cho người lao động nông thôn
Trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi con người vừa là trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Chính vì vậy, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động luôn là một trong những chỉ tiêu định hướng phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng ta đề ra.
Mục tiêu của chính sách lao động việc làm của Đảng là hướng vào giải phóng sức sản xuất, giải phóng và phát huy mọi tiềm năng sức lao động, khơi dậy tiềm năng của mỗi người và của cả cộng đồng dân tộc, coi trọng giá trị sức lao động, mở rộng cơ hội cho mọi người cùng phát triển.
Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ VI (năm 1986) đánh dấu bước chuyển biến trong nhận thức và quan niệm về vấn đề việc làm của Đảng. Đại hội xác định: “Nhà nước cố gắng tạo thêm việc làm và có chính sách để người lao động tự tạo ra việc làm” (trích theo Vũ Thị Thu, 2014) [9]. Đây là khâu đột phá có tính cách mạng trong lĩnh vực việc làm ở nước ta: Nhà nước không bao cấp toàn bộ về việc làm mà chuyển dần sang Nhà nước kết hợp với người lao động, gia đình và xã hội tạo việc làm cho người lao động.
Để quán triệt quan điểm đó, Đảng và nhà nước ta đã ban hành hệ thống các chính sách và cơ chế quản lý cho sự phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần; Tạo nhiều việc làm mới, đáp ứng một bước yêu cầu việc làm và phát triển đời sống của người lao động. Quyết định số 136/HĐBT ngày 9/10/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) là mốc có tính lịch sử nhằm giải quyết việc làm cho gần 1 triệu lao động dôi dư do sắp xếp lại tổ chức sản xuất khu vực nhà nước, chuyển ra ngoài làm việc.
Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng, lần đầu tiên Đảng ta đã đưa ra phương hướng cơ bản và toàn diện về giải quyết việc làm phù hợp với thời kỳ đầu chuyển sang kinh tế thị trường: Coi trọng cả phát triển sản xuất và dịch vụ. Kết hợp giải quyết việc làm tại chỗ với phân bố lại lao động theo lãnh thổ, xây dựng các khu kinh tế mới, hình thành các cụm kinh tế - kỹ thuật, dịch vụ nhỏ ở nông thôn, ở các thị trấn, thị tứ đồng thời mở rộng xuất khẩu lao động, đa dạng hóa việc làm có thu nhập để thu hút lao động (trích theo Vũ Thị Thu, 2014) [9].
Đặc biệt Đảng ta đã chỉ rõ tầm quan trọng của vấn đề giải quyết việc làm, coi đó là “Trách nhiệm của mọi ngành, mọi cấp, mọi đơn vị thuộc mọi thành phần kinh tế, của từng gia đình, từng người ” (trích theo Vũ Thị Thu, 2014) [9]. Quan điểm trên của Đảng đã góp phần xã hội hóa vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động thực hiện quyền lao động và quyền có việc làm của người lao động theo qui định của hiến pháp năm 1992.
Nghị quyết số 120/HĐBT ngày 11/4/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về chủ trương, phương hướng và biện pháp giải quyết việc làm đã thể chế hóa những quan điểm đổi mới cơ bản đó của Đảng về việc làm trong cơ chế thị trường như: Đa dạng hóa việc làm và đa dạng hóa thu nhập, giải phòng sức lao động trên cơ sở tự do hóa trong lao động; Thực hiện các chương trình quốc gia về việc làm và lập quĩ quốc gia về giải quyết việc làm. Đặc biệt từ ngày 1/1/1995, Bộ luật lao động đầu tiên của nước ta bắt đầu có hiệu lực, quan điểm, chủ trương, chính sách và cơ chế vê vấn đề việc làm của Đảng được thể chế hóa một cách có hệ thống, đồng bộ tạo ra hành lang pháp lý để phát triển việc làm trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Tại đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (1996) Vấn đề việc làm trong cơ chế thị trường đã được nhận thức rõ hơn và phát triển lên như một tầm cao mới. Đại hội xác định: “Nhà nước đầu tư tạo thêm chỗ làm việc và tạo điều kiện cho mọi người tự mình và giúp đỡ người khác tạo việc làm” (trích theo Vũ Thị Thu, 2014) [9]. Lần đầu tiên, những phác thảo quan trọng của thị trường lao động định hướng XHCN đã được vạch rõ: “Mọi công dân đều được tự do hành nghề, thuê mướn nhân công theo pháp luật, phát triển dịch vụ việc làm”. Ngày 1/7/1998 Thủ tướng chính phủ đã ban hành quyết định số 126/1998/QĐ-TTg về việc quyết định chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đến năm 2000. Mục tiêu cơ bản của chương trình là: Tạo việc làm mới, đảm bảo việc làm cho người có khả năng lao động, có yêu cầu việc làm thực hiện các biện pháp trợ giúp người thất nghiệp nhanh chóng có được việc làm, người thiếu việc làm, có đủ việc làm đặc biệt có chính sách hỗ trợ giúp cụ thể các đối tượng yếu thế trong thị trường lao động (trích theo Vũ Thị Thu, 2014) [9].
Chương trình đưa ra những chỉ tiêu cụ thể đến năm 2000 là mỗi năm thu hút từ 1,3 đến 1,4 triệu chỗ làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống còn 5% nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 75%. Đặc biệt đến đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng, Đảng và nhà nước xác
định rõ tầm quan trọng của vấn đề giải quyết việc làm và thấy rõ mối quan hệ giữa giải quyết việc làm và phát huy nhân tố con người. Đại hội khẳng định: “Giải quyết việc làm là một trong những chính sách xã hội cơ bản của quốc gia - Bằng nhiều biện pháp, hàng năm tạo ra hàng triệu việc làm mới, tận dụng số ngày công lao động chưa được sử dụng đến nhất là trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn” và đưa ra những giải pháp cơ bản giải quyết việc làm cho người lao động như: Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế đầu tư phát triển mở rộng các cơ sở sản xuất kinh doanh tạo nhiều việc làm, phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh xuất khẩu lao động,... Như vậy, đến đại hội IX của Đảng vấn đề việc làm đã được nhận thức sâu sắc và toàn diện trong mối quan hệ với các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Chính sách việc làm phải nhằm khai thác tối đa nguồn lực con người Việt Nam, với trí tuệ và truyền thống của dân tộc đó là nguồn lực chính của sự phát triển đất nước (trích theo Vũ Thị Thu, 2014) [9].
Rõ ràng là Văn kiện Đại Hội đại biểu toàn quốc lần thứ X nhấn mạnh: ưu tiên dành vốn đầu tư của Nhà nước và huy động vốn của toàn xã hội để giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Khuyến khích người lao động tự tạo việc làm, phát triển nhanh các loại hình doanh nghiệp để thu hút nhiều lao động. Chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân, nhất là những nơi đất nông nghiệp bị chuyển đổi do đô thị hoá và công nghiệp hoá. Phát triển các dịch vụ phục vụ đời sống của người lao động ở các khu công nghiệp. Tiếp tục thực hiện chương trình xuất khẩu lao động, tăng tỷ lệ lao động xuất khẩu đã qua đào tạo, quản lý chặt chẽ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, nhất là lao động nông thôn (trích theo Vũ Thị Thu, 2014) [9].
1.2.2. Một số kinh nghiệm về tạo việc làm cho lao động nông thôn ở một số địa phương
1.2.2.1 Tạo việc làm cho lao động nông thôn ở tỉnh Thanh Hóa
Lao động và việc làm ở khu vực nông thôn tỉnh Thanh Hóa nằm trong tình trạng chung như đối với các tỉnh khác: Lao động nông nghiệp chiếm 83%
tổng lực lượng lao động toàn tỉnh (1,8 triệu người), trong khi lao động làm việc trong khu vực dịch vụ, thương mại chỉ chiếm 4% và lao động trong khu vực nhà nước chiếm 7%. Phần lớn lao động nông nghiệp tập trung ở đồng bằng, nơi đất đai hạn chế và chật chội. Hàng năm, toàn tỉnh có trên 30.000 người tham gia vào lực lượng lao động. Lao động nông thôn chỉ sử dụng hết 70% quỹ thời gian trong năm dẫn đến tình trạng thiếu việc làm rất phổ biến. Hàng năm, tỉnh phải lo tạo việc làm cho ít nhất 70.000 người, tăng tỷ lệ thời gian làm việc của lao động nông thôn lên 75%.
Trước tình hình đó, Đảng bộ tỉnh đã có Nghị quyết đề ra các biện pháp: Thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế -xã hội; Tăng cường đào tạo tay nghề gắn với các chương trình dự án phát triển chung, xây dựng các khu công nghiệp; Tăng cường và nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm, cung cấp thông tin đầy đủ và thường xuyên về thị trường lao động; Hỗ trợ người lao động để họ tự phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để tự tạo việc làm cho mình, cho lao động trong gia đình họ. Các ngành, các cấp xây dựng đề án về giải quyết việc làm; Tạo điều kiện về thuê đất, mặt bằng, thuê lao động, cho vay tín dụng ưu đãi, miễn giảm thuế, khuyến khích sử dụng nguyên liệu, lao động tại chỗ; Xúc tiến xuất khẩu lao động.
1.2.2.2. Tạo việc làm cho lao động nông thôn ở huyện Châu Giang (tỉnh Hưng Yên)
Trước năm 2000, Châu Giang (nay là Khoái Châu và Văn Giang, Hưng Yên) là huyện đất chật, người đông, độc canh cây lúa truyền thống, ngày nay mới bắt đầu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và phát triển ngành nghề phi nông nghiệp.
Huyện Châu Giang là huyện thuần nông, lao động nông nghiệp chiếm 85,6% tổng lao động của toàn huyện, cao hơn mức trung bình của cả nước, lao động phi nông nghiệp có xu hướng giảm. Trong khi đó, bình quân diện tích đất nông nghiệp theo lao động nông nghiệp có xu hướng giảm (năm 1995 là 1.150 m2/người đến năm 1998 chỉ còn 1.048 m2/người). Hơn nữa số lao
động di chuyển ra khỏi huyện cũng khá lớn: khoảng hơn 6.000 người, chiếm hơn 4% tổng số lao động, phần lớn những lao động này làm việc tạm thời tại thành phố, đến mùa vụ họ lại quay về làm nông nghiệp.
Lực lượng lao động mới bổ sung hàng năm chủ yếu là lao động trẻ, có trình độ văn hóa từ tốt nghiệp PTCS trở lên. Tuy nhiên số lao động có tay nghề, đã qua đào tạo chỉ chiếm 5% so với tổng số. Số lao động này chủ yếu làm việc trong các ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Số lao động không có việc nhưng có nhu cầu làm việc chiếm 6,4% tổng số lao động. Ngoài ra thời gian nông nhàn của lao động nông nghiệp chiếm tới 40% tổng số thời gian, cao hơn số ước tính của cả nước (28 - 30%) (Chu Tiến Quang (2001), Việc làm ở nông thôn, thực trạng và giải pháp, Hà Nội.)
Như vậy, hàng năm huyện có thêm 3.138 người và hơn 9.000 lao động thất nghiệp với thời gian nông nhàn lớn. Nguyên nhân chủ yếu do ngành nghề phi nông nghiệp không phát triển, dẫn đến không thu hút lao động thậm chí còn dôi dư. Điều này gây một áp lực không nhỏ cho vấn đề giải quyết việc làm của huyện Châu Giang.
Bằng những giải pháp tích cực, huyện Châu Giang đã giải quyết được vấn đề việc làm:
Thứ nhất: Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Từ cây lúa nước sang các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây dược liệu, cây ăn quả, cây cảnh.
Thứ hai: Thực hiện chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa: Từ chăn nuôi gia súc quy mô nhỏ lẻ, mang tính kết hợp và tận dụng cao chuyển thành chăn nuôi quy mô lớn mang tính sản xuất hàng hóa trong các hộ gia đình. Thu hút số lượng lớn lao động tham gia vào quá trình vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, gia súc.
Thứ ba: Phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp: một số nghề truyền thống tiếp tục được khôi phục và phát triển như: Vật liệu xây dựng, mây tre đan, chế biến lương thực). Bên cạnh đó, số người tham gia ngành thương nghiệp, dịch vụ như xay sát, bơm nước, làm đất,... đã tăng lên đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nông dân.
Thứ tư: Triển khai các chương trình quốc gia về giải quyết việc làm: Thực hiện chương trình 120 và 773 di dân đi xã kinh tế mới bằng nguồn vốn vay được huy động từ ngân hàng Nông nghiệp, ngân hàng Người nghèo, cho người dân vay với lãi suất ưu đãi.
Thứ năm: Hỗ trợ vốn tạo việc làm thông qua các hiệp hội: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đã tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội cho hàng nghìn hộ vay vốn để tổ chức sản xuất trồng trọt, chăn nuôi tạo việc làm cho nhiều lao động. Bên cạnh đó, Hội còn hướng dẫn các hộ sử dụng vốn vay có mục đích và có hiệu quả.
1.2.3. Một số công trình nghiên cứu khoa học về việc làm lao động nông thôn ở nước ta
Đảng ta xác định chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản cho khu vực nông thôn. Ngoài chủ trương, quan điểm của Đảng từ đại hội đại biểu lần thứ VI đến nay thì Đảng còn có nghị quyết riêng về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong đó có đề cập đến giải quyết việc làm cho lao động nông thôn như Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương khóa IX về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhiệm kỳ 2001- 2010; nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngoài ra còn nhiều đề tài nghiên cứu tập trung vào vấn đề này và các vấn đề có liên quan ở nhiều góc độ và khía cạnh khác nhau:
- Phát triển việc làm gắn với việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn - thành thị, Lê Xuân Bá (2008); phân tích phát triển việc làm gắn với việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn - thành thị ở cấp độ địa phương. Nghiên cứu đưa ra những kết luận: Tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng việc làm không phải lúc nào cũng cùng chung một tốc độ; thách thức về việc làm nói chung và chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn - thành thị nói riêng thường có thể thấy rõ hơn ở cấp tỉnh, nơi gặp nhiều khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ đó tác
giả đã đưa ra các khuyến nghị chính sách: Thúc đẩy các hoạt động phi nông nghiệp; phát triển hạ tầng; phát triển doanh nghiệp trên cơ sở phát triển sản xuất và tự tạo việc làm,... (trích theo Nguyễn Xuân Hùng, 2014) [6].
- “Việc làm ở nông thôn- Thực trạng và giải pháp”, Nxb, Nông nghiệp, H.2001, tác giả Chu Tiến Quang (chủ biên) đã làm rõ thực trạng, lao động và việc làm ở nông thôn nước ta và đề xuất những giải pháp tạo cơ hội cho lao động nông thôn có thể tiếp cận đến việc làm. Tác giả phân tích mặt mạnh, yếu của lao động ở nông thôn về trình độ học vấn, tay nghề, kỹ năng lao động, văn hóa lao động,… và chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên là do nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, tâm lý sản xuất nhỏ, điều kiện giáo dục về học vấn, nghề nghiệp, ý thức lao động,… ở nông thôn rất hạn chế. Những hạn chế này chính là cản trở người lao động tiếp cận với việc làm đòi hỏi phải có tay nghề, có ý thức trách nhiệm cao hiện nay. Để người lao động ở nông thôn có việc làm đảm bảo thu nhập, tác giả nhấn mạnh đến công tác giáo dục học vấn, dạy nghề và mở rộng sản xuất, kinh doanh,… coi đó là nhiệm vụ hàng đầu ở nông thôn hiện nay (trích theo Nguyễn Xuân Hùng, 2014) [6].
- “Mối quan hệ giữa nâng cao chất lượng lao động với giải quyết việc làm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”(2001) do Trần Văn Chử làm chủ nhiệm đề tài. Trong đề tài tác giả và cộng sự đã phân tích