Qua thực tế giảng dạy, để có được thành quả tốt đẹp trong việc rèn kĩ năng đọc cho học sinh, tôi tự rút ra bài học kinh nghiệm sau:
Một là: Mỗi giáo viên cần phải tâm huyết với nghề: Thể hiện ở tinh thần, trách nhiệm, lòng yêu nghề, mến trẻ đặc biệt là chúng ta cần thương yêu, tôn trọng, gần gũi với học sinh, coi mỗi học sinh như con của mình. Có như vậy chúng ta sẽ đầu tư thời gian, đầu tư trí thức để trang bị cho các em một hành trang kiến thức mới, mang lại cho các em một hạnh phúc lớn lao. Bởi lẽ hạnh phúc lớn nhất của trẻ đó là được học đọc, học viết, học kiến thức. Mà biết đọc, biết viết thì cả một thế giới mới sẽ mở ra trước mắt các em.
Hai là: Muốn thực hiện được mục đích giúp học sinh có kĩ năng đọc tốt, tôi tự nhận thấy người giáo viên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, hiểu biết xã hội của bản thân. Trước khi đến lớp giáo viên phải nghiên cứu kĩ bài dạy và chuẩn bị chu đáo cho bài giảng của mình, lựa chọn, sử dụng kết hợp các phương pháp dạy học phù hợp để bài dạy có được hiệu quả cao
nhất. Giáo viên nên dự đoán các tình huống có thể xảy ra trong giờ học để xử lí tốt các tình huống trước học sinh.
Giáo viên có ý thức tự điều chỉnh, rèn đọc để mình đọc đúng hơn, hay hơn. Tự quan sát cách đọc của mình và dự tính những lỗi học sinh có thể mắc phải để có biện pháp sửa kịp thời cho các em.
Trong quá trình rèn đọc, giáo viên phải biết xây dựng nếp học cho học sinh ngay từ những buổi đầu vào lớp, dạy cho các em biết cách học có khoa học, và phải quan sát khả năng đọc của từng học sinh, “biết nghe” học sinh đọc, hướng dẫn các em biết quan sát lời đọc của mình, của bạn một cách chính xác, khách quan từ đó rút ra cách đọc đúng nhất cho bản thân mình.
Kiên trì, chịu khó trước những khó khăn trong giảng dạy ( gặp học sinh chậm hiểu, lười học) phải hướng dẫn cặn kẽ, tỉ mỉ, đi từ những kiến thức đơn giản, dễ hiểu đến kiến thức khó hơn. Khuyến khích, giúp đỡ từng cá nhân học sinh để nâng dần chất lượng đọc của các em. Động viên kịp thời những tiến bộ trong rèn đọc đúng, đọc hay của các em, giúp các em thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Ba là: Bên cạnh việc nỗ lực của bản thân, chúng ta cần có sự quan tâm giúp đỡ của Ban giám hiệu nhà trường, được sự đồng tình ủng hộ của tổ chuyên môn, bạn đồng nghiệp. Biết kết hợp chặt chẽ giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội cùng thúc đẩy tới quá trình hình thành nhân cách của thế hệ trẻ.
Bốn là: Trong quá trình giảng dạy, tuỳ từng thực tế của lớp mà chúng ta lựa chọn các phương pháp và hình thức dạy học thích hợp. Chúng ta phải luôn chú ý quan tâm đến từng đối tượng học sinh để phát hiện những mặt mạnh, mặt yếu của từng em từ đó lựa chọn những biện pháp rèn phù hợp với các em.
Nếu như đảm bảo được những yêu cầu trên thì chúng ta sẽ vững tin vào hành trang của thế hệ trẻ bước tới tương lai.