Đánh giá sơ lược điều kiện tự nhiên kinh tế-xã hội huyện Yên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá kết quả thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất năm 2019 huyện yên minh, tỉnh hà giang​ (Trang 36 - 43)

CHƯƠNG III : KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Kết quả đánh giá sơ lược về tình hình cơ bản của huyện Yên Minh

3.1.1. Đánh giá sơ lược điều kiện tự nhiên kinh tế-xã hội huyện Yên

3.1.1.1. Vị trí địa lý

Yên Minh là một huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Hà Giang, cách Thành phố Hà Giang 100 km về phía Bắc, huyện có 18 đơn vị hành chính gồm 17 xã và 1 thị trấn, tổng diện tích tự nhiên 77.658,79 ha. Tọa độ địa lý nằm trong khoảng 22016’12” đến 22052’35” Vĩ độ Bắc và 104057’21” đến 105023’15” Kinh độ Đông. Có vị trí giáp ranh như sau:

- Phía Bắc giáp CHND Trung Hoa.

- Phía Nam giáp tỉnh Cao Bằng và huyện Bắc Mê. - Phía Đông giáp huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. - Phía Tây giáp huyện Quản Bạ và Vị Xuyên.

Huyện Yên Minh có vị trí địa lý tương đối thuận lợi với hệ thống đường giao thông liên huyện, liên xã, đường quốc lộ 4C chạy qua là tuyến giao thông quan trọng trong lưu thông hàng hóa, giao lưu văn hóa, nằm ở trung tâm của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế của huyện. Huyện có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp (như rừng thông, ruộng bậc thang Sa Lỳ, rừng nguyên sinh Du Già với nhiều hệ động vật, thực vật phong phú đa dạng, có hệ thống hang động lý tưởng (hang Nà Luông, hang Nà Lèng…) và có nhiều điểm di tích đã và đang được đầu tư phát triển đã thu hút du khách đến nghỉ ngơi và tham quan góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.

Những đặc điểm về vị trí địa lý, kinh tế nêu trên đã tạo ra những lợi thế đặc biệt cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện:

- Yên Minh nằm trên trục Quốc lộ 4C kết nối Thành phố Hà Giang, huyện Quản Bạ, huyện Đồng Văn với Trung Quốc, tạo ra lợi thế về phát triển về dịch vụ, thương mại, du lịch.

- Cấu trúc địa chất phức tạp, địa hình đa dạng, Yên Minh có thể phát triển trồng các loại cây trồng chính có giá trị kinh tế như: cây ngô, đậu tương, dong giềng

và phát triển cây trồng vụ đông theo hình thức luân canh, một số loại cây ăn quả (dứa, xoài, lê, hồng không hạt…).

- Có thắng cảnh thiên nhiên đẹp, nhiều điểm du lịch văn hóa, cùng với những lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc. Yên Minh được công nhận là 1 trong 4 huyện thuộc Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

- Tài nguyên khoảng sản phong phú có giá trị như: Antimon, mangan - Chì kẽm có thể khai thác và chế biến sâu để tăng giá trị của tài nguyên. Đây là thế mạnh để huyện phát triển ngành công nghiệp khai khoáng.

3.1.1.2. Đặc điểm địa hình

Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 77.658,79 ha. Yên Minh là huyện nằm trên cấu trúc địa chất phức tạp, chia cắt mạch, độ dốc lớn, địa hình Yên Minh được chia thành các vùng:

Địa hình núi cao: Phân bố ở các xã vùng cao là: xã Lao Và Chải, Ngam La, Ngọc Long, Du Già với độ dốc lớn trên 250.

Địa hình núi thấp: Có độ cao thay đổi dưới 900m phân bố ở: xã Mậu Duệ, Na Khê, thị trấn Yên Minh, Bạch Đích, một số nơi có địa hình phức tạp và độ dốc lớn trên 250.

Địa hình thung lũng: Có các thung lũng kín xung quanh là núi thấp như: thị trấn Yên Minh, Mậu Duệ, Bạch Đích. Các thung lũng này khá bằng phẳng. Đất trên địa hình này được cấu tạo từ các sản phẩm bồi đắp của Aluvi và Deluvi.

Địa hình castơ: Phân bố ở: xã Thắng Mố, Phú Lũng, Sủng Thài, Sủng Cháng, Lũng Hồ và Đường Thượng, chủ yếu là các dãy núi đá vôi. Đất hình thành thường là đất đỏ vàng (Ferasols), tầng đất dày, kết cấu đất tốt.

3.1.1.3. Khí hậu thời tiết

Yên Minh nằm trong vùng khí hậu á nhiệt đới nóng ẩm, chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa. Mùa hè trùng với gió mùa Đông Nam, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều. Mùa đông trùng với gió mùa Đông Bắc kéo theo từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, thời tiết lạnh khô và ít mưa.

*Nhiệt độ:

Nhiệt độ trung bình năm 15,70C, nhiệt độ trung bình tháng cao nhất 20,90C (tháng 7), nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất 8,80C (tháng 1).

- Nhiệt độ tối cao trung bình: 24,60C - Nhiệt độ tối thấp trung bình: 5,40C

Nhìn chung yếu tố nhiệt độ thuận lợi cho sản xuất nông lâm nghiệp, đặc biệt đối với các loại cây ăn quả, cây công nghiệp có nguồn gốc nhiệt đới và một số loại cây á nhiệt đới sinh trưởng và phát triển.

*Lượng mưa:

Lượng mưa trung bình năm 1.745 mm, đây là một trong vùng có lượng mưa bình quân năm thấp nhất của tỉnh Hà Giang, nhưng phân bố không đều trong năm: Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 chiếm 85% tổng lượng mưa cả năm, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau chiếm 15% lượng mưa cả năm.

Tổng số ngày mưa trung bình năm khoảng 175 - 180 ngày, tập trung vào các tháng 6, 7 và 8 có số ngày mưa cao từ 20 - 22 ngày/tháng và cường độ mưa lớn, làm xói mòn, rửa trôi đất, nhất là ở các vùng đất trống đồi núi trọc có độ dốc lớn và độ che phủ của thảm thực vật thấp.

* Một số yếu tố khí hậu khác:

- Độ ẩm không khí bình quân năm: 84% - Lượng bốc hơi bình quân năm: 63,8%

- Hướng gió thịnh hành: gió Đông Bắc (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau), gió Đông Nam (từ tháng 5 đến tháng 11)

- Sương muối và mưa đá chỉ xuất hiện đột xuất, ít ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

3.1.1.4. Thuỷ văn

Trên địa bàn huyện có 2 con sông lớn là sông Miện và sông Nhiệm. Sông Miện bắt nguồn từ Trung Quốc qua Yên Minh đến Thành phố Hà Giang, đổ ra sông Lô có chiều dài là 48 km, đi qua 6 xã của Yên Minh. Sông Nhiệm chảy qua Yên Minh - Mèo Vạc và hợp lưu với sông Gâm, có chiều dài trên địa bàn huyện là 22 km. Đây là 2 nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp của huyện.

Ngoài ra, hệ thống sông suối nhỏ khá dày đặc. Do địa hình phức tạp, sông, suối có độ dốc lớn nên khả năng tích trữ giữ nước khó nên thường thiếu nước vào mùa khô, vào mùa mưa hay gây ra lũ quét.

3.1.1.5. Các nguồn tài nguyên *. Tài nguyên đất

Đá mẹ, mẫu chất hình thành đất: Yên Minh có các dạng đá mẹ chính sau: - Nhóm đá trầm tích: Bao gồm các loại đá phiến sét, phiến sa, cát kết và đá vôi phân bố ở hầu hết các xã. Quá trình phong hóa sinh ra các loại đất đỏ vàng và đất xám.

- Nhóm đá biến chất: Chủ yếu là philit và đá phiến mica, phân bố ở xã Ngọc Long, Mậu Duệ, Yên Minh và Bạch Đích. Khi phong hóa sinh ra các loại đất đỏ vàng, tầng đất dày, thành phần cơ giới nặng.

Ngoài hai nhóm đá mẹ chính tạo đất, còn có các mẫu chất dốc tụ và phù sa mới tạo nên các loại đất tầng dày, độ phì nhiêu khá.

Thổ nhưỡng:

Theo kết quả bản đồ thổ nhưỡng huyện Yên Minh tỷ lệ 1/50.000 do Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp điều tra xây dựng theo tiêu chuẩn phân loại định lượng của FAO - UNESCO. Diện tích đất trên được chia thành 5 nhóm (Major Soil Group), 11 đơn vị (Soil Unit) và 23 đơn vị phụ (Sub - Soil Unit). Những tính chất chính của từng nhóm đất như sau:

- Nhóm đất phù sa (tên theo FAO - UNESCO là Fluvisols): Diện tích 478 ha, chiếm 0,61% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố ở các xã Đường Thượng, Du Già, Lũng Hồ, Ngọc Long và Bạch Đích. Phản ứng của đất ít chua (pHKCl=5,0); độ no bazơ khá (V% > 50%).

- Nhóm đất Gley (tên theo FAO - UNESCO là Gleysols): Diện tích 815 ha, chiếm 1,04% diện tích đất tự nhiên, phân bố chủ yếu ở các xã có địa hình thấp trũng, như thị trấn Yên Minh, Mậu Duệ, Du Già.

- Nhóm đất đen (tên theo FAO - UNESCO là Luvisols): Có diện tích nhỏ nhất 78,37 ha, chiếm 0,1% diện tích tự nhiên, được hình thành ở vùng ven chân núi đá vôi có độ dốc thấp, phân bố ở bản Pó Mới.

- Nhóm đất xám (tên theo FAO - UNESCO là Acrisols): Diện tích 57.990,23 ha, chiếm 74% diện tích tự nhiên, phân bố trên khắp địa bàn huyện.

- Nhóm đất đỏ (tên theo FAO - UNESCO là Ferralsols): Diện tích 4.607,87 ha, chiếm 5,88% diện tích tự nhiên, được hình thành do sản phẩm phong hóa của đá vôi với các xã núi đá.

* Tài nguyên nước

Nguồn nước mặt:

Trên địa bàn huyện có hai con sông chính là sông Miện và sông Nhiệm, ngoài ra còn hệ thống suối, cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của nhân dân, nguồn nước cũng là tiềm năng phát triển công nghiệp thủy điện đặc biệt là thủy điện sông Miện đã và đang hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, sông suối có độ dốc lớn nên vào mùa khô chỉ những xã có địa hình tương đối bằng phẳng mới đủ được đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Ở các xã núi đá nước dùng cho sinh hoạt cũng thiếu, hầu như không đáp ứng được cho sản xuất nông nghiệp. Vào mùa mưa, do mưa lớn, độ che phủ của thảm thực vật thấp đã tạo nên dòng chảy mạnh gây lũ lớn làm ảnh hưởng đến sản xuất và giao thông trong mùa mưa bão.

Nguồn nước ngầm:

Chưa có tài liệu điều tra khảo sát cụ thể nhưng qua thực tế sử dụng của người dân trong huyện cho thấy mực nước ngầm ở các xã núi đất có độ sâu trung bình 6 - 10m, chất lượng nước tốt, có thể khai thác phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

* Tài nguyên rừng

Theo số liệu thống kê đất đất đai năm 2015. Diện tích đất có rừng hiện tại của huyện là 27.666,61 ha, chiếm 35,63% diện tích đất tự nhiên. Trong đó rừng phòng hộ 18.748,30 ha, rừng đặc dụng 1.578,60 ha, rừng sản xuất 7.339,71 ha. Có thể chia tài nguyên rừng thành các khu vực như sau:

- Khu vực phía Bắc của huyện gồm các xã Bạch Đích, Thắng Mố, Sùng Cháng, Sủng Thài, do địa hình cao dốc, nhiều đá lộ đầu nên diện tích rừng còn ít, chủ yếu là đất trống đồi núi trọc, cây rừng phần lớn là tre nứa, vầu và một số loài cây bụi.

- Khu vực phía Nam của huyện gồm các xã Du Già, Du Tiến, Lũng Hồ, Ngọc Long. Đây là khu vực có độ che phủ của rừng nhiều nhất trong toàn huyện, khu vực này còn rừng nguyên sinh với các loài cây quý hiếm như Pơmu, trai, nghiến…vv.

- Khu vực phía Đông của huyện gồm các xã Đông Minh, Hữu Vinh, Mậu Long, Mậu Duệ do địa hình phức tạp gồm các dãy núi đất và núi đá vôi xen lẫn nên diện tích rừng còn ít và không tập trung. Thực vật chủ yếu là một số loài cây bản địa như kháo, tống qua sử, vầu, trúc, lau lách.

- Khu vực phía Tây của huyện gồm các xã Na Khê, Lao Và Chải, Ngam La, Đường Thượng, thị trấn Yên Minh. Diện tích rừng tự nhiên còn ở mức trung bình với các loài cây lấy gỗ và rừng vầu, tre, nứa ở các khu vực ven trục giao thông chính, rừng trồng chủ yếu là thông, sở.

Ngoài tài nguyên rừng của huyện còn phải kể đến các loại cây khác có tác dụng che phủ mặt đất, chống xói mòn, rửa trôi là: cây công nghiệp như (chè), cây ăn quả (xoài, hồng, lê), cây thuốc nam (quế), bên cạnh đó nghề nuôi ong đã góp phần không nhỏ vào kinh tế vườn rừng và góp phần bảo vệ đất đai và cải thiện môi trường sinh thái.

* Tài nguyên nhân văn

Yên Minh hiện có 16 dân tộc cùng sinh sống với các nhóm ngôn ngữ khác nhau, mỗi dân tộc đều có những nét văn hoá đặc trưng riêng, gồm cả văn hoá vật thể và phi vật thể đã góp phần tạo lên một kho tàng văn hoá phong phú. Có lễ hội truyền thống của từng dân tộc và được tổ chức hàng năm tạo nên bản sắc văn hóa quý báu của huyện cần được giữ gìn và bảo tồn. Bản sắc văn hóa của các dân tộc được bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ, đó là:

- Dân tộc Tày có 1 nền văn nghệ cổ truyền phong phú, đủ các thể loại thơ, ca, múa nhạc, có cả múa rối. Tục ngữ ca dao chiếm một khối lượng đáng kể. Các điệu dân ca cũng phổ biến nhất là hát ru. Ngoài ra, dân tộc Tày còn có văn hóa hát Then, lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Nàng Hai. Đồng bào Nùng có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú và có nhiều làn điệu dân ca đậm đà màu sắc dân tộc. Tiếng Sli giao duyên của thanh niên Nùng; Lễ hội nổi tiếng thu hút được nhiều người, nhiều

lứa tuổi khác nhau là hội "Lùng tùng" (còn có nghĩa là hội xuống đồng) được tổ chức vào tháng giêng hàng năm.

- Dân tộc Nùng có Hát Soong Hao là nét đẹp là hình thức sinh hoạt dân ca trữ tình đối đáp nam nữ của các thế hệ thanh niên dân tộc Nùng.

- Dân tộc H’mông có đời sống văn nghệ khá phong phú đặc biệt là văn học truyền miệng, tiếng hát tình yêu (Gầu Plềnh), tiếng hát cưới xin (Gầu xuống) mà họ thường hát khi lao động nương rẫy, trong lúc se sợi dệt vải, những nhạc cụ dân tộc (sáo, khèn, kèn lá, đàn môi…)..

- Ca hát và sáng tác thơ là nhu cầu sinh hoạt văn nghệ phổ biến của dân tộc Dao. Dân tộc Dao hát, sáng tác hoặc ứng tác lời hát vào các dịp trai gái đến chơi làng, trong đám cưới, dịp vào nhà mới, những ngày hội và chợ phiên... Nhạc cụ dân tộc của người Dao chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, gồm có trống, thanh la, chũm choẹ, chuông nhạc và tù và. Ngoài ra, dân tộc Dao còn có các loại nhạc cụ khác như nhị, sáo, đàn môi...

* Tài nguyên khoáng sản

Qua thăm dò khảo sát, hiện nay trên địa bàn huyện có mỏ Antimon thuộc xã Mậu Duệ có trữ lượng lớn nhất tỉnh. Ngoài ra trên địa bàn trên huyện Yên Minh còn có các mỏ: Antimon ở xã Đường Thượng, Chì Kẽm ở xã Du Tiến, mỏ mangan ở xã Đông Minh và Na Khê.

3.1.1.6. Thực trạng môi trường

Là một huyện vùng cao trên địa bàn có núi, đồi xen kẽ sông, suối kết hợp tạo nên nhiều khu vực có thể khai thác thành các khu du lịch nghỉ dưỡng với phong cảnh đẹp tự nhiên tạo cho Yên Minh cảnh quan môi trường phong phú.

Hiện tại môi trường của huyện cũng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm về nguồn nước và không gian sống, bởi các nguồn gây ô nhiễm rất đa dạng như: Chất thải của khu khai thác quặng antimon (xã Mậu Duệ), việc sử dụng thuốc diệt cỏ, bảo vệ thực vật cho cây trồng ngày càng nhiều của nhân dân, chất thải của bệnh viện, chất thải sinh hoạt của nhân dân, chất thải của gia súc, gia cầm chưa qua xử lý. Bên cạnh đó tập quán du canh, du cư vẫn còn xẩy ra đã ảnh hưởng nhất định đến môi trường đất, nước. Mặt khác, do địa hình bị chia cắt, lượng mưa tương đối lớn, thảm thực vật che

phủ đất hiện nay thấp, đất đồi núi, đặc biệt là đất trống đồi núi trọc rễ bị rửa trôi bề mặt, làm cho đất bị chai cứng, nghèo chất dinh dưỡng, xói mòn trơ sỏi đá. Hiện nay tác động của biến đổi khí hậu gây nên lũ lụt, nắng nóng ... đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Tuy nhiên về tổng thể về môi trường của huyện Yên Minh theo kết quả đo, phân tích về không khí và tiếng ồn, các khí độc và bụi, môi trường nước ở các khu vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường tại các khu vực: cổng UBND huyện Yên Minh, khu vực nhà máy tuyển Antimon, khu Bệnh Viện …vv, có chất lượng môi trường trong nghưỡng tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên cần cảnh báo và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và các đơn vị có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường về ý thức bảo vệ môi trường tránh những hoạt động xấu gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá kết quả thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất năm 2019 huyện yên minh, tỉnh hà giang​ (Trang 36 - 43)