Nấm Fusarium oxysporum gây bệnh héo vàng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu thành phần bệnh nấm hại trên cây gừng và nghệ tại hà nội và phụ cận (Trang 25 - 27)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.3. Một số nguyên nhân gây hại trên cây dược liệu

2.3.4. Nấm Fusarium oxysporum gây bệnh héo vàng

Bệnh héo vàng do nấm F. oxysporum gây hại là một trong những bệnh nguy hiểm gây thiệt hại lớn cho các loài cây trồng lấy rau, củ, quả ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Ý, Anh, Nam Phi, Ấn Độ, Australia…Bệnh này có phạm vi ký chủ rộng, xuất hiện và gây hại ở nhiều nơi nhất là vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới (Vũ Triệu Mân, 2007).

Nấm F. oxysporum có sợi đa bào, màu sắc tản nấm trắng phớt hồng, sinh sản vô tính tạo ra hai loại bào tử lớn và bào tử nhỏ. Bào tử lớn cong nhẹ một đầu thon nhọn, một đầu thon gẫy khúc dạng hình bàn chân nhỏ, thường có 3 ngăn ngang. Bào tử nhỏ đơn bào hình trứng, bầu dục dài hoặc hình quả thận được hình thành trong bọc giả trên cành bào tử không phân nhánh, trong khi đó bào tử lớn hình thành từ cành bào tử phân nhánh nhiều, xếp thành tầng. Nấm còn sinh ra bào tử hậu hình cầu, màng dày màu nâu nhạt, kích thước bào tử lớn 35 - 50 x 3,5 - 5,5 nm và bào tử hậu 9 - 10µm (Vũ Triệu Mân, 2001).

Nấm phát triển ở nhiệt độ 25 - 300C. Bệnh phá hại trong điều kiện ấm và ẩm. Trong điều kiện nhiệt độ đất 25 - 300C và độ ẩm đất quá cao kết hợp với cây sinh trưởng yếu là điều kiện để nấm xâm nhập gây bệnh. Nấm F. oxysporum là loại nấm sống trong đất và phân bố rộng rãi trong các loại đất trồng trọt và đất cỏ. Loài nấm này bao gồm hơn 100 dạng chuyên hóa và chủng nấm gây bệnh héo đối với nhiều loại rau, chuối, hồ tiêu, cây họ dưa và nhiều loại cây cảnh khác (Nelson et al., 1981).

Nguồn bệnh của nấm trong đất là dạng bào tử hậu, sợi nấm và bào tử lớn phân bố tập trung ở tầng canh tác.

Nấm F. oxysporum có sẵn trong đất và rễ cây. Trong môi trường nuôi cấy PDA, nấm F. oxysporum phát triển nhiều dạng khuẩn lạc. Nhìn chung, sợi nấm khí sinh ban đầu có màu trắng, sau đó thay đổi trạng thái màu sắc khác nhau từ màu tím đến màu tía hoặc có màu cá hồi và xanh nhạt có sắc đỏ, hay màu cá hồi đến màu da cam, tùy thuộc vào chủng hay dạng đặc biệt của nấm F. oxysporum. Đường tính tản nấm sau cấy 3 ngày ở nhiệt độ 25 - 300C có thể đạt từ 2,5 cm đến 4,0 cm. Nấm F. oxysporum sản sinh ra 3 loại bào tử vô tính đại bào tử, tiểu bào tử và bào tử hậu.

Các bào tử hậu có dạng hình tròn, có thành bào tử dày do các sợi nấm tạo thành loại bào tử này thường có 1 đến 2 ngăn, chúng được sinh ra trong các đại bào tử hoặc xen giữa các sợi nấm già.

Bào tử phân sinh nhỏ là loại bào tử có 1 đến 2 ngăn, có hình trứng, hình bầu dục, đây là loại bào tử có nhiều nhất và được sản sinh trong tất cả các điều kiện, thường được sinh ra trong các mạch dẫn của cây bị bệnh.

Bào tử phân sinh lớn là loại bào tử có từ 3 - 5 ngăn. Bào tử lớn có hình bán nguyệt, hình lưỡi liềm, đại bào tử có thể tồn dư trong đất lâu đến 30 năm và nó chính là nguồn lan truyền bệnh cho năm sau và các cây chủ khác (Vũ Triệu Mân, 2007).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu thành phần bệnh nấm hại trên cây gừng và nghệ tại hà nội và phụ cận (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(77 trang)