Theo Christopher Nobes [5], việc hệ thống kế toán quốc gia hội nhập vào chuẩn mực kế toán quốc tế IAS/IFRS sẽ bị tác động bởi các yếu tố sau:
Hệ thống pháp luật
Tùy theo đặc điểm và quá trình hình thành mà mỗi quốc gia tự hình thành nên một hệ thống pháp luật cho chính mình. Nhìn chung, hệ thống pháp luật của các quốc gia được chia thành 2 trường phái chính: trường phái Luật Thông Dụng (Common Law) và Luật Roman (Roman Law).
Các quốc gia có hệ thống pháp luật theo trường phái Luật Thông Dụng thường không đưa ra quá nhiều các quy định khắt khe và chặt chẽ. Do đó hệ thống kế toán tại các quốc gia này thường có độ “mở” nhất định khi không đưa ra các quy tắc cụ thể và chi tiết trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính.
Ngược lại, các quốc gia có hệ thống pháp luật theo trường phái Luật Roman, hệ thống kế toán bị tác động rất nhiều từ các quy định cụ thể, tỉ mỉ và chi tiết từ nhà nước.
Nguồn tài chính
Tại các quốc gia có thị trường tài chính phát triển, yêu cầu trung thực, hợp lý, tính đầy đủ và thích hợp rất được chú trọng trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính. Đồng thời, với mục tiêu là tăng cường tính trung thực và hợp lý của các thông tin được công bố, nguyên tắc “nội dung quan trọng hơn hình thức” cũng rất được chú trọng.
Ngược lại, các quốc gia mà nguồn tài chính được cung cấp chủ yếu bởi Nhà nước, yêu cầu trung thực và hợp lý của các thông tin được công bố trong báo cáo tài chính thường ít hơn so với các quốc gia có thị trường tài chính phát triển. Thông thường, tại các quốc gia này, một trong điều được chú trọng chính là sự tuân thủ các luật định.
Chính sách thuế
Một trong những yếu tố quan trọng khác tác động đến việc hội nhập vào chuẩn mực kế toán quốc tế là chính sách thuế của từng quốc gia.
Tại những quốc gia có hệ thống chuẩn mực kế toán do khu vực tư nhân thiết lập, hệ thống kế toán vận hành khá tự do, những ràng buộc pháp lý khá lỏng lẻo, chính sách thuế không có ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống kế toán. Đây cũng chính là xu hướng phổ biến của quốc tế hiện nay. Các doanh nghiệp ghi chép và lập báo cáo tài chính theo các nguyên tắc, phương pháp được quy định trong chuẩn mực. Mục đích giúp cho các doanh nghiệp phản ánh trung thực và hợp lý tình hình tài chính của đơn vị mình, và số
nghiệp sẽ phải điều chỉnh lại những khoản chi phí hay thu nhập mà Luật thuế không chấp nhận, từ đó phát sinh sự khác biệt giữa lợi nhuận kế toán và lợi nhuận theo thuế.
Ngược lại, tại những quốc gia mà chuẩn mực kế toán chịu nhiều sự chi phối của nhà nước, do nhà nước công bố và ban hành thì hệ thống kế toán phải phù hợp và tuân thủ các quy định của luật thuế. Kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không phản ánh được sự trung thực và hợp lý. Các kế toán viên chỉ quan tâm đến việc làm sao ghi chép và lập báo cáo tài chính tuân thủ theo các quy định của Luật thuế.
Vai trò của các tổ chức nghề nghiệp
Việc hội nhập vào các chuẩn mực kế toán quốc tế tại các quốc gia chịu tác động bởi vai trò của các tổ chức nghề nghiệp.
Tại một số quốc gia, quá trình xây dựng và ban hành các chuẩn mực kế toán phụ thuộc nhiều vào các tổ chức nghề nghiệp hơn là Nhà nước. Ngược lại, tại một số quốc gia, tổ chức nghề nghiệp không có vai trò nhiều mà Nhà nước giữ vai trò quyết định trong những vấn đề về kế toán.
Lạm phát
Lạm phát cũng được xem là một yếu tố có ảnh hưởng khá lớn đến việc hội nhập vào chuẩn mực kế toán của một quốc gia.
Tại những nước có tình hình lạm phát lớn, khái niệm bảo tồn vốn trở nên quan trọng và một số phương pháp kế toán cần được sử dụng để loại trừ ảnh hưởng sai lệch của sự biến động giá cả đến báo cáo tài chính.
Các biến cố ngẫu nhiên
Một số các biến cố ngẫu nhiên nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến việc hội nhập vào chuẩn mực kế toán của quốc gia. Chẳng hạn, các cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ đòi hỏi kế toán cung cấp các thông tin trung thực và hợp lý hơn là việc tuân thủ Luật thuế.