá tính thuế theo trị giá khấu trừ, trị giá tính thuế theo trị giá tính toán, hay xác định theo phương pháp suy luận.
+ Các biện pháp liên quan đến DN: DN thương mại Nhà nước; quyền kinh doanh
+ Các biện pháp kỹ thuật: các quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn và thủ tục xác định sự phù hợp; kiểm dịch động vật và thực vật.
+ Các biện pháp thương mại tạm thời như: trợ cấp và các biện pháp đối kháng bao gồm trợ cấp đèn đỏ, trợ cấp đèn vàng, trợ cấp đèn xanh; quy định về chống bán phá.
+ Các biện pháp liên quan đến đầu tư như: tỷ lệ nội địa hoá; hạn chế tiếp cận ngoại tệ; yêu cầu XK, ưu đãi gắn với thành tích XK...
+ Các biện pháp khác như: yêu cầu đảm bảo thanh toán; yêu cầu nối; thủ tục hành chính; thủ tục Hải quan; mua sắm Chính phủ; quy tắc xuất xứ...
Hàng rào thuế quan và phi thuế quan là hai công cụ bảo hộ sản xuất quan trọng đối với mọi quốc gia. Do mỗi công cụ đều có điểm mạnh, điểm yếu đặc thù nên chúng thường được sử dụng để bổ sung lẫn nhau nhằm bảo hộ sản xuất trong nước. Mức độ hiệu quả của bảo hộ có tăng lên nhiều hay không phụ thuộc vào tính linh hoạt, có chọn lọc, có định hướng của Chính phủ các nước trong việc áp dụng các biện pháp phi thuế quan để bổ trợ cho biện pháp thuế quan.
Thứ ba: Các hiệp định, cam kết quốc tế
Trong xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế thì không có quốc gia nào có thể tách riêng độc lập trong thương mại quốc tế. Thu thuế đối với hàng hóa XNK của mỗi quốc gia cũng gián tiếp chịu ảnh hưởng của quá trình hội nhập này. Hệ thống thuế quan chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các quy định, luật lệ, cam kết quốc tế mà quốc gia đó là thành viên. Theo phạm vi tác động có thể chia ra ba nhóm tác động như sau:
+ Ảnh hưởng của các hiệp định, cam kết chung (hiệp định, cam kết của WTO tới hệ thống thuế quan của một nước). Hiện nay, WTO đã có hơn 150
thành viên nên việc điều chỉnh thuế quan của một quốc gia sẽ ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác. Hải quan Việt Nam cũng là thành viên của WTO nên phải tuân thủ những hiệp định, cam kết đã ký kết.
+ Ảnh hưởng của các hiệp định, cam kết khu vực, liên kết kinh tế tới hệ thống thuế quan của một quốc gia. Do phạm vi tác động của các hiệp định, cam kết chỉ giới hạn trong phạm vi các nước tham gia liên kết kinh tế, nên việc xây dựng hệ thống thuế quan của một nước sẽ chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi các yếu tố trong khu vực.
+ Ảnh hưởng của các hiệp định, cam kết song phương tới hệ thống thuế quan của quốc gia đó. Do phạm vi tác động của nó chỉ diễn ra giữa hai quốc gia nên việc xây dựng hệ thống thuế quan thường chú trọng vào việc đảm bảo hài hoà lợi ích quốc gia với lợi ích của đối tác. Việc điều chỉnh thuế quan nhiều khi cũng chỉ diễn ra ở một số ngành, lĩnh vực mà cả hai cùng quan tâm.
Tóm lại, hệ thống thuế đối với hàng hóa XNK hay chính sách bảo hộ sản xuất của một quốc gia sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động thu thuế của cơ quan hải quan.