Về ý nghĩa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) động từ ba diễn tố trong tiếng việt (có so sánh với tiếng anh) (Trang 46 - 48)

7. Những kết quả nghiên cứu chính của luận án

2.2. Đặc điểm ngữ pháp chung của động từ ba diễn tố

2.2.1. Về ý nghĩa

Động từ ba diễn tố chỉ hoạt động xuất phát từ chủ thể hướng tới hai đối thể (theo nghĩa rộng).

Phân tích theo ý nghĩa ngữ pháp từ khái quát đến cụ thể, có thể chỉ ra các nét nghĩa sau của động từ ba diễn tố:

1/. Tính hoạt động

Nét nghĩa này đặc trưng cho động từ ba diễn tố với tư cách là thành viên của từ loại động từ (vì tất cả động từ theo N.V.Xonxeva đều được đặc trưng bởi ý nghĩa ngữ pháp hoạt động). [Dẫn theo 48, tr.101]

2/. Tính chủ ý hay chủ động (chỉ hoạt động có chủ ý)

Động từ ba diễn tố, nhìn chung, đều chỉ hoạt động xuất phát từ chủ thể (thường là người hay vật hữu sinh), tức là hoạt động mà chủ thể có thể tạo ra và làm chủ được theo ý chí của mình.

Chẳng hạn, các động từ ba diễn tố kiểu như: trao, tặng, gửi, vay, mượn, cấm, mời, khuyên… đều chỉ các hoạt động thuộc về chủ thể là người và chủ thể luôn có thể làm chủ được các hoạt động này.

Mặc dù tính chủ ý (chủ động) là nét nghĩa chung của động từ ba diễn tố nhưng trên thực tế, trong một vài trường hợp riêng, có thể gặp những động từ ba diễn tố mà chủ thể không thực sự là chủ thể chủ ý.

Chẳng hạn, trong những câu:

(1) Nguy cơ tổ quốc bị xâm lược đã buộc nhân dân ta phải cầm vũ khí sẵn sàng chiến đấu.

(2) Những năm tháng ở mặt trận đã biến một nữ sinh kiều diễm thành một chiến sĩ dạn dày. (Xuân Thiều)

Các động từ - vị ngữ buộc, biến mặc dù đều là động từ ba diễn tố nhưng thành tố chủ thể (chủ ngữ) bên chúng không chỉ người và không thực sự mang tính chủ ý hay chủ động giống như trong những câu:

(3) Chúng tôi đã buộc kẻ địch phải đầu hàng. Hoặc:

(4) Anh ta biến vợ thành nô lệ.

Như vậy, khi nói đến tính chủ ý (chủ động) của động từ ba diễn tố và của thành tố chủ thể bên chúng, cần thấy rằng mặc dù đây là đặc tính chung, phổ biến đối với động từ ba diễn tố nhưng khi ý nghĩa của chúng được hiện thực hóa trong những câu cụ thể, mức độ chủ ý hay chủ động của động từ có thể thể hiện ở mức độ không đầy đủ.

3/. Tính ngoại hướng (ngoại động)

Động từ ba diễn tố chỉ các hoạt động hướng tới đối thể bên ngoài. Đối thể bên ngoài nói ở đây được hiểu là đối thể ở bên ngoài chủ thể. Sở dĩ cần nói như vậy vì động từ nội hướng (đơn trị) có thể cũng chỉ hoạt động hướng tới sự vật được hình dung như đối thể (chẳng hạn, cháy trong “cháy nhà” chỉ hoạt động tác động vào

nhà nhưng đối thể (nhà) bị tác động ở đây lại đồng thời là chủ thể chứ không phải ở bên ngoài chủ thể). Đây là đặc điểm phân biệt động từ ba diễn tố với động từ một diễn tố hay động từ đơn trị có nét trung gian giữa động từ nội hướng và động từ ngoại hướng. Đây cũng là đặc điểm cho phép xếp động từ ba diễn tố vào động từ ngoại động (ngoại hướng).

4/. Tính tam trị

Cùng với động từ hai diễn tố (ăn, đọc, viết, đánh, mắng…), động từ ba diễn tố chỉ các hoạt động luôn hướng tới đối thể bên ngoài chủ thể. Tuy nhiên, khác với

động từ hai diễn tố chỉ hoạt động chỉ hướng tới một đối thể, động từ ba diễn tố chỉ các hoạt động hướng tới hai đối thể, trong đó, đối thể thứ nhất thường là đối thể chịu tác động trực tiếp của các hoạt động; đối thể thứ hai thường chỉ vật chịu tác động gián tiếp của hoạt động hoặc chỉ nội dung, kết quả của hoạt động.

Chẳng hạn, trong cấu trúc: “Tôi trao tiền cho hắn” động từ “trao” chỉ hoạt động chi phối một đối thể trực tiếp (tiền) và một đối thể gián tiếp (hắn).

Trong cấu trúc: “Bà chủ sai con đi gánh nước”, động từ “sai” chi phối một đối thể trực tiếp (con) và một đối thể chỉ nội dung cầu khiến (đi gánh nước).

Trong cấu trúc: “Mọi người suy tôn chàng làm thủ lĩnh”, động từ ba diễn tố “suy tôn” chi phối một đối thể trực tiếp (chàng) và một đối thể là kết quả của hoạt động bình xét (làm thủ lĩnh).

Với mối quan hệ với chủ thể và hai đối thể, hoạt động đặc trưng cho các động từ ba diễn tố được coi là hoạt động phức tạp mang tính đa diện, cụ thể là mang tính tam trị (đặc trưng cho động từ tam trị hay động từ ba diễn tố).

Trên đây, chúng ta mới chỉ xác định ý nghĩa ngữ pháp khái quát của động từ ba diễn tố nói chung. Khi đi vào phân tích nghĩa của động từ ba diễn tố, còn có thể chỉ ra các loại ý nghĩa đặc trưng cho từng nhóm động từ (chẳng hạn: nghĩa ban phát, thu nhận, làm chuyển dời đối thể, cầu khiến, bình xét, biến hóa, kết nối...).

Các ý nghĩa này, mặc dù có tính cụ thể hơn các ý nghĩa đã chỉ ra trên đây nhưng về bản chất, vẫn là ý nghĩa ngữ pháp vì chúng bao trùm lên hàng loạt từ và cũng được thể hiện ra bằng hình thức ngữ pháp tương ứng là thuộc tính kết trị, cụ thể là sự chi phối đối với hình thức của diễn tố thứ ba (thường thể hiện ở dấu hiệu là các hư từ cú pháp dẫn nối diễn tố này). Ý nghĩa ngữ pháp đặc trưng cho các nhóm động từ ba diễn tố cụ thể sẽ được xem xét khi phân tích đặc điểm riêng của một số nhóm động từ ba diễn tố.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) động từ ba diễn tố trong tiếng việt (có so sánh với tiếng anh) (Trang 46 - 48)