5. Kết cấu luận án
1.4. Các nhân tố ảnh hưởng tới phát triển chăn nuôi đại gia súc
1.4.8. Một số yếu tố khác dưới góc độ vi mô của hộ chăn nuôi
Nhóm yếu tố bên trong hộ chăn nuôi
Các yếu tố bên trong ảnh hưởng đến kết quả chăn nuôi ĐGS bao gồm: quy mô chăn nuôi của hộ, diện tích đất trồng cỏ dùng cho chăn nuôi hay diện tích trồng cây hàng năm, chi phí đầu tư thức ăn tinh, thô và phòng trừ dịch bệnh, nguồn gốc con giống,…Tất cả các yếu tố này ít nhiều đều ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của hộ. Theo Lê Viết Ly (1995), trong chăn nuôi ĐGS đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn nên việc chọn con giống là rất quan trọng, phải chọn con giống sao cho phù hợp với khả năng chăn nuôi của hộ và đạt được hiệu quả cao nhất. Con giống quyết định tới hơn 50% thành công trong chăn nuôi nên việc lựa chọn con giống là nhân tố quyết định trong chăn nuôi. Bên cạnh đó việc đảm bảo nguồn thức ăn (rau, cỏ và thức ăn tinh) cho vật nuôi là hết sức quan trọng vì đây là nguồn dinh dưỡng chính giúp vật nuôi sinh trưởng và phát triển, ngoài ra còn phải kể đến việc phòng trừ dịch bệnh nhằm bảo đảm cho chúng được khỏe mạnh và phát triển tốt (Đinh Văn Cải và cộng tác viên, 2005).
Nhóm các yếu tố bên ngoài nông hộ
Thức ăn tự nhiên và nước uống
Trong chăn nuôi thức ăn và nước uống rất quan trọng. Thức ăn là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng chủ yếu cho vật nuôi. Ngoài việc trồng rau, cỏ, sử dụng phế phụ phẩm từ trồng trọt và thức ăn tinh thì các bãi cỏ tự nhiên cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn thức ăn cho ĐGS, nhất là ở các hộ chăn nuôi theo phương thức truyền thống theo kiểu chăn thả hoàn toàn. Bên cạnh đó còn phải kể đến nước uống, nó có tác dụng điều hoà thân nhiệt, là dung môi cho sự trao đổi chất, nó chiếm tới 80% trọng lượng cơ thể. Ngoài ra nước còn dùng để tắm rửa, vệ sinh chuồng trại, phòng tránh dịch bệnh cho đàn vật nuôi (Trần Quang Hạnh, 2007).
Khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi đại gia súc
Trong điều kiện hiện nay việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất là tất yếu khách quan, không thể thiếu được. Nó góp phần không nhỏ vào tăng sản lượng và chất lượng của sản phẩm được sản xuất ra, đặc biệt là các phương pháp chăn nuôi khoa học cho phép đem lại kết quả cao nhất như kỹ thuật chế
biến thức ăn và phòng trừ dịch bệnh cho ĐGS (ủ chua, ủ urê, trộn cám,…), kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh trên đàn vật nuôi (Phạm Quang Hùng, 2006 và Trương La, 2012)
Thông tin thị trường
Sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi ĐGS nói riêng chịu sự chi phối của thị trường rất lớn. Thị trường quyết định quy mô cũng như chất lượng sản phẩm của ngành. Do sản phẩm của ngành chăn nuôi là những sản phẩm có giá trị kinh tế tương đối cao nên ở những vùng nông thôn thị trường tiêu thụ sản phẩm của ngành còn tương đối hạn hẹp nhưng có tới 80% dân số sống ở đây. Vì vậy, việc tìm ra thị trường ổn định cho phát triển chăn nuôi là rất quan trọng đối với người sản xuất để có thể chuyên tâm sản xuất không ngừng nâng cao số lượng và chất lượng của các sản phẩm chăn nuôi.
Các yếu tố khác:
Ngoài những nhân tố kể trên thì còn rất nhiều nhân tố tác động trực tiếp và gián tiếp đến ngành chăn nuôi ĐGS như chuồng trại, vốn cho kinh doanh, trình độ của người sản xuất, dịch bệnh, công tác thú y, chính sách của nhà nước…. Khi đầu tư một số vốn tương đối lớn như trong đầu tư phát triển chăn nuôi thì việc quan tâm đến các nhân tố tác động đến ngành là rất quan trọng vì nó sẽ quyết định tới việc thành công hay thất bại trong chăn nuôi (Berthouly C., 2008, Dao The Anh and Vu Trong Binh, 2005).
Kết luận chương 1
Từ những trình bày trên có thể rút ra những kết luận sau:
Thứ nhất, các lý thuyết về phát triển nông nghiệp đã thể hiện cách thức phát triển nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng. Đó là quá trình chuyển từ sản xuất đa canh sang chuyên môn hóa sâu, từ tổ chức sản xuất theo hộ sang sản xuất theo trang trại chuyên canh, từ dựa vào khai thác tài nguyên sang dựa vào đầu tư chiều sâu.
Thứ hai, các nghiên cứu liên quan tới phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi ĐGS nói riêng đã khẳng định tầm quan trọng của ngành chăn nuôi này ở các nước đang phát triển; phát triển chăn nuôi ĐGS theo các nội dung nhất định. Các nghiên cứu cả trong và ngoài nước cũng đã chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển ngành chăn nuôi này là tài nguyên, vốn, lao động, kỹ thuật chăn nuôi và các chính sách của nhà nước.
Thứ ba, chăn nuôi ĐGS có những đặc điểm nhất định. Đó là đối tượng tác động trong sản xuất chăn nuôi là các cơ thể sống, sản xuất vừa mang tính chất công nghiệp vừa mang tính chất nông nghiệp và đây là ngành sản xuất cho nhiều sản phẩm đồng thời.
Thứ tư, phát triển chăn nuôi ĐGS là quá trình vận động ngày càng tốt hơn, tiến bộ và hoàn thiện hơn cả của hoạt động sản xuất này trên tất cả các mặt của nó. Phát triển chăn nuôi thể hiện gia tăng về năng lực sản xuất và kết quả đi cùng với tổ chức sản xuất và phân bổ nguồn lực hợp lý, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội bằng cách tham gia vào chuỗi giá trị chăn nuôi ĐGS.
Chương 2
ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU