Ở Việt Nam, giá gốc được quy định là một nguyên tắc cơ bản của kế toán Việt Nam. Vai trò của giá trị hợp lý còn khá mờ nhạt.
Thực ra, ở Việt Nam, giá trị hợp lý đã được đề cập đến từ hơn 10 năm nay, và đầu tiên được định nghĩa trong chuẩn mực kế toán số 14 - Doanh thu và thu nhập khác : “giá trị hợp lý là giá trị tài sản có thể trao đổi hoặc giá trị một khoản nợ được thanh toán một cách tự nguyện giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong trao đổi ngang giá”. Trong kế toán Việt Nam, giá trị hợp lý được sử dụng chủ yếu trong ghi nhận ban đầu, chẳng hạn : ghi nhận ban đầu tài sản cố định, doanh thu, thu nhập khác, ghi nhận ban đầu và báo cáo các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ, xác định giá phí hợp nhất kinh doanh…
Về phương pháp xác định giá trị hợp lý, ngoại trừ đoạn 24 của chuẩn mực kế toán số 4- Tài sản cố định vô hình- có đề cập đến phương pháp xác định giá trị hợp lý của tài sản cố định vô hình, và thông tư 21/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006 của Bộ tài chính có hướng dẫn việc xác định giá trị hợp lý trong xác định giá phí hợp nhất kinh doanh, đến nay chưa có hướng dẫn chính thức và thống nhất về phương pháp xác định giá trị hợp lý trong kế toán. Thực ra, ngày 13/03/2006, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư 17/TT/BTC hướng dẫn Nghị định 101/2005/NĐ-CP về thẩm định giá, trong đó có quy định khá cụ thể các phương pháp định giá. Tuy nhiên, việc áp dụng các phương pháp này như thế nào trong kế toán vẫn còn bỏ ngõ.
Sức ép của yêu cầu hội nhập và cả sức ép của yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam chỉ ra rằng, trong một tương lai không xa, giá trị hợp lý phải là cơ sở định giá chủ yếu trong hệ thống kế toán Việt Nam. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, giá trị hợp lý và việc sử dụng giá trị hợp lý ở Việt Nam tuy đã có những bước khởi đầu nhất định song vẫn mang tính chấp vá, chưa có một định hướng rõ ràng về việc sử dụng giá trị hợp lý. Điều này thể hiện qua các điểm chủ yếu sau :
- Chưa xác định một cách rõ ràng và nhất quán về tính tất yếu của việc sử dụng giá trị hợp lý là cơ sở định giá chủ yếu trong kế toán;
- Định nghĩa giá trị hợp lý chưa rõ ràng, chưa đầy đủ;
- Các quy định về giá trị hợp lý và sử dụng giá trị hợp lý trong kế toán nằm rải rác trong các chuẩn mực, mang tính chấp vá, thiếu tính hệ thống;
- Chưa có hướng dẫn chính thức và thống nhất về phương pháp xác định giá trị hợp lý trong kế toán ;
- Giá trị hợp lý sử dụng chủ yếu cho ghi nhận ban đầu, chưa sử dụng để trình bày các khoản mục sau ghi nhận ban đầu, do đó chưa đạt được mục đích ghi nhận và trình bày các khoản mục theo những thay đổi của thị trường.
Cũng cần lưu ý thêm rằng, bên cạnh sự chưa hoàn chỉnh một hệ thống thị trường hoạt động (active market) ở Việt Nam, cũng như sự thiếu vắng các quy định và hướng dẫn về giá trị hợp lý và sử dụng giá trị hợp lý, thì vấn đề đang là một rào cản đáng kể ngăn cản sự phát triển và sử dụng giá trị hợp lý chính là vấn đề về nhận thức, đó là niềm tin vào tính đáng tin cậy của giá trị hợp lý.
Các quan điểm tranh luận về giá trị hợp lý
Tính tới thời điểm hiện nay, có rất nhiều quan điểm về vai trò và tầm quan trọng về giá trị hợp lý trong việc nâng cao chất lượng của báo cáo tài chính. Về mặt lý thuyết, khi ban hành phương pháp giá trị hợp lý, các cơ quan như IASB và FASB đều cho rằng giá trị hợp lý sẽ mang lại các thông tin có tính hữu ích và tính thích hợp cao hơn cho các đối tượng sử dụng. Quan điểm này được ủng hộ bởi rất nhiều các nghiên cứu trên thế giới. Cụ thể tại Việt Namkết quả này cũng được đồng tình bởi một số các nhà nghiên cứu Việt Nam như Nguyễn Thế Lộc (2010) [16], Mai Ngọc Anh (2010, 2011) [17] và Trần Văn Tùng (2013) [18]. Đối với các công cụ tài chính, nghiên cứu của Hancock (1996) chỉ ra rằng đo lường theo giá trị hợp lý sẽ cho kết quả thực tế hơn và phương pháp này có thể loại bỏ những vấn đề phát sinh khi sử dụng phương pháp ốc. Tương tự như vậy, nghiên cứu của Hassan và các đồng nghiệp (2006) [19]
cũng cho rằng khi áp dụng giá trị hợp lý cho các công cụ tài chính trong các công ty trong ngành công nghiệp khai khoáng thì các công cụ này phản ánh giá trị thị trường vốn của công ty tốt hợn so với phương pháp giá gốc. Đối với các khoản tài sản dài hạn (như máy móc thiết bị, nhà xưởng), Herrmann và các đồng nghiệp (2006)[20] đã cung cấp những bằng chứng vững chắc về việc giá trị hợp lý thực sự ưu việt hơn so với phương pháp giá gốc nếu xét trên khía cạnh tính so sánh và tính nhất quán. Đối với vấn đề quản trị lợi nhuận (earning management), nghiên cứu của Emerson và các đồng nghiệp (2010) [21] đã đưa ra kết quả rằng kế toán theo giá trị hợp lý có thể loại bỏ động cơ thúc đẩy các nhà quản lý thực hiện việc “ phù phép lợi nhuận ”. Tuy sự ưu việt của phương pháp giá trị hợp lý so với phương pháp giá gốc đã được đề cập trong rất nhiều các nghiên cứu như đã đề cập ở trên, thực sự vẫn có rất nhiều lo ngại về tính hiệu quả của phương pháp này, đặc biệt trong các thị trường không năng động và thiếu tính thanh khoản (inactive and illiquid markets). Trong khi nghiên cứu của Ahmad (2000) [22]cho kết quả thông tin được đo lường bằng giá trị hợp lý có độ tin cậy thấp so với việc đo lường bằng phương pháp giá gốc thì nghiên cứu của Abdel-Khalik (2008) [23] lại chỉ trích việc đo lường giá trị hợp lý sẽ thiếu nhất quán khi đo lường các khoản mục trên báo cáo tài chính và điều đó có thể tạo ra rào cản cho các nhà đầu tư trong quá trình đánh giá về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Những kết quả nghiên cứu về tác động của việc ứng dụng kế toán giá trị hợp lý tại các quốc gia khác nhau cho những kết quả khá khác nhau đã làm dấy lên câu hỏi về tính ưu việt của việc áp dụng giá trị hợp lý, đặc biệt là cho các nước đang phát triển.
Định hướng sử dụng giá trị hợp lý trong hệ thống kế toán Việt Nam
- Về nguyên tắc
Sử dụng giá trị hợp lý phải phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam ; việc tiến tới sử dụng giá trị hợp lý như là một cơ sở định giá chủ yếu trong kế toán cần phải có lộ trình hợp lý.
Việc sử dụng giá trị hợp lý phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế nhằm : đáp ứng yêu cầu hội nhập, các tiêu chuẩn đánh giá của Việt Nam sẽ tương đồng với các
tiêu chuẩn đánh giá của quốc tế; đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống kế toán, theo đó, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện nay xây dựng dựa trên chuẩn mực kế toán quốc tế, và việc định giá cũng không thể khác được.
Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá non trẻ, nhiều dữ liệu tham chiếu chưa có, nếu áp dụng ngay toàn bộ theo chuẩn mực quốc tế sẽ ảnh hưởng đến tính đáng tin cậy của thông tin được định giá theo giá trị hợp lý. Do vậy, việc sử dụng giá trị hợp lý cần tính toán phù hợp với đặc điểm kinh tế của từng giai đoạn. Theo đó, việc xác định một lộ trình hợp lý là cần thiết. Lộ trình này có thể bao gồm 2 giai đoạn chính, liên quan đến các giải pháp ngắn hạn và dài hạn.
- Về giải pháp + Trong ngắn hạn :
Thứ nhất, thực hiện các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tăng cường các hội thảo… nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận về việc phát triển và sử dụng giá trị hợp lý trong định giá, từ cơ quan chức năng, người làm công tác kế toán, cho đến các đối tượng sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính (BCTC).
Thứ hai, điều chỉnh Luật kế toán, chuẩn mực chung (VAS 1) ; ban hành hướng dẫn áp dụng giá trị hợp lý, chuẩn hóa định nghĩa giá trị hợp lý, giải thích các cấp độ, phương pháp xác định giá trị hợp lý, quy định sự cân đối giữa các đặc tính chất lượng và các tiêu chuẩn đánh giá.
Trên cơ sở Luật kế toán và VAS1, Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn áp dụng giá trị hợp lý, chuẩn hóa định nghĩa giá trị hợp lý, giải thích các cấp độ, phương pháp xác định giá trị hợp lý, quy định sự cân đối giữa các đặc tính chất lượng và các tiêu chuẩn đánh giá khi có hạn chế thông tin giữa tính thích hợp và tính đáng tin cậy, cũng như nội dung và phạm vi các thông tin cần công bố trong thuyết minh BCTC. Những hướng dẫn và giải thích này sẽ là cơ sở quan trọng để từng bước tạo lập hành lang pháp
lý cho việc áp dụng giá trị hợp lý trong kế toán, trước khi có một chuẩn mực chính thức về đo lường giá trị hợp lý trong kế toán Việt Nam.
Thứ ba, bổ sung, cập nhật, nội dung các chuẩn mực kế toán hiện hành có liên quan đến giá trị hợp lý.
Trong quá trình rà soát và điều chỉnh các chuẩn mực kế toán đã ban hành, cần bổ sung các quy định về định giá theo hướng tiếp cận các chuẩn mực kế toán quốc tế. Các quy định bổ sung cần hướng đến việc tạo lập sự thống nhất, theo đó, cần quy định trong chuẩn mực các yêu cầu trình bày thông tin về giá trị hợp lý.
Trước mắt, giá trị hợp lý nhất thiết phải được sử dụng sau ghi nhận ban đầu đối với : bất động sản đầu tư, công cụ tài chính, hợp nhất kinh doanh; các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, đầu tư vào công ty con, bởi lẻ, nếu phản ánh theo giá gốc sẽ không phản ánh được những thay đổi của thị trường, không phản ánh được lãi - lỗ chưa thực hiện vào đúng kỳ mà nó phát sinh.
+ Trong dài hạn
Thứ nhất, Ban hành chuẩn mực Đo lường giá trị hợp lý
Trong vòng 5 năm tới, Việt Nam cần nghiên cứu ban hành chuẩn mực Đo lường giá trị hợp lý. Chuẩn mực này được xây dựng theo hướng tiếp cận và phù hợp với IFRS 13.
Thứ hai, Hoàn chỉnh hệ thống chuẩn mực kế toán áp dụng giá trị hợp lý làm cơ sở đo lường chủ yếu.
Bên cạnh việc bổ sung, cập nhật các chuẩn mực kế toán đã ban hành phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế, trong những năm tiếp theo, Việt Nam cần tiếp tục ban hành các chuẩn mực còn thiếu. Nội dung của các chuẩn mực được xây dựng theo hướng cập nhật chuẩn mực kế toán quốc tế, đặc biệt là phù hợp với điều kiện áp dụng giá trị hợp lý trong định giá và IFRS 13. Kết quả là, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam không chỉ phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế mà còn là hệ thống chuẩn mực
kế toán áp dụng giá trị hợp lý làm cơ sở định giá chủ yếu, phù hợp với thông lệ và xu hướng quốc tế.
Thứ ba, từng bước hoàn chỉnh một hệ thống thị trường hoạt động (active market); đồng bộ và minh bạch hóa hành lang pháp lý về kinh doanh. Thị trường hàng hóa và thị trường tài chính Việt Nam phải được xây dựng ngày càng “ hoạt động” để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm các dữ liệu tham chiếu trong đo lường giá trị hợp lý./.