Đặc điểm địa bàn nghiên cứu

Một phần của tài liệu 1_ TRAN QUOC VINH_Toan Van (Trang 54 - 59)

5. Kết cấu luận án

2.1. Đặc điểm địa bàn nghiên cứu

2.1.1. Điều kiện tự nhiên [55]

Vị trí địa lý

Tỉnh Bình Định có tọa độ địa lý từ 103036’30” đến 109018’15” kinh độ Đông và từ 13030’45” đến 14042’15” vĩ độ Bắc. Tỉnh nằm ở phía đông dãy Trường Sơn, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Nam giáp tỉnh Phú Yên, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp biển Đông. Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không khá phát triển.

Địa hình

Địa hình của tỉnh tương đối phức tạp, thấp dần từ Tây sang Đông, với độ chênh lệch khá lớn (khoảng 1.000m). Các dạng địa hình phổ biến là: Vùng núi, đồi và cao nguyên: chiếm 70% diện tích toàn tỉnh với độ cao trung bình 500 - 1.000m, đỉnh cao nhất là 1.202m ở xã An Toàn (huyện An Lão). Các dãy núi chạy theo hướng Bắc - Nam, có sườn dốc đứng. Nhiều khu vực núi ăn ra sát biển tạo thành các mỏm núi đá dọc theo bờ, vách núi dốc đứng và dưới chân là các dải cát hẹp.

Đặc điểm đất đai (thổ nhưỡng)

Toàn tỉnh được chia thành 10 nhóm với 27 đơn vị đất. Trong đó: Nhóm bãi cát, cồn cát và đất ven biển có diện tích 13.283 ha, chiếm 2,2% diện tích tự nhiên. Nhóm đất mặn: diện tích 12.710ha, chiếm 2,1% diện tích tự nhiên. Nhóm đất phèn có diện tích 456 ha, chiếm 0,08% diện tích tự nhiên, phân bố ở huyện Tuy Phước 407 ha, thành phố Quy Nhơn 49 ha.Nhóm đất phù sa có diện tích 63.756 ha, chiếm 10,54% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở các huyện An Nhơn 12.133 ha, Hoài Nhơn 9.455 ha, Tuy Phước 9.041 ha, Hoài Ân 8.351 ha, Phù Mỹ 8.796 ha. Nhóm đất xám và bạc màu có diện tích 70.809 ha, chiếm 11,7% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu

ở các huyện Tây Sơn 19.529 ha, Phù Cát 15.970 ha, Phù Mỹ 10.042 ha, Vân Canh 7.409 ha, Vĩnh Thạnh 5.125 ha, Tuy Phước 4.714 ha, Hoài Nhơn 3.269 ha…

Khí hậu, thời tiết

Khí hậu Bình Định thuộc khí hậu Duyên hải Nam Trung Bộ - miền khí hậu đông Trường Sơn. Có hai mùa rõ rệt mùa khô từ tháng 01 đến tháng 8, mùa mưa từ tháng 9 đến hết tháng 12, trong mùa mưa thường chịu ảnh hưởng các cơn bão với tần suất trung bình từ 1 - 2 cơn/năm. Độ ẩm: Độ ẩm trung bình biến đổi từ tháng này qua tháng khác chỉ chênh lệch 1 - 2%, riêng tháng kết thúc mùa khô bắt đầu mùa mưa độ ẩm không khí chênh lệch 7 - 8%. Biên độ năm của độ ẩm tương đối trung bình 11 - 13%. Nhiệt độ: Ở Bình Định, những vùng có độ cao dưới 100m nhiệt độ trung bình năm thường dao động trong khoảng 260C - 270C, ở độ cao từ 100 - 300m nhiệt độ năm thường dao động từ 240C - 250C. Càng lên cao nhiệt độ không khí càng giảm. Ở độ cao trên 400m, nhiệt độ trung bình năm giảm xuống còn 230C - 240C, trên 1.000m nhiệt độ trung bình năm giảm xuống dưới 210C.

Tài nguyên nước

Nước mặt: Toàn tỉnh có 4 hệ thống sông lớn là: Sông Lại Giang, sông La Tinh, sông Kôn và sông Hà Thanh. Tổng chiều dài 352 km. Tổng diện tích lưu vực 5.699 km2. Đặc điểm chung là dòng sông ngắn, hẹp, dốc. Mùa khô lưu lượng dòng chảy kiệt chỉ bằng 12 - 15% dòng chảy năm, các tháng 5, 6, 7 chỉ còn 7%. Do vậy hầu hết sông suối nhỏ không có nước, mức nước các dòng sông chính xuống thấp tạo ra môi trường khô hạn kéo dài không đủ nước sản xuất, một số vùng không có nước sinh hoạt, mặn xâm nhập vào trong đất liền.

Nước ngầm: Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Địa chất dự báo tổng trữ lượng khai thác ở Tam Quan 898 m3/ngày, Trà Ổ 3.077 m3/ngày, Phù Mỹ 7.049 m3/ngày, Quy Nhơn 17.983 m3/ngày. Nguồn nước ngầm ở Bình Định có trữ lượng không lớn song chất lượng khá tốt, có thể sử dụng cho sinh hoạt, trữ lượng khai thác có thể chia thành 2 khu vực.

Nhìn chung, tiềm năng các nguồn nước trên địa bàn tỉnh không nhiều, phân phối không đều trong năm. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp công trình (hồ chứa, đập dâng, trạm bơm) có thể giải quyết được nhu cầu nước cho sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Thảm cỏ tự nhiên cho chăn nuôi đại gia súc

Theo phân loại về đồng cỏ Việt Nam, thảm cỏ tự nhiên ở tỉnh Bình Định (kể cả thảm cỏ dưới tán rừng) được xếp vào loại đồng cỏ chân đồi, ven suối, phát triển

theo mùa. Đây là đồng cỏ hòa thảo trên đất xám phù sa cổ, đất đỏ vàng trên đá granit.

Đồng bãi cỏ tự nhiên chăn thả ở Bình Định phần lớn là cỏ thô, năng suất thấp (khoảng 3 ha mới đủ cỏ nuôi một đơn vị gia súc). Đồng cỏ tự nhiên ngày càng bị thu hẹp do khai thác trồng cây lâm nghiệp, cây lâu năm nên người chăn nuôi bò ngày càng phải đưa bò đi chăn thả xa hơn; ngoài ra do tập quán chăn nuôi, đa số chỉ chăn thả trên các bãi cỏ tự nhiên là chủ yếu nên khả năng tái sinh của cỏ cũng bị hạn chế. Ngoại trừ đồng cỏ trồng cắt (cỏ voi, cỏ sả) của các trang trại và một số hộ chăn nuôi trồng cỏ trong vườn hoặc trồng xen, song do thiếu nước tưới và ít chăm sóc đúng kỹ thuật nên lượng cỏ cung cấp cho đàn bò vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Hiện tại, rơm rạ, thân bắp, đậu, cỏ tự nhiên là nguồn thức ăn thô xanh chủ yếu để nuôi trâu bò, hầu hết các hộ nuôi trâu bò sử dụng cỏ tự nhiên dưới hình thức chăn thả hoặc cắt cỏ cho bò ăn, ngoài lượng cỏ tự nhiên người chăn nuôi còn trồng cỏ để cung cấp đủ thức ăn cho trâu bò.

Sản xuất trồng trọt có liên quan đến chăn nuôi

Diện tích gieo trồng lúa cả năm 2016 là 102.551 ha, năng suất 62,3 tạ/ha với sản lượng 638.900 tấn. Với sản lượng lúa trên, qua xay xát có thể thu được khoảng trên 42.000 tấn cám là nguyên liệu để chế biến thức ăn gia súc hoặc sử dụng trực tiếp cho chăn nuôi lợn làm giảm được giá thành sản phẩm chăn nuôi. Mặt khác, diện tích trồng lúa cũng cung cấp nguồn rơm rạ sử dụng làm thức ăn thô xanh cho trâu, bò (khoảng 450.000 tấn). Hiện nay và trong giai đoạn tới đây là nguồn cung cấp thức ăn chủ yếu cho vật nuôi ở Bình Định.

Diện tích gieo trồng ngô năm 2016 là 8.422 ha, năng suất 58,6 tạ/ha với sản lượng 49.418 tấn. Diện tích gieo trồng sắn là 12.836 ha, năng suất 252,2 tạ/ha với sản lượng 323.747 tấn và diện tích rau các loại: 14,05 ha, năng suất 173,3 tạ/ha với sản lượng 243.560 tấn. Các loại cây trồng trên là nguồn nguyên liệu thức ăn cung cấp năng lượng để chế biến thức ăn chăn nuôi. Hiện đang quy hoạch các loại cây này thành những vùng tập trung, thâm canh tăng năng suất, tạo điều kiện và giới thiệu các doanh nghiệp nhà máy chế biến thức ăn gia súc trên địa bàn tỉnh thu mua nguyên liệu tại chỗ, giảm được giá thành và chi phí vận chuyển thức ăn gia súc, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

2.1.2. Tình hình kinh tế xã hội

Trong thời kỳ 2001 - 2010, tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh Bình Định liên tục tăng ở mức cao, bình quân 9,85%/năm (bình quân cả nước 2001 - 2010: 7,26%/năm) và quy mô GRDP theo giá 2010 là 28.827,3 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2001 - 2005 tăng bình quân 8,90%/năm (bình quân cả nước 2001 - 2005: 7,51%/năm); giai đoạn 2006 - 2010 tăng bình quân 10,8%/năm (bình quân cả nước 2006 - 2010: 7,01%/năm) và giai đoạn 2011 -2016 GRDP tăng trung bình đạt 7,2% năm và quy mô GRDP năm 2016 là 41.185,5 tỷ đồng. Mức bình quân GRDP/người/năm theo giá so sánh 2010 tăng đáng kể, năm 2000 chỉ có 3,13 triệu đồng/người/năm, năm 2005 tăng lên 6,97 triệu đồng/người/ năm, đến năm 2010 tăng lên 17,90 triệu đồng/người/năm (bình quân cả nước năm 2010: 22,787 triệu đồng/người/năm) và năm 2016 đạt 44,5 triệu đồng/người/năm. GRDP/người tăng đồng nghĩa với thu nhập bình quân đầu người tăng góp phần cải thiện đời sống và tái đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Thời kỳ 2001 - 2016 cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, song tốc độ chuyển dịch chậm và chưa phát huy vai trò của khu vực thương mại dịch vụ. Sau 16 năm, đến năm 2016: Tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng: 10,14%, thương mại - dịch vụ giảm 2,36%, khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm 7,79% chiếm 27,41% (tỷ trọng GDP khu vực nông lâm ngư nghiệp của cả nước chiếm 20,58%).

Tình hình phát triển xã hội

Dân số trung bình năm 2016 của tỉnh Bình Định là 1,525 triệu người, là tỉnh có dân số lớn nhất so các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền trung, trong đó: Thành thị khoảng 472 ngàn người, chiếm 31%, nông thôn là 1.052 ngàn người, chiếm 69% tổng dân số. Tỷ lệ tăng dân số bình quân thời kỳ 2001-2016 toàn tỉnh là 0,145%/năm, trong đó: Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm dần từ 1,45% (năm 2001) xuống còn 0,93% (năm 2016), tỷ lệ tăng cơ học trong những năm gần đây có xu thế tăng dần (năm 2001 là -1,26%, năm 2010 là -1,03%, năm 2016 là -0,78%). Mật độ dân số trung bình toàn tỉnh là 250 người/km2. Dân số phân bố không đều, ở các huyện miền núi chỉ 31 - 39 người/km2, các huyện đồng bằng ven biển 310 - 836 người/km2, khu vực đô thị gần 1.000 người/km2. Cơ cấu

dân số trẻ chiếm 62,7% dưới 30 tuổi. Tỷ lệ nữ chiếm 51,3% và số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ còn cao.

Tổng số lao động đang làm việc năm 2016 là 924 nghìn người (chiếm 60,59% dân số toàn tỉnh); trong đó lao động khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 74,64% (năm 2001) xuống còn 64,70% (năm 2005) và xuống 49% (năm 2016); cơ cấu lao động khu vực này của tỉnh cao hơn so với bình quân chung cả nước (năm 2016 cả nước 42%).

Thu nhập bình quân một hộ ở nông thôn Bình Định khoảng 25,5 - 33 triệu đồng/năm, trong đó, thu nhập từ chăn nuôi chiếm khoảng 38 - 44%, cho thấy đời sống nông dân từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn mới đã và đang đổi thay từng ngày; từ đó, khả năng đầu tư để tăng quy mô đàn và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị của hộ nông dân ngày càng cao hơn, thúc đẩy chăn nuôi phát triển mạnh.

2.1.3. Đánh giá chung

Từ những trình bày trên có thể thấy những thuận lợi và khó khăn cho phát triển chăn nuôi đại gia súc như sau:

Những thuận lợi

Vị trí địa lý kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm chăn nuôi của Bình Định tiêu thụ ở các tỉnh trong vùng Duyên hải nam Trung Bộ và nhất là TP. Hồ Chí Minh nơi có sức tiêu thụ thực phẩm (thịt, trứng, sữa) lớn nhất cả nước.

Với điều kiện về đất đai, khí hậu... kể trên khá thuận lợi cho ngành chăn nuôi phát triển, phù hợp trồng các loại cây thức ăn gia súc và các giống cỏ cao sản; đồng thời, so sánh với điều kiện sinh lý của các loại vật nuôi nhiệt đới cho thấy thích hợp cho sinh trưởng phát triển. Tuy nhiên, khí hậu nóng kết hợp với độ ẩm cao (70 - 87%) ít thích hợp nuôi bò sữa giống HF thuần (phát triển tốt nhất ở điều kiện nhiệt độ 18 – 200C và độ ẩm 60 - 75%); ngoài ra cũng tạo môi trường để các mầm bệnh phát triển và lưu trú, khi có điều kiện dễ phát sinh dịch bệnh. Thời gian chuyển từ mùa mưa sang mùa khô và mùa khô sang mùa mưa là thời điểm thời tiết giao mùa cũng dễ làm cho gia súc - gia cầm mắc bệnh nếu không được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật.

Bình Định là một trong số ít tỉnh có đủ các loại hình giao thông, thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, là nơi giao thoa

các vùng miền: Tây nguyên và các tỉnh trong cả nước; Campuchia, Lào và Thái Lan, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu kinh tế, khoa học và công nghệ ở trong nước, trong khu vực và quốc tế.

Những hạn chế và khó khăn

Bình Định có địa hình bị chia cắt mạnh, có độ dốc lớn đã gây không ít khó khăn trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng và nhất là trong bố trí phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và phát triển chăn nuôi nói riêng theo hướng sản xuất hàng hóa lớn.

Tỉnh là nơi hội tụ nhiều yếu tố bất lợi về thời tiết, khí hậu: hàng năm lũ, lụt, bão, hạn hán, sa bồi thủy phá, nhiễm mặn,... đã gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Những năm qua thường xuyên giá cả đầu vào và đầu ra của ngành chăn nuôi luôn biến động theo chiều hướng bất lợi cho người sản xuất, đã ảnh hưởng đến giá thành và hiệu quả chăn nuôi.

Thu nhập bình quân/người trên địa bàn tỉnh thời gian qua có sự gia tăng đáng kể, song so với yêu cầu phát triển sản xuất thì đời sống của người dân nhất là ở khu vực nông thôn còn gặp không ít khó khăn, phần nào đã ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển sản xuất.

Một phần của tài liệu 1_ TRAN QUOC VINH_Toan Van (Trang 54 - 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(188 trang)
w